Đằng sau việc ông Trump đòi mua Greenland

Greenland với gần 2,2 triệu km2 chỉ có 57.000 dân. Ảnh: Sky News
Greenland với gần 2,2 triệu km2 chỉ có 57.000 dân. Ảnh: Sky News
TP - Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đã lên tiếng bày tỏ ý muốn mua lại Greenland, hòn đảo lớn nhất thế giới (nếu tính Australia là một lục địa) nhưng chỉ có khoảng 57.000 cư dân. 

Mặc dù Greenland có cơ chế tự trị nhưng là lãnh thổ thuộc Đan Mạch và thủ tướng Đan Mạch đã nói ngay vùng đất này không phải để bán, vẫn còn đó hàng loạt câu hỏi liên quan đến đề nghị bị cho là “kỳ quặc” của ông Trump.

Một bài trên Guardian cho rằng, đối với tổng thống Mỹ đương nhiệm, một tỷ phú bất động sản, nếu mua được vùng đất Greenlandgần 2,2 triệu km2 (gấp 6,5 lần diện tích Việt Nam) thì đây là thương vụ cuộc đời của ông. Tổng thống Trump có thể sánh ngang với cố Tổng thống Andrew Johnson, người đã mua lại vùng Alaska từ Nga năm 1867, và cố Tổng thống Thomas Jefferson, trả tiền cho Pháp để nước Mỹ có được vùng Louisiana từ năm 1803. Còn đối với các cố vấn xung quanh ông Trump, có được vùng đất hoang vu lạnh giá ấy sẽ giúp thách thức vị trí thống trị của Trung Quốc trong ngành công nghiệp luyện kim, giúp ngăn chặn các tham vọng quân sự mới xuất hiện trở lại từ Nga.

Hiện nay Greenland là vùng đất tự trị và Đan Mạch lo phần quốc phòng và ngoại giao cho hòn đảo này.

Nhưng vì sao lại nói nó giúp Mỹ thách thức Trung Quốc? Là bởi vì Greenland có trữ lượng kim loại đất hiếm thuộc hàng lớn nhất thế giới, bao gồm neodymium, praseodymium, dysprosium và terbium, cùng với uranium và các sản phẩm phụ của kẽm. Đây là nguyên liệu cho các ngành công nghiệp công nghệ cao như điện thoại thông minh, máy tính và gần đây nhất là ô tô điện.

Là một nhà kinh doanh lão luyện, ông Trump thừa hiểu nghệ thuật mặc cả là đánh vào chỗ yếu của đối thủ. Ông nói việc “sở hữu” Greenland đang khiến Đan Mạch, một đồng minh trong NATO của Mỹ, mỗi năm tiêu tốn khoảng 700 triệu USD tiền trợ cấp. Nay nếu bán, vừa có tiền, vừa không phải nuôi. Với người đóng thuế Đan Mạch, khó có thể nói đề nghị này không có chút gì đáng suy nghĩ.

Chỉ có điều, Greenland có vẻ ngày càng trở nên hấp dẫn, khi trái đất nóng lên và băng đang tan ở các vùng cực. Vùng này được cho là giàu tài nguyên khoáng sản, có vàng, có kim cương, có cả dầu mỏ. Chẳng phải tự nhiên mà trong một số năm gần đây, nhiều người Trung Quốc đã xuất hiện ở vùng đất khỉ ho cò gáy này. Năm 1946, tổng thống Mỹ lúc đó là Harry Truman đã đề nghị mua Greenland với giá 100 triệu USD, tương đương 1,3 tỷ USD tại thời điểm hiện nay.

Mối quan tâm của Trung Quốc đối với hòn đảo lạnh giá  của Đan Mạch thể hiện qua một công ty khai khoáng của Úc mang tên Greenland Minerals. Điều quan trọng là công ty Shenghe Resources Holdings (công ty tài nguyên Thịnh Hòa) của Trung Quốc là cổ đông lớn nhất, nắm giữ 11% cổ phần.

Mà Thịnh Hòa là gì?Theo tờ Forbes, đó là nhà sản xuất hàng đầu về đất hiếm ở Trung Quốc.

Bắc Kinh đang thống trị thế giới  về đất hiếm và cuộc chiến thương mại biến lĩnh vực này thành chủ đề nóng trên các diễn đàn, làm nhiệt độ ở vùng đất Greenland lạnh lẽo cùng tăng dần lên từng ngày.

MỚI - NÓNG