Đạo diễn Hoàng Nhật Nam: “Tôi đủ bản lĩnh để chinh phục sân khấu thực cảnh“

Tổng đạo diễn chương trình “Tinh hoa Bắc Bộ” Hoàng Nhật Nam.
Tổng đạo diễn chương trình “Tinh hoa Bắc Bộ” Hoàng Nhật Nam.
TPO - “Phù thủy sân khấu” Hoàng Nhật Nam trở thành Tổng đạo diễn của vở “Tinh hoa Bắc Bộ”. Anh tự tin với kinh nghiệm bản thân “đủ bản lĩnh để chinh phục sân khấu thực cảnh”.

Cơ duyên nào đã đưa anh đến với show diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ”, mà hình như đó không phải là thế mạnh của anh?

Đã nói đến chữ “Duyên” thì có đi xa ngàn dặm vẫn sẽ gặp. Tôi có cơ hội gặp gỡ Chủ tịch tập đoàn Tuần Châu – Ông Đào Hồng Tuyển khi Tập đoàn đăng cai tổ chức Vòng chung khảo phía Bắc của Hoa Hậu Việt Nam 2016 mà tôi làm tổng đạo diễn. Chương trình thực hiện ở sân khấu nhạc nước với sự hỗ trợ tốt nhất về mọi mặt từ ông để có một đêm diễn thành công hơn cả mong đợi. Nhiều phóng viên nhận định quy mô đêm chung khảo xứng tầm một đêm chung kết. Niềm vui này đặt nền móng để tôi nhận được lời mời từ “chúa đảo Tuần Châu” tham gia vào các dự án tiếp theo của ông. 

Chính xác ý tưởng dàn dựng cho chương trình thực cảnh thì đây là lần đầu tiên tập đoàn Tuần Châu tiên phong tại Việt Nam, đây cũng là tâm tư thai nghén từ 6 năm nay của ông Đào Hồng Tuyển. Nên chưa có đạo diễn Việt nào tự tin bảo đó là “thế mạnh” và “kinh nghiệm” của mình cả. Dù biết sẽ còn nhiều điều cần phải học hỏi để hoàn thiện nhưng tôi không ngại va vấp. Đây là một cơ hội quý mà tôi sẽ trân trọng và làm hết sức mình để “mở màn” suôn sẻ cho những vở diễn thực cảnh có giá trị tiếp theo tại Việt Nam.

Anh có thể nói rõ hơn về “sân khấu thực cảnh”, một khái niệm có lẽ là còn khá mới mẻ với công chúng Việt?

Trình diễn thực cảnh là chương trình nghệ thuật được biểu diễn trên nền cảnh quan thực tế, thường là sân khấu ngoài trời bao gồm các yếu tố cảnh sắc thiên nhiên như sông hồ, biển cả, rừng núi… hài hòa với đời sống sinh hoạt của con người bản địa. Do đó, sân khấu thường có diện tích khá rộng lớn. 

Người đạo diễn chương trình phải thật sự bản lĩnh, có tầm bao quát và có cái nhìn sắp xếp tổng thể, nếu không “thiên-địa-nhân” sẽ không tương trợ lẫn nhau mà bất kể yếu tố nào lấn át những yếu tố còn lại đều là trở ngại không nhỏ. Loại hình nghệ thuật này phổ biến trên thế giới từ lâu và được khán giả dành cho nhiều thiện cảm đặc biệt.

Trước anh, Tập đoàn Tuần Châu Hà Nội cũng từng đầu tư cho một vở diễn thực cảnh, nhưng là do một đạo diễn khác thực hiện. Khi nhận lời làm tổng đạo diễn của “Tinh hoa Bắc Bộ”, anh có cảm thấy áp lực?

Ban đầu tôi cảm thấy rất e ngại về mặt nhạy cảm trong nghề, trong giới, khi nhận được lời mời tôi cũng rất đắn đo. Sau khi được biết vở diễn đầu tiên thử nghiệm và chưa đi vào hoạt động thì nhà đầu tư quyết định dừng hẳn, thì tôi mới mạnh dạn thử sức ở một kịch bản mới do chính tôi viết. Tôi không cảm thấy áp lực bởi những việc trước đây, vì không liên quan đến tôi, tôi chỉ cảm thấy áp lực bởi suy nghĩ phải làm sao để có một show diễn hay, hấp dẫn và thành công sắp tới – điều này làm tôi trăn trở nhất! 

Đạo diễn Hoàng Nhật Nam: “Tôi đủ bản lĩnh để chinh phục sân khấu thực cảnh“ ảnh 1 Đạo diễn Hoàng Nhật Nam cùng Ông Lê Xuân Sơn (Tổng Biên tập Báo Tiền Phong) và Nhà sử học Dương Trung Quốc.

Anh có thể nói rõ hơn về ý tưởng nghệ thuật trong “Tinh hoa Bắc Bộ”? Cùng một chất liệu là nghệ thuật dân gian và các giá trị văn hóa của Bắc Bộ, anh có lo ngại mình sẽ bị “đụng chạm” ý tưởng với vở của đạo diễn khác?

“Tinh hoa Bắc Bộ” như tên gọi của vở diễn, là nơi phô diễn những tinh hoa chắt lọc của đất Bắc. “Tinh hoa” ở đây được cảm nhận từ trong các lĩnh vực nghệ thuật, đi từ Thi - Ca - Nhạc - Họa, từ các nghệ thuật Điêu khắc, Kiến trúc, các hoạt động vui chơi, giải trí đến cả các hoạt động văn hóa tín ngưỡng, tinh thần trong lao động, sản xuất, cả trong cách ăn mặc. Và tất nhiên không thể thiếu Tri thức - Học vấn. 

Sự kết hợp của chất liệu văn hóa sẵn có và công nghệ trình chiếu hiện đại, hệ thống âm thanh, ánh sáng và sự dàn dựng tinh tế khéo léo, tinh tế, sẽ mang đến một show thực cảnh đáp ứng cả nhu cầu giải trí lẫn giá trị nghệ thuật. Show diễn có thời lượng 55 phút, dự kiến 6 suất/tuần bao gồm 6 phần chính: Thi ca, Cõi Phật, Hoài cổ, Nhạc Họa, An Vui, Ngày hội.

Sân khấu đặt tại khu vực gần cụm di tích Chùa Thầy (Thiên Phúc tự) và núi Sài Sơn, được thiết kế với mặt hồ rộng lớn, có tre xanh, cây cỏ đồng nội bao bọc, con đường làng tạo thành khung cảnh sơn thủy hữu tình. Cốt truyện lấy huyền tích thiền sư Từ Đạo Hạnh và các kiếp hóa thân thành vua Lý Thần Tông làm chủ đạo để làm mạch dẫn dắt các cảnh diễn khác. 

Bên cạnh các cảnh diễn chân thực phản ánh từ chính đời sống người dân sẽ là những cảnh diễn mang tính thần tiên, bay bổng được khéo léo lồng ghép trong kịch bản để phần nghe - nhìn không bị đóng khung trong 1 phạm vi xác định nào cả. Điều đó sẽ tạo nên những điểm Wow – Bất ngờ mà khán giả thường mong muốn tận hưởng. 

Mỗi một đạo diễn đều sẽ có cái gu và tư duy khác nhau, ngay cả khi khai thác cùng một đề tài thì cách tiếp cận cũng sẽ khác. Ở đây ngay cả tên gọi của vở diễn cũng đã định hình hướng đi khác, hoàn toàn khác thì việc “đụng” ý tưởng là rất khó. Chúng ta cần phân biệt giữa việc “đụng” ý tưởng và “đụng” khi cùng sử dụng chất liệu nghệ thuật, ở đây là chất liệu dân gian. Ai cũng có quyền sử dụng các chất liệu muôn màu muôn sắc này! 

Đạo diễn Hoàng Nhật Nam: “Tôi đủ bản lĩnh để chinh phục sân khấu thực cảnh“ ảnh 2 Diễn viên đang tập luyện, họ là những người dân địa phương và sinh viên đến từ các trường múa.

Anh là một người con Đà Nẵng, lại hoạt động và làm việc chủ yếu ở phía Nam, lần này lại làm một chương trình về tinh hoa văn hóa Bắc Bộ, liệu anh có truyền tải được cảm xúc đến với khán giả khi dòng máu trong con người anh không phải là “dòng máu Bắc Bộ”?

Đúng là tôi sinh ra lớn lên ở miền Trung, sinh sống làm việc ở miền Nam và lần này được làm một show thuần văn hóa miền Bắc. Quả là một thử thách bởi tôi phải trải thời gian tìm tòi, học hỏi và nghiên cứu rất nhiều để hấp thụ được những chất liệu đắt giá cho vở diễn sắp tới. 

Khi được đào tạo lấy bằng Thạc sĩ Văn học Việt Nam cũng như học Chuyên ngành đạo diễn điện ảnh thì tôi đã tích lũy được vốn liếng kha khá của văn hóa Bắc Bộ.  Bên cạnh đó, tôi đã mạnh dạn nhờ đến các chuyên gia văn hóa, thông tin, lịch sử như ông Vương Duy Biên, Dương Trung Quốc và Lê Xuân Sơn để cố vấn kịch bản, để đảm bảo tính đúng đắn và chính xác. 

Từ nhỏ tôi rất yêu thích các bài ca quan họ khi xem trên truyền hình, tôi không hiểu tại sao nhưng rõ ràng công việc của đạo diễn bắt buộc tôi phải sống ở nhiều trạng thái, màu sắc, và tư duy nghệ thuật rất cần sự kết nối không biên giới. 

Đạo diễn Hoàng Nhật Nam: “Tôi đủ bản lĩnh để chinh phục sân khấu thực cảnh“ ảnh 3 Hình ảnh phối cảnh diễn giải cảnh diễn theo ý đồ kịch bản.

Từng làm tổng đạo diễn, rồi đạo diễn cho nhiều sự kiện lớn như Hoa hậu Việt Nam, Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội, Liên hoan phim Việt Nam, cả những show thời trang hay sự kiện doanh nghiệp… Phải chăng anh không có sự chọn lọc khi nhận show?

Tôi còn trẻ và tôi muốn trải nghiệm ở các địa hạt khác nhau để có thêm vốn sống và kinh nghiệm. Tôi nghĩ điều này là rất cần thiết cho công tác đạo diễn. Nghĩ đơn giản là có cơ hội hãy nắm lấy, cờ đến tay hãy phất, “có thực mới vực được đạo”, tôi suy nghĩ khá thoáng về công việc và cách ứng xử nên vẫn an vui tự tại với con đường đang đi hiện nay. 

Hoạt động trong giới giải trí, anh nghĩ gì về yếu tố chiêu trò? Chắc anh cũng từng sử dụng chiêu trò trong những chương trình do mình đạo diễn?

“Chiêu trò” trong giới giải trí thì muôn hình vạn trạng, cũng là một yếu tố để làm cho giới giải trí sôi động ồn ào hơn – tính chất của lãnh vực này là như vậy, tôi xin phép không bàn sâu đến bởi tính tôi cũng không thích sự ồn ào. “Chiêu trò” với khái niệm về thủ thuật sân khấu, dàn dựng, liên quan đến công tác đạo diễn thì tôi nghĩ là cần thiết để mang đến tính hấp dẫn. 

Tất nhiên tôi đã từng áp dụng nhiều thứ hay ho cho các chương trình mình dàn dựng. Có khi là thành công, có khi là cần phải rút kinh nghiệm. Điều đó là rõ ràng, hãy cẩn thận với các “chiêu trò”.

Với vở “Tinh hoa Bắc Bộ”, liệu anh có chiêu trò gì để hấp dẫn người xem?

Theo tôi dù là loại hình nghệ thuật trình diễn gì đi chăng nữa thì khi khán giả đến xem, mục tiêu tối thượng trước nhất mà tôi mong muốn là làm họ cảm thấy thỏa mãn, đã mắt, đã tai. 

Mọi thông điệp nhân văn, ý nghĩa cao đẹp, siêu tưởng đều sẽ bị thất bại trong chuyển tải nếu khán giả cảm thấy không thu hút, lôi cuốn, khiến họ xao nhãng. Tôi xin phép được giữ bí mật những điểm thú vị về chi tiết để ngày công diễn chính thức sẽ rõ. 

Anh có thể tiết lộ về chi phí khi thực hiện sân khấu thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ”? Dàn diễn viên tham gia thì sao? Họ có phải là nông dân như vở diễn trước?

Chi phí thực hiện về mặt PR tôi có thể hô lên con số ấn tượng, nhưng tôi nghĩ giá trị tiền bạc khi được đặt ngang hàng với giá trị nghệ thuật thì có phần khập khiễng và rẻ rúng nghệ thuật. Giá trị thu lại về mặt cảm xúc khán giả là một thước đo mà không có một chuẩn mực nào có thể định lượng trước, thường chúng ta khó đoán khán giả sẽ cảm thấy như thế nào, trừ phi họ đã xem xong một tác phẩm. 

Về dàn diễn viên tham gia vẫn cơ bản là các bà con nông dân tại địa phương, họ vẫn đang chuẩn bị sẵn sàng cho một vở diễn mới, rất nghệ sĩ và máu lửa. Tuy nhiên, để giúp cho quy mô và chất lượng trình diễn được hoành tráng và đầy đặn sân khấu hơn, tôi đã bổ sung thêm nhân sự từ sinh viên trường múa, trường xiếc – họ vừa đi học vừa đi làm thêm vào ban đêm. 

Tôi chọn sinh viên vì muốn đây sẽ là nơi để các em vừa học, vừa cọ sát nghề và hơn cả là kiếm tiền chân chính trang trải việc học. Thiết thực hơn, sinh viên thì mới có thể theo show diễn dài lâu, các em có độ tinh khiết và hồn nhiên – yếu tố rất cần cho vở diễn. 

MỚI - NÓNG