TPO - Nắng kéo dài 2 tháng nay, khi nhiệt độ tăng cao gây bức bí nhất là vào buổi trưa. Để tránh nóng, nhiều người dân ở Hà Tĩnh đã kéo nhau ra bờ biển rồi mắc võng, dựng lán để nghỉ trưa, ăn uống tại đây.
Từ 10h, trên các con đường ở các xã ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) vắng bóng người. Những người dân nơi đây sau khi đi làm về đều tập trung ra dãy rừng phi lao phòng hộ để cùng mắc võng, dựng lán để nghỉ ngơi.
Tại xã Cương Gián, sau khi ăn uống xong, 12h trưa các cụ ông, cụ bà, trẻ em ở xã đều đạp xe ra bờ biển để nghỉ trưa. Họ tập trung thành những tốp người nằm dưới hàng phi lao tỏa bóng mát.
Những chiếc võng đủ màu sắc cùng các phong bạt được tận dụng từ các tấm vải để che nắng. Đối với ngư dân vùng biển đây là cách “trốn nắng” duy nhất với bà con nơi đây.
Những đứa trẻ cũng theo bố mẹ, ông bà ra đây để tránh nắng.
Nhiều gia đình đã lắp điều hòa, tuy nhiên việc mắc võng để ra nghỉ ngơi tại bờ biển sẽ giúp con người tỉnh táo, khỏe khoắn sau mỗi giấc ngủ say dưới tán phi lao.
Tại khu vực này, những chiếc lán được người dân dựng lên san sát ở bờ biển, bên trong mỗi lều ít thì 2 người, nhiều thì gần 30 người nằm nghỉ ngơi trên chiếc võng lưới, võng dù.
Một số cháu nhỏ cũng theo bà ra đây ngủ trưa trong làn gió trời dịu mát, được thổi từ biển vào.
Nhiều người vừa đi làm về đã ra đây để mắc võng nằm nghỉ trưa tại khu vực này.
Mắc võng nghỉ trưa ở rừng phi lao ven biển vừa giúp người dân tránh cái nắng gay gắt, vừa giúp tiết kiệm chi phí khi không cần sử dụng các thiết bị làm mát như điều hoà, quạt hay quạt điều hoà...
Ông Nguyễn Văn Đức (60 tuổi, trú xã Cương Gián) cho biết, nhiều tháng nay người dân địa phương đều tập trung ra bờ biển để mắc võng ngủ trưa tại đây bởi gió từ biển thổi vào nên rất mát và dễ chịu.
Vừa mới đi chợ về, người dân để gánh hàng giữa đất để lên võng nằm ngủ.
Đứa trẻ say sưa ngủ trên chiếc võng.
Không chỉ riêng ở Cương Gián mà tại xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) người dân cũng ra rừng phi lao ven biển, mắc võng dưới các tán cây để tránh cái nắng như thiêu đốt.
“Trưa nào chúng tôi cũng ra đây nghỉ ngơi. Ở đây có gió từ biển thổi vào nên mát mẻ, dễ chịu lắm”, ông Ngô Cao Tịnh (SN 1956, thôn Phú Thịnh, xã Xuân Liên) nói.