Tư cách đạo đức quan trọng hơn sắc đẹp
Giờ đây khi đã là một giọng ca nổi tiếng, có khi nào chị nhớ đến những ngày đầu mình bước chân lên sân khấu?
- Điều đặc biệt của cuộc đời Ý Lan là giây phút mở mắt trong một ngày luôn được nuôi dưỡng bằng âm nhạc Việt Nam. Cho nên từ năm 5-6 tuổi tôi bắt đầu mê âm nhạc, đã thèm một ngày nào đó được làm ca sĩ.
Đến khi mình bắt đầu được bước lên sâu khấu, muộn mằn lắm, năm ấy cũng là trên 30 tuổi (năm 1989), đã có 5 người con. Thời điểm đó tôi nghĩ rằng có lẽ mình đã hoàn thành bổn phận sinh nở để thực hiện thiên chức làm mẹ, giờ là lúc đi tìm những gì mình ao ước, những gì mình chưa thực hiện được trong đời sống. Đó là những ngày tháng đầu tiên mà Ý Lan quyết định trở thành ca sĩ. Nó là niềm vui của đứa trẻ được viên kẹo ngọt, sự hạnh phúc khi một cô bé 5-6 tuổi phải đợi đến qua 30 tuổi mới thực hiện được ước mơ của mình.
Hẳn là với chị, lên sân khấu là quá dễ dàng khi có mẹ là danh ca Thái Thanh?
- Ý Lan may mắn có bố mẹ là những người nổi tiếng thời đó ở Việt Nam. Bố tôi là tài tử đầu tiên của Việt Nam, ông Lê Quỳnh. Mẹ tôi là ca sĩ Thái Thanh. Thành thử ra xem như bố mẹ đã “trải thảm đỏ” sẵn cho Ý Lan được bước lên đó một cách thong dong.
Lên sân khấu tôi hát một cách hồn nhiên không so đo, suy nghĩ. Tôi nghĩ đây là hạnh phúc của mình, nên mình cứ tung tăng trên sân khấu, trong âm nhạc. Để rồi không biết thế nào là sợ, thế nào là thất bại, thế nào là thành công?
Nhưng đến giờ phút này, mỗi ngày, mỗi một năm về sau cho tôi sự dày dạn hơn trong cuộc đời, thì tôi mới phải hiểu mình “phải sợ”.
Nỗi lo sợ của chị xuất phát từ đâu?
- Khi mình đã đến gần khán giả thì mình phải giữ gìn. Vì khi họ đến gần họ nhìn được tư cách của mình. Bên cạnh sắc đẹp, thời trang hay là tiếng hát thì dần dần với tôi tư cách lấy nhiều phần trăm hơn các thứ khác. Người khán giả yêu mình bởi con người, bởi tư cách mình, bên cạnh thời trang hay là tiếng hát, tất cả ngang nhau hết. Mình không thể xem thương điều đấy.
Mừng vì thấy Hồ Ngọc Hà, Lệ Quyên, Mỹ Tâm đã thay đổi
Có phải vì thế mà chị luôn tỏ ra quá khéo léo trong lời ăn tiếng nói mỗi khi xuất hiện?
- Đối với tôi lời ăn tiếng nói quan trọng lắm. Có người bảo “khẩu xà tâm Phật” nhưng tôi không tin điều đó, lời mình nói ra phải từ suy nghĩ và những xúc cảm bên trong.
Các cụ có dạy “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”, khi còn trẻ tôi nghĩ “cái gì đâu?”. Nghĩ gì nói đấy, chân thật là tốt nhất. Chứ tại làm sao phải uốn lưỡi trước khi nói.
Khi lớn hơn tôi hiểu những lời các cụ “là xương là máu”, là bao nhiêu kinh nghiệm từ đời sống của họ. Cho nên tôi tin là “chọn lời mà nói không mất tiền mua” nên những điều gì mình cần nói mà làm vui lòng người khác nhưng vẫn phải là sự thật thì phải nói ngay, không biết có bao giờ mới cái dịp nói lại, không biết bao giờ có ngày mai.
Mỹ Tâm tự nhận mình "nói hay bị vô duyên" trên sân khấu đêm nhạc Thanh Tùng - Ngôi sao cô đơn.
Chị cũng thể hiện vẻ ngoài quá đẹp, đôi khi người ta bảo chị điệu đà quá đấy?
- Có những khán giả nói Ý Lan điệu quá, điệu “chảy nước ra”… Nhưng có lẽ là họ không hiểu con người của Ý Lan, gốc gác của Ý Lan nên chưa quen phong cách của tôi. Đến giờ sau hơn 25 năm thì họ lại yêu quá đi rồi.
Nhưng không phải bỗng nhiên mà những cái điệu đà nó “thành thương hiệu” của mình đâu. Năm 1989, khi tôi lần đầu tiên được chú Ngọc Chánh, một bầu show ở Mỹ mời hát độc quyền cho phòng trà của ông, thì lần đầu tiên lên sân khấu, tôi chỉ biết mặc một cái váy xếp li màu xanh, áo sơ mi trắng với mái tóc cắt ngắn. Vẻ ngoài chẳng khác gì thời mình còn đi học trong trường dòng. Hơn 30 tuổi mà tôi không biết trang điểm, lên sân khấu chỉ đánh chút son đỏ.
Thế mà chú Ngọc Chánh nói: “Từ ngày có con vào hát cho phòng trà của chú thay đổi nhiều quá. Tất cả các ca sĩ ai nấy cũng bắt đầu diện lên, để ý hơn đến đầu tóc quần áo”.
Tôi mừng quá! Mừng này không phải là lời khen mình mà là mình đã góp phần thay đổi diện mạo cho nghề mình đang làm.
Nhìn vào các em ca sĩ trẻ trong nước hiện nay tôi cũng thấy vui và hãnh diện vô cùng. Tôi nhìn thấy Hồ Ngọc Hà, Lệ Quyên Mỹ Tâm, những tháng năm trước họ khác. Tôi xin không nói gì thêm, hôm nay họ khác rồi.
Cách ứng xử trên sân khấu của các em phần nào mang lại cho tôi niềm tin và sự hạnh phúc. À, trong cái nhìn đó, trong sự nghe ngóng đó phảng phất một cái gì đó của mình. Phảng phất gì đó, có thể họ không học gì ở Ý Lan.
Nhưng trong một lần nào đó họ nghe Ý Lan nói chuyện, họ từng nghe Ý Lan hát, Ý Lan đứng trên sân khấu như thế nào? Trong đời sống của mình phải có những lúc mà mình ngồi ngẫm lại mình ảnh hưởng từ đâu. Như Ý Lan chắc chắn người ảnh hưởng lớn nhất là mẹ Thái Thanh, bên cạnh đó Ý Lan cũng phải nghe cô Lệ Thu, chị Khánh Ly, chị Hương Lan, mỗi một người ca sĩ đều có điểm hay của họ mình cần tiếp thu.
Đàm Vĩnh Hưng cũng nông nổi lắm
Chị dường như luôn chuẩn bị quá kỹ lưỡng khi lên sân khấu từ hình ảnh đến lời ăn tiếng nói, có cần cầu kỳ đến thế không chị?
- Từ bé tôi được nhìn thấy bố - một tài tử Việt Nam lúc bấy giờ chuẩn bị cho việc đóng phim, được nhìn thấy mẹ - một danh ca, chuẩn bị cho sự đi hát của mẹ như thế nào. Những hình ảnh đó đã thấm nhuần trong tôi giúp tạo nên hình ảnh của Ý Lan ngày nay.
Tôi nghĩ mình phải chăm chút thật kỹ lưỡng và cẩn thận hết mức có thể, từ quần áo cho đến trang sức, make up, giày dép... để khi bước lên sân khấu, đứng trước khán giả rồi thì không được điệu nữa.
Là vì sao? Lúc đó là giây phút mình có thể chia sẻ với khán giả, giây phút mình được khán giả yêu và mình được yêu khán giả. Những gì mình nghĩ đến giây phút đó cũng là lúc mình dẹp qua hết đi để lúc đó là hưởng hạnh phúc với âm nhạc và khán giả. Điều này quan trọng lắm.
Nhiều người cứ hỏi Ý Lan sức ở đâu mà hát 30-40 bài một đêm? đứng trên sân khấu mà không biết mệt. Tôi bảo làm sao mà Ý Lan biết mệt? Ý Lan được bơm tăng lực mà? Bao nhiêu năng lượng của khán giả đều bơm cho mình. Điều này mình phải cảm tạ khán giả. Họ đến tức là họ đã mất thời gian quý báu của họ. Thứ hai là mua một chiếc vé “đắt ơi là đắt” không phải dễ gì? Rồi lại thêm nữa ngồi một đêm với mình. Bao nhiêu năng lượng bỏ ra với mình.
Đó là lý do tại sao Ý Lan yêu và quý khán giả của mình vô cùng. Thậm chí Ý Lan luôn nhắc bản thân không thể nào chểnh mảng vấn đề “kính trọng” đối với khán giả.
Pha hôn sư gây sốc của Đàm Vĩnh Hưng một thời.
Chị dùng từ “kính trọng” khán giả, xem ra chị luôn đặt công chúng lên trên hết nhưng các ca sĩ trẻ hiện nay khá thờ ơ trong mối quan hệ này thì phải?
- Tôi nghĩ câu chuyện đối đãi với khán giả ra sao của từng ca sĩ cũng tùy vào dòng nhạc họ theo đuổi. Ví dụ như các ca sĩ dòng nhạc teen thì không thể bắt các em trân quý khán giả được. Nhưng tôi nghĩ khi các em càng sống và làm nghề lâu các em sẽ hiểu được điều này.
Như Hồ Ngọc Hà hay Mỹ Tâm thời gian trước đây họ cũng là những ca sĩ trẻ thôi. Rồi trong đời sống họ cũng phải lớn lên, cũng phải làm mẹ, rồi họ cũng phải va vấp với đời. Những điều đó không ai dạy ai, tự nó sẽ đến chị hy vọng và tin tưởng điều ấy.
Hay như Đàm Vĩnh Hưng. Mười mấy năm trước Đàm Vĩnh Hưng lên sân khấu cũng nông nổi lắm chứ không phải là không? Nhưng những lần sau này tôi gặp Hưng thấy Hưng hoàn toàn là một người đàng hoàng. Từ lời ăn tiếng nói đến cách Hưng ứng xử với mọi người, làm tôi rất trân quý em.
Những điều đó làm tôi tin rằng tất cả những gì mà giới trẻ hôm nay còn khiến người ta lo lắng rồi thì cũng sẽ đến lúc đi đến chỗ ấm áp.