Đạo, đời và đức tin

TPO - Đến cửa chùa để tìm đến sự bình an nhưng có khi lại trở về với  nỗi lòng u uất. Chẳng phải thần phật không lắng nghe thấu hiểu cho lòng người mà chính bởi lòng người đã chẳng còn đươc an yên ngay khi đến với thánh thần.

Cứ mỗi mùa xuân về là lễ hội nô nức muôn nơi. Có lẽ ai cũng có những ước muốn riêng của mình và mong cho nó sớm hành hiện thực khi bước vào năm mới.

Lễ hội thể hiện sự trân trọng truyền thống, tưởng nhớ đến tổ tiên ông bà, lễ hội thể hiện khát khao hạnh phúc an yên, lễ hội tôn vinh những nét độc đáo của văn hóa địa phương vùng miền…. tất cả đã tạo nên một cảnh sắc mùa xuân rực rỡ tươi vui trên cả nước bước vào năm mới.

Tuy nhiên, cùng với những nét xuân hào hứng đó là biết bao những cảnh tượng không hay, thậm chí có thể nói là vô văn hóa ở nơi này này nơi khác khiến ta không thể không buồn lòng ngao ngán. Từ những hình ảnh ăn mặc phản cảm của các em chân dài váy ngắn trong chốn thâm nghiêm, đến cảnh xô đẩy, giành giật lộc rơi lộc vãi và nhất là chuyện cúng vái xin xỏ tiền tài, danh vọng mà trong đó không ít người là cán bộ, công chức, những công bộc của dân, thậm chí  bỏ cả việc phục vụ “ông chủ” của mình để đến với thánh thần mà xì xụp khấn vái.

Chùa chiền là chốn thâm nghiêm, thanh tịnh bỗng chốc trở thành nơi ồn ã bán mua. Đến cửa chùa để tìm đến sự bình an thì có khi lại trở về với nỗi lòng u uất. Chẳng phải thần phật không lắng nghe thấu hiểu cho lòng người mà chính bởi lòng người đã chẳng còn đươc an yên ngay khi đến với thánh thần .

Vậy nên mới có chuyện hàng chục vạn người dâng sao giải hạn chẳng phải với vài đồng bạc âm phủ tượng trưng và với một loại “phí” không hề có trong danh mục và tất nhiên chẳng ai có thể kiểm soát. Chùa chiền bỗng trở thành một loại “đơn vị sự nghiệp có thu”  phát đạt nhất. Giới trẻ sẽ không thể tìm đầu ra một ý tưởng hay hơn là start up trong lĩnh vực kinh doanh lễ hội! Và ngay cả các BOT béo bở cũng không còn là độc quyền của mấy ông giao thông!

Không ít người khổ sở với chùa chiền lễ hội trong khi những mong ước của họ gửi vào những lễ vật “hoành tráng”, tốn kém, những lời khẩn cầu bài bản lâm ly chưa thấy đâu.

Vì sao nên nỗi? Phải chăng những rủi ro ngày càng nhiều đang trở thành nỗi lo quá lớn khiến cho nhiều  người chỉ biết trông cậy và thánh thần: một ngày xấu trời, bỗng dưng nhận được kết quả dương tính cho căn bệnh hiểm nghèo, hay phát hiện một khoản tiền lớn bay khỏi tài khoản chẳng biết kêu ai, tệ hơn nữa là nhận một thanh sắt cả tấn rơi vào đầu khi đi qua con đường đang gấp rút thi công để cho kịp….Tết, hoặc lao xuống vực sâu vì bác tài mất lái do chạy quá nhanh để còn phục vụ bà con đi lễ hội….Nhiều nhiều lắm những nguy cơ rình rập, vì thế mà người ta tranh nhau khấn vái, xin xỏ và những kẻ mượn danh thánh thần thỏa sức kinh doanh thần thánh.

Khi mất niềm tin vào đời thì người ta trông vào đạo, ở đâu cũng vậy, lúc nào cũng thế! Nhưng mọi điều răn dạy trong phật pháp cũng xuất hiện từ cuộc đời,  mọi tai ương trong cuộc sống cũng phần nhiều là do chính con người ta tạo ra và để rồi hứng chịu hậu quả.

Đạo chẳng qua là đời, không tốt đời thì sao mong đẹp đạo, không tâm phúc thì chẳng thể thanh cao. Ăn uống bậy bạ sao mong khỏe mạnh, phóng nhanh vượt ẩu tất yếu gặp cảnh thương tâm, tham ô, hối lộ đâu dễ hạ cánh an toàn? Phúc đức lộc tài đến từ sự thiện tâm và những việc làm tử tế trong chính cuộc đời. Tai ương giảm bớt khi mọi người chung tay trách nhiệm vì một môi trường lành mạnh, trong sáng.

 Thánh thần nếu có thật thì hiện diện mọi lúc, mọi nơi để phù hộ giúp đỡ người tử tế chứ không ngồi ở chùa để ban phát, bảo kê cho những kẻ đến xin xỏ hối lộ (bằng tiền âm phủ và cả tiền ngân hàng mệnh giá cao).

MỚI - NÓNG
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
TPO - Chiều 4/11, Cục Tổ chức cán bộ, Bộ Công an đã công bố quyết định điều động, bổ nhiệm Đại tá Đinh Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục An ninh nội địa, Bộ Công an làm Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình, kể từ ngày 6/11.