Dân nhớ gì?

TP - Những ngày qua, xuất hiện nhiều trên báo chí là thông tin bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo tại các bộ, ban ngành, địa phương. Hầu như ngày nào cũng có vài thông tin về luân chuyển, điều động, bổ nhiệm cán bộ ở mọi cấp, từ trung ương tới địa phương, sở ngành,… Dân có biết, có nhớ những cán bộ đó là ai không? 

Những ngày qua, xuất hiện nhiều trên báo chí là thông tin bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo tại các bộ, ban ngành, địa phương. Hầu như ngày nào cũng có vài thông tin về luân chuyển, điều động, bổ nhiệm cán bộ ở mọi cấp, từ trung ương tới địa phương, sở ngành,… Dân có biết, có nhớ những cán bộ đó là ai không? Tôi cho rằng cơ bản là không, nhất là trên bình diện cả nước. Quan tâm về việc này hầu như vẫn chỉ là giới cán bộ, công chức, viên chức liên quan. Để còn biết “sếp” mình là ai.

Cũng những ngày qua, lại liên tiếp những vụ khởi tố điều tra hàng loạt cán bộ và nguyên cán bộ lãnh đạo cấp cao ở trung ương và địa phương, liên quan đến những sai phạm về quản lý kinh tế. Những gương mặt không hề mới, với bao ì xèo đã cũ, nay đến lúc chính thức phải đối diện với pháp luật. Đó lại là những gương mặt dân “nhớ”…

 Xôn xao trong tuần, tại Đà Nẵng là tỷ lệ 100% người dân không hài lòng về thái độ phục vụ, hướng dẫn của công chức tại bộ phận tiếp nhận của Sở Công thương. Con số được chính thức đưa vào báo cáo của Ban Pháp chế tại kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng cách đây mấy ngày. Lập tức Sở Công thương Đà Nẵng “giãy nảy” phản ứng. Theo công bố của Sở này: Kết quả tại phần mềm khảo sát trực tuyến cải cách hành chính của thành phố từ ngày 1/1/2020 đến 25/6/2020, thì chỉ có…01 công dân tham gia đánh giá về Sở Công thương, với đánh giá là “chưa hài lòng”! Chỉ có 1 người tham gia khảo sát, mà quy thành 100% người dân là “không ổn”!

 Câu chuyện hy hữu trên, cho thấy một phần thực tế về mức độ quan tâm của người dân hiện nay về cán bộ cũng như bộ máy nhà nước.

 Vậy dân quan tâm gì? Thực chất, người dân luôn quan tâm đến tất cả mọi thứ, nhưng phần lớn chỉ khi đụng chạm đến quyền lợi và trách nhiệm trực tiếp của mình. Họ quan tâm theo những định lượng cụ thể, phản ứng với mọi thứ bất cập thông qua những chia sẻ trên mạng xã hội, trong câu chuyện vỉa hè, và không ít là những lá đơn khiếu kiện. Dân chỉ quan tâm khi quan chức “có vấn đề”, khi những quy định tréo ngoe đã được ban hành đưa vào cuộc sống. Khiến nhiều vị có trách nhiệm phải lên tiếng phàn nàn, rằng “dự thảo công bố đã bao nhiêu lâu mà chẳng thấy ai có ý kiến gì, đến khi thông qua rồi mới ồn ào…”. Thế mới là “dân mình”!

 Cán bộ, công chức làm được việc, dân xem đó là điều đương nhiên. Nhưng mỗi khi có vấp váp, sai lầm, thì lại được dân “nhớ” đến, trở thành đối tượng bình phẩm, phê phán. Cán bộ nên xem sự “bất công” ấy là bình thường, để giữ mình và cố gắng làm tốt hơn công việc của mình. Đừng so bì. Không đổ lỗi cho dân. Như kiểu “không có lý gì toàn dân cứ tập trung ăn thịt lợn”, khi ngành chức năng không kiểm soát, bình ổn được giá thịt lợn. Hay mới đây một số lãnh đạo ngành y tế một số tỉnh Tây Nguyên đổ lỗi cho đồng bào “ý thức kém” trong việc tiêm chủng phòng bệnh bạch hầu.

Không phải bao giờ dân cũng đúng. Nhưng khi dân sai, từ mỗi cán bộ cho đến bộ máy chính quyền trước hết phải xem lại mình đã làm sai, làm sót điều gì, để dẫn đến tình trạng ấy. 

MỚI - NÓNG