Đằng sau việc Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân vào Iraq

Thổ Nhĩ Kỳ điều binh sĩ cùng xe tăng, pháo hạng nặng vào Iraq. Ảnh: Sputnik.
Thổ Nhĩ Kỳ điều binh sĩ cùng xe tăng, pháo hạng nặng vào Iraq. Ảnh: Sputnik.
Đúng lúc IS ở Mosul bị đẩy vào tình thế khó khăn nhất, hàng trăm binh sĩ vũ trang hạng nặng của Thổ Nhĩ Kỳ bỗng nhiên xuất hiện ở gần đó.

Hồi tuần trước, chính phủ Iraq đã vô cùng tức giận khi phát hiện hàng trăm binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ được trang bị cả xe tăng và pháo đang được triển khai tới gần thành phố Mosul, "thủ phủ" của phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Iraq.

Dexter Filkins, nhà báo từng đoạt giải Pulitzer của NYTimes, cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng cường cho lực lượng quân đội đồn trú ở gần Mosul bằng máy bay chiến đấu và các sĩ quan tình báo. Phát biểu trên tờ Al-Jazeera hôm 9/12, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyp Erdogan cho hay chính Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đã đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân sang để huấn luyện cho dân quân người Kurd chống IS.

Tuy nhiên, chính ông al-Abadi đã mạnh mẽ lên tiếng phản đối động thái "xâm nhập bất hợp pháp" trên của Thổ Nhĩ Kỳ và đe dọa sẽ yêu cầu Liên Hợp Quốc can thiệp. Chính phủ Iraq thậm chí còn nói rằng sẽ nhờ Nga giúp đỡ trực tiếp để giải quyết vấn đề. Những động thái này của Iraq cho thấy tuyên bố của ông Erdogan không mấy tin cậy, nhà báo Filkins nhận định.

Theo ông Filkins, việc điều động quân đội với các trang thiết bị hạng nặng đến đồn trú ở Iraq là một trong những toan tính "tranh quyền đoạt lợi" của Tổng thống Erdogan, nhằm giành lấy ảnh hưởng địa chính trị trong khu vực. Kể từ năm 2011, khi phong trào nổi dậy ở Syria bùng lên, ông Erdogan đã tìm cách lợi dụng tình hình để thu lại lợi ích cho Thổ Nhĩ Kỳ bằng những hành động ủng hộ gần như công khai với phe nổi dậy.

Tuy nhiên ông đã phạm một sai lầm nghiêm trọng khi hậu thuẫn, viện trợ cho một loạt các nhóm phiến quân, trong đó có cả IS, nhằm lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, người từng là đồng minh, thân hữu của ông. Ankara đã cho phép, thậm chí là giúp đỡ, các chiến binh nước ngoài vượt biên vào Syria qua ngả Thổ Nhĩ Kỳ. Filkins cho rằng IS không thể bành trướng mạnh như hiện nay nếu không có sự trợ giúp của Thổ Nhĩ Kỳ.

Sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria chính là một phần trong chiến lược của họ trên toàn khu vực Trung Đông trong những năm đầu của phong trào Mùa xuân Arab. Ở bất cứ nơi nào có thể, ông Erdogan đều hậu thuẫn cho các phe phái chính trị có liên quan đến phong trào Anh em Hồi giáo. Đây là phong trào của người Hồi giáo dòng Sunni, khởi nguồn cho đảng cầm quyền AKP của ông Erdogan.

Tại Syria, ông Assad kháng cự kiên cường hơn những gì ông Erdogan đã nghĩ. Năm 2013, khi Mỹ quyết định không can thiệp quân sự vào Syria sau cuộc khủng hoảng vũ khí hóa học, chính ông Erdogan là người tỏ ra tức giận với Tổng thống Mỹ Barack Obama hơn ai hết.

Trong lúc chính quyền ông Assad trở nên vững vàng hơn với sự hậu thuẫn của Iran và Nga, Thổ Nhĩ Kỳ đã châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng mới khi bắn hạ chiếc Su-24 của Nga. Theo nhà báo Filkins, với hành động này, ông Erdogan đã quyết định khai chiến với đối thủ mạnh nhất nhằm giành lại ảnh hưởng ở Syria.

Tổng thống Nga Vladimir Putin, bằng tư duy của một cựu điệp viên, đã trả đũa bằng một loạt những thông tin tình báo tố cáo Thổ Nhĩ Kỳ đang tham gia vào hoạt động mua bán dầu lậu với IS. Cáo buộc này của Nga đã giáng một đòn mạnh vào uy tín của ông Erdogan.

Đúng lúc đó, thông tin về đoàn xe tăng, pháo binh và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ kéo vào Iraq được công bố rộng rãi trên báo chí. Điều gây chú ý hơn cả là vị trí mà quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đồn trú là ở thị trấn Bashiqa, cách thành phố lớn thứ hai Iraq Mosul chỉ vài km.

Mosul trở thành sào huyệt của IS ở Iraq kể từ khi thành phố này rơi vào tay phiến quân từ tháng 6/2014. Hồi tháng trước, dân quân người Kurd dưới sự yểm trợ của không quân Mỹ đã phong tỏa tuyến đường cao tốc nối liền Mosul với khu vực do IS kiểm soát ở Syria.

IS hiện đang phải dựa vào một số tuyến đường nhỏ hơn để tiếp tế lương thực, đạn dược, nhiên liệu cho chiến binh trong thành phố Mosul. Dân quân người Kurd đang tích cực chuẩn bị cho một chiến dịch nhằm cắt đứt nốt những tuyến đường này, đẩy IS ở Mosul vào tình thế bị cô lập và sớm sụp đổ.

"Nếu những tuyến đường này bị cắt đứt, chất lượng đời sống bên trong Mosul sẽ xuống dốc rất nhanh", một cựu quan chức tình báo Mỹ cho biết.

Đúng lúc IS ở Mosul rơi vào tình thế nguy ngập nhất, hàng trăm binh sĩ vũ trang hạng nặng của Thổ Nhĩ Kỳ xuất hiện ngay gần thành phố này. Lý do mà Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra để giải thích cho hành động điều quân trên là để bảo vệ lực lượng mà họ đã triển khai ở đó từ trước để huấn luyện dân quân người Sunni, nhưng có vẻ như không có nhiều người chấp nhận lời giải thích này.

Theo nhà báo Filkins, việc điều một lực lượng quân sự lớn đến Iraq là bằng chứng cho thấy ông Erdogan đang tìm cách gia tăng ảnh hưởng và tiếng nói ở nước này, sau những thất bại về chiến lược ở Syria.

"Ông Erdogan muốn là một phần trong bất cứ điều gì sắp diễn ra ở Mosul, và việc điều quân đến đây là biện pháp tốt nhất để đảm bảo cho điều đó", một quan chức cấp cao Iraq tiết lộ với ông Filkins.

Đằng sau việc Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân vào Iraq ảnh 1

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: Alsaman.

Lá bài người Kurd

Theo giới phân tích, Thổ Nhĩ Kỳ không thể lén điều động một lực lượng quân sự lớn áp sát Mosul nếu như không có cái gật đầu của chính quyền Tự trị người Kurd ở miền bắc Iraq (KDP).

Ông Filkins cho rằng trong bất cứ trường hợp nào, người Kurd ở Iraq cũng không thể từ chối Ankara, bởi giấc mộng độc lập của họ phụ thuộc rất lớn vào đường ống dẫn dầu nối từ khu tự trị người Kurd, chạy qua Thổ Nhĩ Kỳ ra Địa Trung Hải. Ông Erdogan có thể chặn đường ống này và cắt đứt nguồn tài chính quan trọng của người Kurd bất cứ lúc nào.

"Từ năm 1992, biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq thực chất đã biến thành biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và KDP, với chất keo kết dính là dầu mỏ", ông Aydin Selcen, chuyên gia đối ngoại cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ trả lời phỏng vấn tờ Al-Monitor.

Đằng sau việc Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân vào Iraq ảnh 2

Khu vực tự trị của người Kurd ở miền bắc Iraq. Đồ họa: Wikipedia.

Theo ước tính của Financial Times, mỗi ngày KDP khai thác và bán ra 450.000 thùng dầu qua ngả Thổ Nhĩ Kỳ, thu về khoảng 1,5 tỷ USD chỉ trong vòng hai tháng qua. Tuy nhiên số tiền này vẫn không đủ để KDP trả lương cho các nhân viên chính quyền, và Thổ Nhĩ Kỳ đã ra tay giúp đỡ bằng những khoản cho vay hào phóng lên tới một tỷ USD.

Theo điều tra của phóng viên Tolga Tanis thuộc tờ Hurriyet, ông Erdogan và các quan chức thân cận có thể đã hưởng nhiều lợi tài chính từ hoạt động trung chuyển dầu cho người Kurd ở Iraq. Powertrans, công ty duy nhất được phép vận chuyển và mua bán dầu của người Kurd được điều hành bởi Berat Albayrak, con rể của ông Erdogan. Một số quan chức người Kurd giấu tên cho hay Ahmet Calik, một doanh nhân có quan hệ mật thiết với ông Erdogan, là người duy nhất được phép vận chuyển dầu của người Kurd bằng xe tải tới Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhà báo Filkins cho rằng mối quan hệ "nhập nhèm" giữa người Kurd ở Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ có thể là một mối họa với khu vực, khi ngày càng nhiều cường quốc đưa lực lượng bộ binh tới Iraq và Syria, gia tăng nguy cơ nổ ra đụng độ vượt khỏi tầm kiểm soát.

"Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ở Iraq, lực lượng Nga, Iran và Hezbollah đang chiến đấu ở Syria, và sắp tới có thể là đặc nhiệm Mỹ, biến Trung Đông thành một thùng thuốc súng thực sự. Cuộc chiến ở Syria càng kéo dài bao nhiêu, nguy cơ nổ tung của thùng thuốc súng này càng lớn bấy nhiêu", ông Filkins nhấn mạnh.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG