Cần cơ chế đặc biệt thu hồi tài sản bất minh

Đại biểu Nguyễn Văn Khánh.
Đại biểu Nguyễn Văn Khánh.
TP - Trong khi ở các nước, tài sản không rõ nguồn gốc được xem là tài sản bất minh và phải bị thu hồi, thì ở Việt Nam hiện vấn đề này còn đang bỏ ngỏ. Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cần áp dụng cơ chế đặc biệt để thu hồi các loại tài sản không rõ nguồn gốc, tài sản bất minh.

Ngày 21/11, Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp, thu hồi tài sản tham nhũng tiếp tục gặp khó khăn khi chỉ thu hồi được trên dưới 10%. Bà Thủy cho rằng, hạn chế này do pháp luật hiện hành chưa có cơ chế xử lý tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp.

 Hiến pháp không bảo vệ tài sản bất minh

“Một số trường hợp kê khai không đúng vừa qua nhưng chỉ có thể áp kỷ luật đối với người kê khai, có thể khiển trách, cảnh cáo, thậm chí cách chức, chứ không thể đụng được vào tài sản. Muốn tịch thu được khối tài sản này, phải qua một vụ án hình sự, từ khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử. Đến khi đó sẽ rất khó khăn, nhiều vụ án không còn tài sản để thi hành án”, bà Thủy nói.

Theo vị Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp, kỳ vọng của cử tri khi sửa luật lần này là giải quyết được bất cập nêu trên, tuy nhiên dự thảo vẫn để ngỏ với tài sản không giải trình được nguồn gốc. “Tham nhũng là tội phạm đặc biệt, xảy ra lâu rồi mới phát hiện, độ ẩn của tội phạm rất cao. Do đó nếu không có tố tụng đặc biệt vượt lên khuôn khổ pháp lý thông thường thì không xử lý được”, bà Thủy nói.

Cần cơ chế đặc biệt thu hồi tài sản bất minh ảnh 1 Đại biểu Nguyễn Thị Thủy. Ảnh: Như Ý.

Theo đại biểu, kinh nghiệm của các nước, như Trung Quốc không có luật phòng chống tham nhũng riêng, nhưng trong Luật hình sự có quy định về giải trình nguồn gốc tài sản và không giải trình được thì phần tài sản đó bị coi là bất hợp pháp và bị tịch thu, ngoài ra còn có thể phạt tù đến 5 năm. “Việc thu hồi của họ rất triệt để, thu cả đồng hồ, bút đắt tiền, thu theo giá trị thực tế của tài sản”, bà Thủy nói.

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) đặt câu hỏi: Hành vi sở hữu tài sản không rõ nguồn gốc, hoặc nguồn gốc không hợp pháp, nói như luật pháp quốc tế là tài sản bất minh, thì có phải tài sản tham nhũng không? Theo ông Sơn, vấn đề này phải bổ sung vào luật, có như vậy mới giải quyết hai vấn đề “cốt tử”. Trước tiên là giao thẩm quyền cho cơ quan chức năng kiểm soát, có quyền “truy lùng đến cùng” nguồn gốc các loại tài sản mà không vấp phải bất cứ sự kiểm soát nào.

Thứ nữa là trách nhiệm giải trình tài sản. “Việc chứng minh tài sản do phạm tội mà có là trách nhiệm của cơ quan nhà nước. Còn trong phạm vi điều chỉnh của dự luật này thì trách nhiệm chứng minh nguồn gốc tài sản hợp pháp phải là của chủ sở hữu tài sản. Nếu không chứng minh được thì nhà nước thu hồi tài sản đó”, ông Sơn nói.

Trước những ý kiến còn băn khoăn khi soi vào quy định về quyền sở hữu tài sản, theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM), Hiến pháp chỉ bảo vệ nguồn tài sản “hợp pháp” chứ không bảo vệ tài sản “bất minh”.

 Mở rộng đối tượng tham nhũng “sân sau”

Liên quan đến quy định mở rộng phạm vi điều chỉnh sang lĩnh vực ngoài nhà nước, đại biểu Trần Tất Thế (Hà Nam) đánh giá, thực tế tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước đã xuất hiện và đang phát triển phức tạp, khó kiểm soát, nhất là trong các lĩnh vực như vay vốn đầu tư, đấu thầu, ký kết hợp đồng giữa các doanh nghiệp, các khoản chi không chính thức để “lại quả”. Vì thế, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khu vực ngoài nhà nước là phù hợp, tuy nhiên theo ông Thế, cần thận trọng, tránh làm phát sinh việc lạm quyền, nhũng nhiễu của cán bộ, công chức.

Theo đại biểu Nguyễn Văn Khánh (Bình Dương), tham nhũng hiện nay không còn dừng lại ở quan niệm truyền thống là sản phẩm của khu vực công mà là tệ nạn, căn bệnh chung của toàn xã hội, không phân biệt ở khu vực công hay tư. “Hành vi tham nhũng ở khu vực tư thường xuất hiện như hối lộ, đòi hoa hồng, lại quả, quà biếu, bồi dưỡng, cảm ơn, chiêu đãi, tham ô, sử dụng phương tiện tài sản của tập thể vào mục đích cá nhân. Như vậy tham nhũng ở khu vực ngoài nhà nước không khác gì khu vực công”, ông Khánh nói.

Đánh giá đây là quy định nổi bật, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng, tham nhũng ở khu vực tư rất nghiêm trọng, nhiều khi chi phối, lũng đoạn cả chính sách, nhiều người đưa hối lộ hoặc thông đồng với khu vực nhà nước để tư lợi, gây thất thoát lớn tiền, tài sản nhà nước. Cùng quan điểm, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cho rằng, hiện có sự thông nhau giữa khu vực công và khu vực tư. “Người ta tham nhũng thông qua khu vực tư, ví dụ như tài sản này một triệu đô thì đưa ra khu vực tư, anh kê giúp tôi 1,5 triệu, rồi “lại quả” trở lại các cá nhân khu vực công”, ông Nghĩa nói.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Lê Thị Thủy viện dẫn thực tế qua điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đối tượng ngoài nhà nước, thậm chí là các đại án diễn ra ở khu vực ngoài nhà nước, cho thấy, tham nhũng không dừng lại quan niệm truyền thống mà là tệ nạn chung, làm giảm niềm tin, giảm tính cạnh tranh, gây khó khăn cho việc thu hút đầu tư và phát triển kinh tế xã hội.

“Việc mở rộng phạm vi ra khu vực ngoài nhà nước là hết sức cần thiết, phù hợp với quan điểm của Đảng và thực tế Bộ Luật Hình sự đã quy định. Ngoài ra, việc mở rộng phạm vi cũng phù hợp Công ước Liên Hiệp Quốc mà Việt Nam là thành viên, phù hợp quan điểm cộng đồng quốc tế cũng như phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN”, bà Thủy phân tích.

“Hành vi tham nhũng ở khu vực tư thường xuất hiện như hối lộ, đòi hoa hồng, lại quả, quà biếu, bồi dưỡng, cảm ơn, chiêu đãi, tham ô, sử dụng phương tiện tài sản của tập thể vào mục đích cá nhân. Như vậy tham nhũng ở khu vực ngoài nhà nước không khác gì khu vực công”.      

 Đại biểu Nguyễn Văn Khánh

 

“Tham nhũng là tội phạm đặc biệt, xảy ra lâu rồi mới phát hiện, độ ẩn của tội phạm rất cao. Do đó nếu không có tố tụng đặc biệt vượt lên khuôn khổ pháp lý thông thường thì không xử lý được”.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy 

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.