Dám… dám… dám…

0:00 / 0:00
0:00
TP - Khi chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ, diệt ruồi, săn cáo” của Trung Quốc bắt đầu tăng tốc, không ít quan chức bỗng dưng bước vào kỳ “ngủ đông”. Không hẳn vì “giấu mình chờ thời” mà vì nghĩ rằng “không làm không sai, làm ít sai ít, làm nhiều sai nhiều, sai nhiều tiêu đời”.

Cách nghĩ này đã dẫn tới tình trạng không dám nghĩ, không dám làm, không dám chịu trách nhiệm và hậu quả là sản xuất, kinh doanh đình đốn, người dân thiếu thốn, khổ sở. Cuối cùng, cách nghĩ này cũng phải thay đổi, giống như quan niệm “Không làm điều xấu là tốt, nhưng không làm điều tốt cũng không phải là tốt”.

Ông Đường Hồng, đại diện Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc, từng tâm sự với người viết rằng, khi thực hiện các dự án cầu đường ở nước ngoài, đôi lúc công trình đã xong nhưng mãi không được nghiệm thu chỉ vì một số chi tiết nhỏ về nguyên vật liệu không đúng với thiết kế ban đầu (do nhà cung cấp đã đóng cửa), hoặc chỉ vì chủ nghĩa dân túy lên cao, dư luận đổi chiều. Rất may cuối cùng cũng có các vị lãnh đạo quyết đoán, không “đẽo cày giữa đường”, không “tham tiểu tiết bỏ đại cục”, dám ký duyệt, góp phần giải tỏa bao nhiêu bức xúc tích tụ dồn nén, thiệt hại tài chính dai dẳng bấy lâu nay.

Ở Việt Nam không thiếu những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm như vậy. Đó là Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Văn Kiệt, Chủ tịch UBND TPHCM Mai Chí Thọ, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc, Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Chính… Họ dám “xé rào, bung ra” vì lợi ích chung của nhân dân, khởi xướng những cách làm táo bạo, đột phá, không chỉ nhanh chóng giải quyết tốt các vấn đề nóng bỏng trong từng giai đoạn cụ thể, mà còn có tính lan tỏa sâu rộng, kéo dài.

Năm 1988, Nghị quyết Trung ương 5 khóa VI đã đưa “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” vào hệ tiêu chuẩn cán bộ. Với nghị quyết này, lần đầu tiên, Đảng ta coi “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” là một phẩm chất cần phải có, là một tiêu chuẩn đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, của trí tuệ nhân tạo, khi năng suất trở thành động lực phát triển quan trọng của các ngành, sự bứt phá dựa trên đổi mới sáng tạo, ngoài dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, người lãnh đạo nên thêm dám đột phá. Nếu dám nghĩ dám làm thể hiện tư duy, trí tuệ, năng lực; dám chịu trách nhiệm thể hiện đạo đức, lối sống, phong cách, thì có thể nói dám đột phá nâng cả hai mặt này lên một tầm cao mới. Cán bộ từ chỗ rồng nằm hổ núp tiến tới “long hành hổ bộ”, hổ thêm cánh, rồng thêm vây.

Nhưng dám đột phá đồng nghĩa với rủi ro cao, dễ xảy ra sai sót, dễ bị xử lý kỷ luật, dễ phải hầu tòa. Vì vậy, Bộ Nội vụ đang xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Hy vọng nghị định mới với đầy đủ “củ cà rốt” (cơ sở pháp lý, cơ chế để khuyến khích, bảo vệ cán bộ, trong đó có vấn đề quy hoạch, bổ nhiệm) và “cây gậy” (cơ chế, biện pháp xử lý cán bộ lợi dụng “củ cà rốt”), sẽ không còn cảnh “rồng thiêng uốn khúc”, “rồng nằm bể cạn phơi râu” mà là “long vân khánh hội”, giúp Việt Nam hóa rồng.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.