Đảng Cộng sản Trung Quốc thông qua nghị quyết lịch sử

0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Xinhua)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Xinhua)
TPO - Đảng Cộng sản Trung Quốc đã bế mạc kỳ họp lần thứ 6 tại Bắc Kinh bằng việc thông qua một nghị quyết quan trọng của đất nước, báo chí nước này đưa tin. Vai trò lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình càng được củng cố.

Khoảng 350 uỷ viên Trung ương Đảng đã thông qua nghị quyết mang tên “Những thành tựu lớn và kinh nghiệm lịch sử trong cuộc đấu tranh hàng trăm năm của Đảng”. Đây là nghị quyết thứ ba được thông qua trong lịch sử 100 năm của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Hai nghị quyết trước đây được thông qua dưới thời nhà lãnh đạo Mao Trạch Đông năm 1945 và Đặng Tiểu Bình năm 1981.

Nghị quyết rất dài kêu gọi duy trì “quan điểm đúng đắn về lịch sử của Đảng”, và khẳng định Đảng Cộng sản đã “viết nên bản anh hùng ca hào hùng nhất trong lịch sử hàng ngàn năm của Trung Quốc”.

“Uỷ ban Trung ương Đảng kêu gọi toàn đảng, toàn quân và toàn dân thuộc mọi nhóm sắc tộc hãy đoàn kết hơn với Trung ương Đảng mà đồng chí Tập Cận Bình là hạt nhân, để hiện thực hoá đầy đủ kỷ nguyên mới của chủ nghĩa xã hội bản sắc Trung Quốc”, Xinhua trích đăng nội dung nghị quyết.

Kỳ họp lần này là để chuẩn bị cho đại hội lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào mùa thu năm sau, nơi ông Tập Cận Bình dự kiến sẽ tiếp tục bước vào nhiệm kỳ 3, củng cố vị trí như một nhà lãnh đạo quyền lực nhất kể từ thời Mao Trạch Đông.

Các nhà phân tích cũng tin rằng nghị quyết này sẽ giúp ông Tập Cận Bình củng cố quyền lực vì tầm nhìn của ông đối với Trung Quốc.

“Tư tưởng của ông Tập Cận Bình là sự thu nhỏ của văn hoá và tâm hồn Trung Quốc”, nghị quyết viết. Nghị quyết cũng khẳng định sự hiện diện của ông Tập Cận Bình "mang tính quyết định để thúc đẩy tiến trình lịch sử của công cuộc đổi mới vĩ đại của dân tộc Trung Quốc”.

Theo các nhà quan sát, hai nhiệm kỳ của ông Tập Cận Bình được đánh dấu bằng chiến dịch chống tham nhũng, chính sách siết chặt kiểm soát Hong Kong, Tây Tạng và Tân Cương, cùng đường lối đối ngoại ngày càng quyết liệt.

Trung Quốc gần đây cũng tăng cường quản lý các vấn đề xã hội, từ văn hóa âm nhạc, giáo dục, giới công nghệ và tài sản của người giàu.

Theo AP
MỚI - NÓNG