Dân xin được 'cởi án treo'

Sau 2 năm xây dựng, KCN Hòa Hội (Bình Định) vẫn chỉ là bãi đất trống Ảnh: V.H
Sau 2 năm xây dựng, KCN Hòa Hội (Bình Định) vẫn chỉ là bãi đất trống Ảnh: V.H
TP - Nhiều dự án khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế mở ra tại tỉnh Bình Định nhưng hiệu quả kinh tế chưa thấy đâu, trong khi người dân phải sống trong cảnh mất đất sản xuất, nơm nớp nỗi lo giải tỏa…

> Đại quy hoạch 'treo' và điển hình trục lợi

Sau 2 năm xây dựng, KCN Hòa Hội (Bình Định) vẫn chỉ là bãi đất trống Ảnh: V.H
Sau 2 năm xây dựng, KCN Hòa Hội (Bình Định) vẫn chỉ là bãi đất trống.
Ảnh: V.H.
 

Nơm nớp nỗi lo giải tỏa

KCN Hòa Hội (xã Cát Hanh, huyện Phù Cát) khởi công từ tháng 7-2009, do Cty CP Hòa Hội làm chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật. KCN này có diện tích 265 ha, việc giải phóng mặt bằng (GPMB) được chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 giải tỏa hơn 76 ha, tương ứng số tiền đền bù 15 tỷ đồng; giai đoạn 2 (thực hiện trong năm 2010), chủ đầu tư được UBND tỉnh Bình Định tạm ứng hơn 23 tỷ đồng để bồi thường GPMB gần 97,7ha. Giai đoạn 3 sẽ GPMB khoảng 63ha.

Tuy nhiên, đến nay, hầu hết hộ dân nhận được tiền bồi thường GPMB trong giai đoạn 1 và 2 vẫn tiếp tục sống “treo” trong vùng dự án để chờ bố trí đất tái định cư. Anh Nguyễn Văn Lộc (xóm Hanh Nam, thôn Mỹ Hóa, xã Cát Hanh, Phù Cát) nói: “Tôi đã nhận tiền bồi thường nhà cửa đất đai và chờ ngày đến khu tái định cư dựng nhà mới nhưng chờ dài cổ gần 2 năm nay chẳng thấy đâu…”.

Những hộ dân ở các xóm Hanh Thông, Hanh Minh… (thôn Mỹ Hóa) có đất nằm trong khu vực GPMB KCN Hòa Hội giai đoạn 3 cũng khổ sở không kém. Từ năm 2008, sau khi nhận được quyết định thu hồi 2 ha đất trồng điều, kinh tế của gia đình ông Võ Cảnh (xóm Hanh Thông, thôn Mỹ Hóa) trở nên chật vật.

Ngoài trồng lúa, mọi chi tiêu của 7 miệng ăn trong gia đình ông Cảnh đều trông chờ vào vườn điều này. Nhưng gần 3 năm nay, cái “án” thu hồi đất luôn treo lơ lửng, gia đình ông không dám đầu tư phân bón, công chăm sóc… nên năng suất điều giảm đáng kể.

Quá bức xúc, tháng 5 vừa rồi, 19 hộ dân thôn Mỹ Hóa phải làm đơn gửi cơ quan chức năng, khiếu kiện việc thu hồi đất xây dựng KCN Hòa Hội kéo dài gây ảnh hưởng đời sống của người dân. Ngày 18-6, UBND tỉnh Bình Định đã quyết định đình chỉ nhiệm vụ chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật KCN Hòa Hội đối với Cty CP Hòa Hội, do không đủ năng lực tài chính triển khai dự án.

Đồng thời giao cho BQL Khu kinh tế tỉnh phối hợp các sở ngành kêu gọi các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm tham gia đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật KCN Hòa Hội. Không biết, khi nào dân mới hết cảnh sống treo.

Khó thu hút đầu tư vì … cát bay !

Ở Bình Định, còn có khu kinh tế Nhơn Hội, được triển khai từ năm 2005, với tổng diện tích quy hoạch 12.000ha, nằm trên địa bàn huyện Phù Cát, huyện Tuy Phước và TP Quy Nhơn. Hiện đã tiến hành bồi thường và san lấp mặt bằng được khoảng 2.000ha. Để giải phóng mặt bằng, đã có khoảng 400 hộ trên tổng số khoảng 1.400 hộ phải rời nhà cửa, đến nơi ở mới.

Tuy nhiên, hiện mới có 33 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 32.544 tỉ đồng, nhưng vốn thực hiện chỉ đạt 1.554 tỉ đồng (tỉ lệ chưa đầy 5%). Diện tích đất cho thuê 3.858 ha, chiếm đến 60% diện tích đất khả dụng của Khu kinh tế, nhưng cơ bản chưa đưa vào khai thác.

TS Trần Du Lịch, Ủy viên Ban Kinh tế của Quốc hội nhận xét một cách hình ảnh: Thực trạng Khu kinh tế Nhơn Hội như một vườn cây đã tốn nhiều công của để vun trồng suốt 5 năm nhưng đến nay vẫn chưa cho trái. Như vậy, câu hỏi đặt ra là, đến nay chưa đủ thời gian để cho trái hay do việc chọn giống, quá trình ươm trồng, chăm sóc không đúng cách, nên không chịu ra trái, nếu có cũng èo uột; hay do tác động của thời tiết nên chậm ? Một trong những nguyên nhân, có thể do Bình Định đã dàn trải, thiếu tập trung trong việc thu hút đầu tư giữa Khu kinh tế Nhơn Hội và các KCN, cụm công nghiệp khác trên địa bàn ...

Tuy nhiên, theo Trưởng BQL Khu kinh tế tỉnh Bình Định, ông Man Ngọc Lý, thì: “Một trong những vấn đề gây khó khăn cho việc thu hút đầu tư tại Khu kinh tế Nhơn Hội là nạn … cát bay ! Các ngành chức năng của tỉnh đang tìm giải pháp để xử lý hiện trạng này, như thuê tư vấn nghiên cứu và thực hiện các giải pháp đồng bộ, tổ chức trồng cây tạo thảm thực vật trên các mặt bằng và xem xét giải pháp phủ keo hoặc phủ đất trên đồi cát, san thấp các đồi cát...”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG