Gian nan đến nơi ở mới
Vụ sạt lở dọc Quốc lộ 30 (thuộc địa bàn xã Bình Thành, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) các tháng đầu năm 2017 vừa qua ăn sâu vào đất liền hơn 20m, dài hơn 600m làm 227 hộ dân nằm trong vùng bị ảnh hưởng, trong đó có 36 hộ nằm trong diện nguy hiểm buộc phải di dời.
Bà Dương Thị Đừng, một trong những hộ phải di dời cho biết, kế sinh nhai tại nơi ở mới là điều khiến bà cũng như nhiều hộ dân khác rất lấy làm lo lắng. “Ở đây mẹ bán quán nước, con sửa xe, mỗi ngày hai mẹ con thu nhập vài trăm ngàn đồng, đủ sống. Vả lại, khu vực này gần sông nên không có đồ ăn là thả lưới, cắm câu, khỏi cần mua. Trong khi đó, vào ở trong khu cụm dân cư bất cứ thứ gì cũng phải mua, từ trái cà, trái ớt, nước sinh hoạt..., bất tiện đủ thứ. Đến ở khu tái định cư thì không biết làm gì để sống nên vẫn phải bám ở đây, tới đâu hay tới đó” - bà Đừng tặc lưỡi.
Ông Trần Văn Tấn - Phó chánh văn phòng UBND huyện Thanh Bình cho biết, khi sạt lở xảy ra, chính quyền địa phương đã lên phương án bố trí cho người dân đến ở trong tuyến dân cư Bình Thuận. Ở đây còn nhiều đất trống nhưng cách lộ chính khoảng 5km, người dân không đồng tình di dời vì khu vực này hẻo lánh, không phù hợp với đời sống của đa số người dân sinh sống bằng nghề buôn bán, làm công nhân, đánh bắt ven sông. Vì vậy địa phương quyết định san lấp khu B trong cụm dân cư Bình Hòa để bố trí nền cho các hộ dân. Trong số 36 hộ cần phải di dời, có 20 hộ được bố trí vào khu B nhưng đến nay vẫn còn 7 hộ không chịu di dời. Những hộ này kinh doanh buôn bán cập Quốc lộ 30, nếu di dời họ sẽ không buôn bán được.
Trưa 9/6, trời nắng gay gắt, con đường nhựa rộng hơn 3m phẳng lì ở tuyến dân cư Bình Thuận (ấp Bình Thuận, xã Bình Thành, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) vắng hoe, nhiều nhà cửa đóng then cài. Thi thoảng bắt gặp một vài người ngồi hóng gió hoặc mắc võng bên mé sông tránh nắng. Ông Trần Hữu Thành (62 tuổi) nói: “Dân ở đây giờ vắng như chùa bà đanh vì hầu như đi làm thuê hết 80%, còn lại chủ yếu người già và trẻ em”. Ông Thành cho biết, trước đây nhà ông ở cặp mé sông, gần chợ đi làm thuê được nhiều nên cuộc sống có phần thoải mái. Từ năm 2005 nhà nước đưa ông vào khu tái định cư này, cuộc sống ở đây gò bó, xung quanh toàn đồng ruộng không biết làm gì sống. “Mấy năm trước người ta còn thuê gặt tay, giờ gặt máy hết nên thanh niên bỏ xứ đi làm thuê”- ông Thành nói. Ông cho biết hiện ông phải trả nợ gần 20 triệu tiền nhà và nền, trong khi hàng tháng còn phải đống tiền điện, nước.
Hàng chục nghìn hộ dân cần di dời
Ông Lâm Văn Hiếu, Đội trưởng Đôi Dân phòng kiêm Chi hội trưởng Hội Cựu Chiến binh ấp Bình Thuận (Bình Thành) cho biết, ấp có khoảng 700 nhân khẩu, cuộc sống người dân 80% làm thuê, nông nghiệp. Riêng trong tuyến dân cư này có trên 150 hộ, trong đó hơn 40% thanh niên bỏ xứ đi làm thuê xa. Riêng gia đình ông có 3 người con thì 2 người phải bỏ xứ đi làm thuê ở Bình Dương, còn vợ chồng con trai lớn làm công nhân ở Cty gần nhà.
Ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, từ đầu năm đến nay địa phương có 13 điểm sạt lở. Vì thế, cần di dời khẩn cấp 2.000 hộ dân đến nơi an toàn. Ông đề nghị, xây dựng 12 cụm, tuyến dân cư để phục vụ 2.000 hộ dân trong vùng sạt lở và 1.000 hộ di dân biên giới về ở. Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Vương BìnhThạnh cũng cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 51 đoạn bị sạt lở với chiều dài khoảng 162 km gây ảnh hưởng cho 20.000 hộ dân, trong đó có hơn 5.380 hộ dân cần di dời khẩn cấp ra khỏi khu vực sạt lở, gây khó khăn đến đời sống, sinh hoạt sản xuất của người dân. Theo Chủ tịch Vương Bình Thạnh, trước mắt UBND tỉnh đã ban bố tình trạng khẩn cấp về sạt lở trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, huy động lực lượng, phương tiện hỗ trợ người dân di dời nhà cửa, vật dụng và các thiết bị, hàng hóa có tải trọng lớn nằm trên khu vực sạt lở đến nơi ở mới an toàn. Hiện tỉnh đang cần Trung ương hỗ trợ 116 tỷ đồng phục vụ công tác hỗ trợ sạt lở. Còn về lâu dài xây dựng 23 cụm, tuyến dân cư phục vụ cho 5.380 hộ dân.
Ở các tỉnh ven biển, tình trạng sạt lở cũng đang diễn ra nghiêm trọng. Ông Dương Thành Trung- Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, địa phương có 50 km bờ biển. Hiện tại, có 3 điểm xung yếu sạt lở, điển hình như vụ sạt lở 70m kè đê biển Gành Hào ở huyện Đông Hải gây nguy hiểm cho 3.000 hộ dân phía sau. “Giải pháp di dân lùi sâu về phía sau nhưng sẽ làm đảo lộn sinh kế của người dân vì nhiều đời họ ở đây sống bám nghề biển, nếu vô trong sâu hơn thì họ không biết lấy gì để sống”- ông Trung lo lắng. Ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết thêm, địa phương có 254 km bờ biển đang sạt lở. Trong đó, cần di dời khẩn cấp 500 hộ nhưng đang gặp khó khăn về vốn.