Dân ngày càng kém mặn mà với xe buýt

Nhiều khuyết điểm khiến hành khách ngày càng rời xa xe buýt
Nhiều khuyết điểm khiến hành khách ngày càng rời xa xe buýt
TP - Dù đặt mục tiêu đến năm 2020, vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đáp ứng được từ 15% đến 20% nhu cầu đi lại của người dân TPHCM. Tuy nhiên, thực tế người dân ngày càng rời xa xe buýt.

Là người thường xuyên đi xe buýt, chị Nguyễn Thị Lệ Thủy (sinh viên trường Đại học KHXH&NV TPHCM) cho biết, chị đã chứng kiến không ít lần tài xế, nhân viên thu tiền vé mắng xối xả hành khách một cách vô lý. Chính chị cũng bị nhân viên thu tiền vé mắng chỉ vì gộp tiền chung với bạn đi cùng để mua 2 vé một lần. Chị Thủy kể, chị và bạn học lên xe buýt trước cổng trường ở quận 1, do xe đông và thói quen hằng ngày nên chị gộp tiền chung với bạn để mua 2 vé một lần.

Tuy nhiên, vừa xé vé, nhân viên vừa mắng và dọa đuổi cả hai xuống xe. “Lúc đó cô nhân viên đòi tát vào mặt em, còn tài xế đòi đạp em xuống xe. Mấy bạn lên xe sau không biết cũng bị cô ấy mắng. Không chỉ thế, dù xe đông và có người lớn tuổi cô nhân viên vẫn không nhường ghế mà ngồi mở điện thoại ra xem, ai cũng thấy khó chịu”, chị Thủy nói.

Trong khi đó, anh Nguyễn Tân (ngụ quận 12, TPHCM) cho biết, trước đây anh thường đi xe buýt số 4 từ đường Trường Chinh quận 12 vào quận 1 để làm việc. Tuy nhiên, sau này anh chuyển qua đi xe máy, vì không chịu nổi thái độ và cách chạy xe của một số tài xế. “Có hôm, xe vắng khách, tiếp viên lên ghế trước ngồi rồi nói chuyện với tài xế, và nói tục như ở chốn không người. Tài xế thì đeo tai nghe nói chuyện, rồi chạy xe lạng lách, vượt đèn đỏ, thậm chí còn đánh lái hù dọa người đi xe máy, rồi cười hả hê. Tôi ngồi trên xe mà cũng tái cả mặt, nói chi người đi xe máy”, anh Tân kể.

Việc hành khách không mặn mà với xe buýt còn do việc bố trí trạm dừng, lộ trình xe buýt vẫn chưa hợp lý, nhiều nơi hành khách phải đội nắng, đội mưa để đón xe. Bên cạnh đó, do tình trạng kẹt xe nên thời gian đi bằng xe buýt kéo dài khiến nhiều người trễ giờ làm. Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM, trong 7 tháng đầu năm 2019, khối lượng vận tải hành khách bằng xe buýt ước đạt 139,3 triệu lượt hành khách, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm 2018 (158,1 triệu lượt hành khách).

Nguyên nhân là giảm 5 tuyến hoạt động kéo theo sản lượng giảm. Ngoài ra, một số tuyến xe buýt có phương tiện hoạt động cũ, không đảm bảo số chuyến hoạt động theo kế hoạch. Trong 7 tháng đầu năm 2019, có 333.000 chuyến xe buýt chậm trên 15 phút, do ảnh hưởng của các điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông. Bên cạnh đó, sự phát triển của dịch vụ xe ôm công nghệ khiến hành khách có xu hướng sử dụng dịch vụ này cho các chuyến đi cự ly ngắn, chi phí ngang với đi xe buýt.

Ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng cho biết, hiện nay trên địa bàn TPHCM có 4.487 điểm dừng xe buýt. Trong đó, có 540 nhà chờ xe buýt, 2.570 trụ dừng, 65 biển treo tạm dừng và 1.321 vị trí ô sơn dừng xe buýt. Tuy nhiên, có 39/83 vị trí điểm đầu - điểm cuối tuyến xe buýt chưa ổn định, đang sử dụng lòng lề đường để xe buýt đỗ. Việc các điểm dừng đỗ đón trả khách chưa hoàn thiện, người dân phải đội mưa, nắng để đón xe cũng là nguyên nhân khiến hành khách không mặn mà với xe buýt.   

Hành khách đi xe buýt: Ngày nào lên xe cũng bị mắng?

Anh L.T.T, hành khách từng thường xuyên đi xe buýt tuyến xe 04, 152, 64, 49 (đã bỏ tuyến vì vắng khách), 151 (đã bỏ tuyến vì vắng khách) từ quận 1 đi Tân Phú cho biết, hầu như ngày nào lên xe, anh cũng nghe tài xế mắng hành khách. Không chuẩn bị tiền lẻ, bị chửi. Lỡ bỏ tiền chẵn vô thùng đựng tiền mà không nói với tài xế cũng bị chửi. Bấm chuông xuống trạm nhiều lần cũng bị chửi. 
Xuống trạm chậm, lên xe chậm cũng bị chửi. Theo anh T, nhiều tuyến xe không có tiếp viên, chỉ một mình tài xế nên họ vừa lái xe, vừa thối tiền lẻ cho khách, xe lại đông nên tài xế thường xuyên nổi nóng, chửi mắng hành khách. 

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.