Xưởng cơ khí dày đặc, kém an toàn
Sáng 25/4, một vụ nổ bình hơi hàn xì tại xưởng sản xuất nước đá số 7C/27/A15, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TPHCM khiến nhà cửa của hàng chục hộ dân xung quanh rung chuyển, người dân hoảng hồn tháo chạy ra khỏi nhà.
Theo các công nhân đang làm việc tại hiện trường, trước khi vụ nổ xảy ra, khoảng 9 giờ sáng cùng ngày, có hai công nhân tiến hành hàn xì tại Công ty TNHH Đức Nhiên, do ông Trần Đức Nhiên (39 tuổi, ngụ quận 12) làm chủ, xung quanh nơi làm việc chứa hàng chục bình gas lớn. Trong lúc hai công nhân đang hàn xì, một tiếng nổ kinh hoàng làm rung chuyển cả khu dân cư.
Vụ nổ khiến anh Đặng Văn Toàn (28 tuổi, quê Kiên Giang) chết tại chỗ, người còn lại ở xa bình hơi nên may mắn thoát chết, mái tôn bị thổi bay, nhiều tài sản máy móc bị hư hỏng. Nguyên nhân ban đầu được xác định do bình khí nén phát nổ.
Dọc các con đường trong khu dân cư của TPHCM, hầu như nơi nào cũng tồn tại các cửa hàng cơ khí, hàn xì hoạt động ngày đêm, vựa ve chai xen lẫn với nhà dân chất hàng hóa cao đến nóc nhà, tràn ra cả lòng đường, có thể gây cháy bất cứ lúc nào.
Chị Nguyễn Thị Lan (32 tuổi, ngụ đường Lê Văn Quới, phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân) cho biết, tiệm làm cửa sắt bên cạnh nhà chị hoạt động cả ngày đến tối khuya. Tiếng máy cắt sắt, mài cửa cứ rít lên ken két cả ngày khiến gia đình chị rất khổ sở.
“Tiếng máy cắt sắt, máy mài cửa sắt cứ rít lên tống vào tai mình. Mỗi buổi trưa muốn nghỉ ngơi một lúc cũng không được vì quá ồn ào. Hơn nữa, mỗi khi họ cắt sắt là tia lửa bắn tung tóe khắp nơi, nếu tia lửa bắn vào quần áo hay bìa carton thì nguy cơ xảy ra cháy là rất cao”.
12 giờ 10/5, mặc dù giữa buổi trưa nắng nóng nhưng cơ sở này vẫn hoạt động. Tiếng máy cắt, máy mài sắt hoạt động liên tục, đứng cách xa hơn 50 mét vẫn nghe tiếng ồn chói tai. Mỗi lần thợ cắt sắt, hàn cửa làm việc là tia lửa lại sáng chói, tung tóe.
Trên đường Bình Long, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, chỉ một đoạn dài khoảng 500m nhưng tồn tại hàng chục cơ sở làm cửa sắt, xưởng cơ khí xen kẽ trong khu dân cư.
Bà Đào Thị Lộc (62 tuổi, ngụ đường Bình Long) bức xúc: “Chỉ có một đoạn đường ngắn mà hàng chục cửa hàng làm cửa sắt hoạt động ầm ầm cả ngày. Khói hàn xì bay khắp nơi, mùi rất khó chịu, tôi già rồi không nói gì chứ mấy đứa trẻ mà cứ phải hít cái mùi này thì sớm muộn gì cũng mang bệnh trong người. Chúng tôi đã phản ánh lên phường và phường cũng xuống kiểm tra xử phạt nhiều lần rồi nhưng đâu lại vào đấy, họ vẫn hoạt động như bình thường”.
Sống trong ô nhiễm
Hàng trăm hộ dân ngụ khu phố 4 thuộc phường Đông Hưng Thuận, quận 12, TPHCM đang hằng ngày phải hít thở và sống chung với nguồn không khí bị ô nhiễm nặng do 24 cơ sở dệt, nhuộm, tái chế giấy xả khói, khí gây ô nhiễm.
Các cơ sở giặt tẩy, nhuộm chế biến thực phẩm, tái chế giấy… đã tồn tại trong khu dân cư cả chục năm nay rồi. Ngày nào người dân chúng tôi cũng phải chịu sự “tra tấn” của mùi hôi nồng nặc, khói đen khét lẹt.
Bà Lê Thị Nhân
Bà Lê Thị Nhân, 65 tuổi, cho biết: “Các cơ sở giặt tẩy, nhuộm chế biến thực phẩm, tái chế giấy… đã tồn tại trong khu dân cư cả chục năm nay rồi. Ngày nào người dân chúng tôi cũng phải chịu sự “tra tấn” của mùi hôi nồng nặc, khói đen khét lẹt. Nhiều đứa trẻ đang ăn mà hít phải khói từ các lò đốt bằng vỏ hạt điều là lại nôn ói”.
Theo bà Nhân, người dân đã nhiều lần phản ánh lên cơ quan chức năng nhưng đến nay vẫn chưa di dời các cơ sở này đi khỏi khu dân cư.
Theo bà Nhân, đứa cháu 5 tuổi phải sống trong môi trường không khí bị ô nhiễm nên mắc bệnh viêm phổi từ lúc hơn một tuổi. Anh Đinh Văn Dũng (30 tuổi) cho biết, hầu hết các cơ sở này dùng vỏ hạt điều, mạt cưa, cao su để đốt lò nên khói bốc lên có mùi rất khó chịu. “Mỗi ngày các cơ sở này xả thải hai lần vào lúc rạng sáng và buổi tối”.
Ông Châu Văn Tuấn (trưởng ban điều hành khu phố 4, phường Đông Hưng Thuận) cho biết, đã có xung đột giữa người dân với các cơ sở trên.
Khó tìm nơi di dời
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, chủ tịch UBND quận 12, các cơ sở tồn tại trong khu dân cư đang xả thải ra môi trường chủ yếu làm dệt, nhuộm, giặt tẩy, chế biến thực phẩm, tái chế giấy…
Hầu hết các cơ sở này hình thành từ năm 1997 - 2004, trước khi UBND thành phố ban hành quyết định không cấp phép mới, điều chỉnh cấp giấy phép kinh doanh trong khu dân cư tập trung (tháng 8/2004). Đây là thời điểm sản xuất công nghiệp chưa phát triển nên lãnh đạo quận tạo điều kiện cho các chủ cơ sở nhằm phát triển kinh tế.
“Việc xử phạt cũng không có hiệu quả cao bởi vì đa số các cơ sở này là quy mô vừa và nhỏ. Họ cố tình duy trì hoạt động được đến đâu hay đến đó”, ông Thắng nói.
Ông Thắng cho biết, khi UBND quận làm việc với các cơ sở trên thì đại diện cơ sở đồng ý di dời nhưng khó khăn là họ chưa tìm được địa điểm.
“Chúng tôi liên hệ với một số khu công nghiệp lân cận nhưng vẫn chưa có kết quả, vì hạ tầng cơ sở không phù hợp. Ngoài ra, một số nơi hệ thống xử lý nước thải, khí thải đã quá tải nên không thể tiếp nhận những cơ sở xả thải ở mức độ cao” đại diện một cơ sở cho biết.
Theo ông Đặng Hải Bình, chuyên viên phòng Tài nguyên-Môi trường quận 12, việc xử lý các cơ sở gây ô nhiễm nói trên gặp khó khăn vì hiện nay vẫn chưa tìm được các cụm, khu công nghiệp để di dời. Mặt khác, hiện nay vẫn không có cơ chế, chính sách hỗ trợ việc di dời các cơ sở trên.