Chiều 8/6, tại miệt vườn hoa trái phường Kim Long, TP. Huế, Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) tỉnh TT-Huế phối hợp KODO HUB và các họa sĩ yêu Huế tổ chức triển lãm tranh mang chủ đề “Dạo chơi vườn Huế”, nhân hưởng ứng Tuần lễ Festival nghệ thuật Quốc tế Huế 2024.
Tranh của họa sĩ Đặng Mậu Tựu. |
Triển lãm giới thiệu đến công chúng 39 bức tranh của 7 tác giả Đặng Mậu Tựu, Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Thượng Hải, Nguyễn Thượng Hỷ, Hoàng Thị Như Ý (Huế), Võ Như Diệu (Quảng Nam), Phan Tiến Dũng (Đà Nẵng).
Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc khi giới thiệu về cuộc triển lãm đã liên tưởng đó là một cuộc dạo chơi, với những bước chân qua những góc vườn ngũ sắc, với những câu chuyện xao động sắc màu của nắng gió vườn xanh, những tự tình hàn huyên của lá và hoa trong những góc vườn Huế vừa tĩnh lặng vừa sôi động. Cuộc dạo chơi này đem đến cho công chúng những cảm xúc trùng trùng như lá và hoa trong vườn Huế.
"Điểm trà" của Nguyễn Thượng Hiền. |
Theo nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, thông điệp của triển lãm tranh lần này là dạo chơi để yêu lại lần nữa.
“Yêu, nhớ và yêu - nhớ lại, là hoa lá, sắc hương xưa, khung trời cũ. Chúng tôi mong Dạo chơi vườn Huế không chỉ dành cho người yêu Huế, mà là khu vườn của nguồn cảm hứng về nghệ thuật cho người cầm cọ”, đó cũng là tâm sự của họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ - người góp vui cho cuộc “dạo chơi” này với 7 tác phẩm hội họa.
Trong đó, “Sen” qua cảm nhận của công chúng, là những đóa sen hồng, nở như đang trong một vũ điệu, những cánh sen và cả lá sen đang múa, mặt nước hồ cũng lung linh. Sen ấy như có điệu ngộ của dân gian, như có ý thiền của nhà Phật, trong động có tĩnh, trong tĩnh có động.
Hoa tuổi thơ, Vườn thiêng của Nguyễn Thượng Hỷ. |
Điều thú vị của triển lãm tranh lần này, đó là sự tham gia của 3 anh em nhà họa sĩ Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Thượng Hải, Nguyễn Thượng Hỷ. Họa sĩ Nguyễn Thượng Hiền góp vào cuộc dạo chơi vườn Huế với 5 bức tranh giấy dán, gồm những chất liệu hiếm thấy hiện nay. Vườn Huế trong tranh của Nguyễn Thượng Hiền có cả vườn của hoàng gia và vườn của dân gian.
Ngọn đèn của mẹ của Phan Tiến Dũng. |
Còn họa sĩ Phan Tiến Dũng đến từ Đà Nẵng mang đến những tiềm thức mẹ trong các tranh. Theo nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, ngọn đèn trong khu vườn của họa sĩ Phan Tiến Dũng tỏa ra cùng với bóng cây, chiếc lá, như là ký ức đầy yêu thương.
Bằng những nét tài hoa cẩn mật, họa sĩ Võ Như Diệu (Quảng Nam) lại đưa công chúng vào cuộc dạo chơi Huế qua những nét cọ kỷ hà kiêu sa…
Hoa lì xì của Hoàng Thị Như Ý. |
Dạo chơi vườn Huế, công chúng còn bắt gặp một Đặng Mậu Tựu quá đỗi phiêu diêu, tài hoa.
Nắng trong vườn rực rỡ sắc màu, có sắc đỏ ối của nhiệt độ 40 độ trong đợt nắng nóng cao trào mùa hạ vừa qua, có cái am thờ trên ngõ vào nhà.
Mình mãi có nhau là một trừu tượng quấn quýt lửa hạ. Màu đỏ của hồi ức và khát vọng bao trùm lên nhân tượng và mái ấm trong vườn…
Với 39 bức tranh của 7 họa sĩ được sáng tạo bằng các chất liệu sơn dầu, acrylic, lụa, in gỗ, giấy, thể hiện theo nhiều phong cách của những tác giả đã ở tuổi trung niên và xưa nay hiếm, như họa sĩ Nguyễn Thượng Hiền đã tròn 80 tuổi, họ đã yêu và trao truyền tình yêu cho công chúng qua các tác phẩm hội họa.