Không loại trừ trách nhiệm hình sự
Báo cáo trước Quốc hội sáng 31/5 về Dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi), Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, dự luật đề xuất hai phương án xử lý tài sản kê khai không trung thực là: Đánh thuế 45% hoặc xử phạt 45% giá trị tài sản bằng tiền.
Tổng Thanh tra Chính phủ khẳng định, việc thu thuế tài sản không giải trình được nguồn gốc không có nghĩa là loại trừ trách nhiệm hình sự và tịch thu tài sản, thu nhập đối với người có nghĩa vụ kê khai.
“Nếu như các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết một vụ án hình sự khác chứng minh được tài sản, thu nhập kê khai lớn hơn tài sản, thu nhập thực tế, tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc là do phạm tội mà có để tránh cách hiểu theo hướng hợp pháp hóa 55% giá trị còn lại của tài sản, thu nhập không có nguồn gốc rõ ràng”, ông Lê Minh Khái nhấn mạnh.
Đồng thời, để phòng chống tham nhũng, nhiều nước trên thế giới cũng áp dụng nhiều cách thức xử lý khác nhau đối với loại tài sản này. Do đó, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, phù hợp với xu thế chung của quốc tế, Uỷ ban Tư pháp cho rằng, dự thảo Luật đã bổ sung quy định xử lý đối với loại tài sản, thu nhập này là cần thiết.
“Xác định nguồn gốc tài sản rất phức tạp”
Về phương án xử lý tài sản, thu nhập không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc, Uỷ ban Tư pháp nhận thấy, đặc điểm xã hội nước ta là người dân (trong đó có cán bộ, công chức) có truyền thống tích lũy, tiết kiệm, tặng cho, thừa kế trong gia đình.
Bên cạnh đó, tài sản của cán bộ, công chức được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau, và trong khi Nhà nước chưa kiểm soát được thu nhập của toàn xã hội, pháp luật hiện hành cũng chưa quy định buộc người dân phải chứng minh nguồn gốc hình thành số tiền để mua tài sản, nhất là những tài sản có giá trị lớn; chưa quy định đánh thuế đối với tài sản....
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp nhấn mạnh, việc xử lý tài sản không giải trình được tính hợp lý về nguồn gốc và là vấn đề lớn, có liên quan đến quyền sở hữu tài sản là quyền cơ bản của công dân được Hiến định, nên việc xử lý theo phương án nào cần được cân nhắc rất thận trọng, có bước đi phù hợp để vừa đáp ứng yêu cầu phòng chống tham nhũng, vừa bảo đảm quyền cơ bản của công dân.
Về cách thức xử lý, trong Uỷ ban Tư pháp cũng có hai loại ý kiến khác nhau theo hai phương án “truy thu thuế và phạt tiền” như phương án mà Chính phủ trình. Ngoài ra, một số ý kiến cũng đề nghị quy định cụ thể tiêu chí làm căn cứ để xác định trường hợp nào được coi là tài sản, thu nhập “không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc” để tránh tùy tiện, thiếu thống nhất trong áp dụng pháp luật.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật mới chỉ đề cập đến tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm và chưa có căn cứ xác định do phạm tội mà có là chưa đầy đủ, vì đối với tài sản, thu nhập tuy chưa có căn cứ xác định do phạm tội mà có, nhưng có căn cứ xác định do vi phạm pháp luật mà có (vi phạm hành chính) thì cũng phải bị tịch thu sung quỹ nhà nước hoặc trả lại cho chủ sở hữu theo quy định của pháp luật.