Sau khi Thủ tướng kết luận không được phá cầu Long Biên, Sở VHTT&DL Hà Nội có động thái nào để bảo vệ cây cầu này?
Trước hết, Sở VHTT&DL theo chức năng quản lý nhà nước về văn hóa báo cáo UBND thành phố Hà Nội, xin chủ trương cho phép Sở chủ động làm hồ sơ xếp hạng di tích cầu Long Biên. Khi UBND thành phố đồng ý, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), vì hiện tại cây cầu do bộ này quản lý.
Thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, quan điểm của Sở VHTT&DL Hà Nội là phải bảo tồn, phát huy giá trị của cầu Long Biên, còn chuyện xây dựng cầu mới, chọn phương án nào là do các cơ quan chuyên môn khác đảm trách.
Liên quan đến câu chuyện bảo tồn cầu Long Biên, có lẽ việc trước hết phải công nhận di tích cho cây cầu gắn với Thủ đô hơn trăm năm nay. Thưa ông, việc làm hồ sơ này mất bao lâu?
Tôi cho rằng không mất thời gian lắm đâu. Hằng năm, Sở đều có kế hoạch kiểm kê danh mục các di tích, di sản để trình lên Bộ VHTT&DL công nhận di tích cấp quốc gia. Hà Nội có gần 6 nghìn di tích, cho nên việc xây dựng hồ sơ cũng phải có thời gian, ngân sách. Năm nào cũng làm, năm nay Sở ưu tiên xin thành phố đưa cầu Long Biên vào hồ sơ trước.
Hồ sơ tương đối rõ ràng rồi, từ chứng tích lịch sử, thời gian xây dựng, tác giả đều có cả rồi. Giám định chắc cũng rất dễ. Nếu được lãnh đạo thành phố đồng ý, trong năm nay chúng ta có thể công nhận cầu Long Biên là di tích cấp quốc gia.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc cấp bách là phải bảo tồn, tu bổ cầu Long Biên. Cụ thể, Sở có phương án gì?
Thủ tướng Chính phủ có kết luận rồi, quan điểm của Sở cũng là phải bảo tồn cầu Long Biên. Câu chuyện bảo tồn thế nào, chúng ta cần hội thảo. Cầu Long Biên vẫn do Bộ GTVT quản lý, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ. Trước mắt, bảo tồn cầu là cứ giữ cho nó đẹp đẽ đi, an toàn đi. Buổi chiều mọi người có thể đi bộ lên cầu, ngắm cảnh, hay đi ra bãi giữa sông Hồng. Như thế cũng là điều hay.
Biến cầu Long Biên thành bảo tàng ngoài trời, hoặc đưa nó trở thành sản phẩm du lịch có nằm trong kế hoạch phát huy giá trị cầu Long Biên không?
Trước mắt giữ nguyên trạng cầu Long Biên. Phát huy giá trị là chuyện lâu dài, chúng ta có thể xây dựng thành sản phẩm du lịch đàng hoàng. Hiện, lãnh đạo Sở VHTT&DL Hà Nội chỉ đạo triển khai đề án bảo tồn, phát huy giá trị cầu Long Biên. Chúng tôi có ý tưởng biến nơi này thành địa điểm du lịch, có thể đi bộ trên cầu, là nơi tổ chức sự kiện nghệ thuật, giải trí. Nếu có thể làm quy mô lớn hơn, tôi hy vọng xây dựng được hình ảnh cầu Long Biên gắn với một số hoạt động ở bãi giữa sông Hồng.
Phải làm “sống” di tích
Trong Công văn phúc đáp văn bản Bộ GTVT gửi xin ý kiến về 3 phương án vị trí cầu vượt sông Hồng thuộc Dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội, Bộ VHTT&DL nêu ý kiến:
Đối với phương án 1, Bộ VHTT&DL nhận thấy đây là một phương án di chuyển di tích đến một địa điểm hoàn toàn mới và bảo tồn theo hình thức bảo tàng nên sẽ không làm “sống” di tích.
Bộ cũng không đồng ý với phương án 2, vì sẽ làm biến mất hoàn toàn di tích. Với phương án 3, Bộ VHTT&DL nhận thấy phương án này đã thể hiện được việc kết hợp giữa bảo tồn và phát triển. Tuy nhiên, phương án này vẫn gây tác động làm biến dạng cầu Long Biên, do vậy, Bộ VHTT&DL đề nghị nghiên cứu lại.
LTS: Trước đề xuất của Bộ GTVT về 3 phương án xây dựng cầu đường sắt vượt sông Hồng (tuyến số 1 Ngọc Hồi- Yên Viên), ngày 24/2, báo Tiền Phong đã mở diễn đàn: “Cầu Long Biên- Bảo tồn hay xây mới”? Sau hơn mười ngày tổ chức diễn đàn, báo Tiền Phong nhận được hàng trăm ý kiến, bài viết của các chuyên gia, nhà quản lý, các hội nghề nghiệp và đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước. Hầu hết các ý kiến đều bày tỏ tình cảm, trách nhiệm cũng như mong muốn được bảo tồn lưu giữ nguyên trạng cây cầu như một thành tố không tách rời của không gian đô thị Hà Nội.
Điều đáng mừng là tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 (ngày 28/2), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra thông điệp mạnh mẽ: “Phải bảo tồn nguyên trạng cầu Long Biên”. Những người yêu quý Hà Nội, yêu quý cầu Long Biên đã có thể thở phào! Tiếp theo đó, Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội Tô Văn Động khẳng định: “Sở đang xin ý kiến thành phố để làm hồ sơ công nhận cầu Long Biên là di tích cấp Quốc gia”. Vậy là, cây cầu sẽ không chỉ được bảo tồn mà còn được ghi nhận, tôn vinh đúng với những giá trị hiện có.
Xin trân trọng cảm ơn bạn đọc, Tiền Phong xin tạm khép lại diễn đàn này tại đây. Hy vọng những ý kiến trên diễn đàn sẽ được các cơ quan chức năng tiếp thu và cây cầu Long Biên sẽ được bảo tồn một cách đúng đắn nhất. Tiền Phong