Đắk Lắk phấn đấu thành trung tâm năng lượng vùng Tây Nguyên

0:00 / 0:00
0:00
TP - Theo Sở KH&ĐT Đắk Lắk, những dự án năng lượng sạch, năng lượng tái tạo đã và đang đưa vào hoạt động trên địa bàn tỉnh góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Với những nỗ lực cải cách, thu hút đầu tư, tỉnh Đắk Lắk phấn đấu trở thành trung tâm năng lượng của vùng Tây Nguyên.

Với vị trí địa lý đặc biệt quan trọng, nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, trong Tam giác phát triển 3 nước Việt Nam – Lào –Campuchia, Đắk Lắk được đánh giá có tiềm năng về năng lượng mặt trời cao trong bản đồ bức xạ mặt trời thế giới, với quy mô công suất khoảng 16.000MWp, tập trung ở các huyện Ea Súp, Buôn Đôn và một số khu vực huyện Cư M’gar, huyện Ea Hleo,... là khu vực có bức xạ nhiệt trung bình khoảng 4,7 - 5kWh/m2/ngày.

Đắk Lắk phấn đấu thành trung tâm năng lượng vùng Tây Nguyên  ảnh 1

Cụm Nhà máy Điện mặt trời Xuân Thiện EA Súp - một trong những dự án điện mặt trời có công suất lớn nhất khu vực Đông Nam Á

Điện gió cũng là một thế mạnh của tỉnh, với quy mô công suất khoảng 10.000MW, tập trung ở các huyện Ea H’leo, Krông Búk, Krông Năng, Cư M’gar và thị xã Buôn Hồ. Ngoài ra, tỉnh Đắk Lắk còn có tiềm năng phát triển điện sinh khối đạt quy mô công suất khoảng 120MW.

Nhận thấy tầm quan trọng của việc triển khai thực hiện dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh, các Sở, ban ngành và địa phương liên quan đã hỗ trợ các nhà đầu tư triển khai hoàn thành dự án theo đúng tiến độ.

Đắk Lắk phấn đấu thành trung tâm năng lượng vùng Tây Nguyên  ảnh 2

Nhà máy điện gió Ea Nam Đắk Lắk đóng góp 1,1 tỷ kwh/năm vào nguồn điện quốc gia

Theo lãnh đạo Sở KH&ĐT, nhằm thu hút các nhà đầu tư, những năm qua tỉnh thực hiện đầy đủ chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư theo quy định của Trung ương liên quan đến ưu đãi về giá thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế nhập khẩu.

Trong năm 2021, UBND tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư 6 dự án FDI thuộc lĩnh vực điện gió, có tổng vốn đăng ký đạt 10.088 tỷ đồng. Ngoài dự án điện gió Ea Nam, hiện trên địa bàn tỉnh còn có dự án Trang trại phong điện Tây Nguyên - giai đoạn 1, công suất 28,8MW do Công ty cổ phần Giải pháp năng lượng gió HBRE đầu tư đã đưa vào vận hành phát điện thương mại.

Về điện mặt trời, tỉnh Đắk Lắk có 10 dự án, công suất 1.040 MWp đưa vào vận hành phát điện thương mại; 1 dự án, công suất 380MWp đã được cấp chủ trương đầu tư, đang thực hiện các thủ tục đầu tư. Đến nay, 2 dự án đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực với tổng công suất 100 MWp đang thực hiện thủ tục đầu tư. Ngoài ra, có khoảng hơn 20 dự án điện mặt trời với tổng công suất hơn 8.500 MWp được UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương bổ sung quy hoạch phát triển điện lực.

Theo Sở KH&ĐT Đắk Lắk, những dự án đưa vào hoạt động đã góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, khai thác các nguồn tài nguyên, giúp giảm đáng kể phát thải khí nhà kính và đặc biệt hơn nữa là đóng góp một nguồn thu ngân sách, góp phần giải quyết khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của tỉnh.

Trong thời gian tới, tỉnh Đắk Lắk xác định cần thực hiện một số cơ chế, chính sách quan trọng để phát triển nhanh và bền vững các nguồn năng lượng tái tạo. Đồng thời, xây dựng các chiến lược, quy hoạch phát triển năng lượng đảm bảo tính ổn định, đồng bộ và linh hoạt, gắn với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tỉnh Đắk Lắk đề xuất với Chính phủ, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam xem xét đẩy nhanh đầu tư hạ tầng truyền tải các đường dây điện, trạm biến áp đã có trong quy Quy hoạch điện VII điều chỉnh; xác định danh mục hạ tầng năng lượng có thể dùng chung và xây dựng chính sách chung phù hợp với cơ chế thị trường, có chính sách về đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải. Đồng thời, đề xuất Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương có cơ chế đặc thù, ưu tiên để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về năng lượng tái tạo của tỉnh; rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện các chính sách về đất đai, đền bù GPMB, sử dụng mặt nước trong lĩnh vực năng lượng….

Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 15/7/2020 của Tỉnh ủy Đắk Lắk về phát triển năng lượng tái tạo tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định phát triển năng lượng tái tạo là tiền đề, động lực quan trọng thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh giai đoạn 2020-2030, kéo theo các lĩnh vực, ngành công nghiệp khác phát triển; phát triển năng lượng tái tạo của tỉnh giai đoạn 2020-2030 với tổng công suất điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối đạt khoảng 5.000MW - 7.000MW (chiếm khoảng 26,6% tổng nguồn năng lượng tái tạo quốc gia), tỉnh Đắk Lắk trở thành trung tâm năng lượng của vùng Tây Nguyên.

MỚI - NÓNG
'Mốc son chói lọi trong sự nghiệp cách mạng hào hùng của Hà Nội và đất nước'
'Mốc son chói lọi trong sự nghiệp cách mạng hào hùng của Hà Nội và đất nước'
TPO - Theo ông Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư, ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954) đã đi vào lịch sử như một mốc son chói lọi trong sự nghiệp cách mạng hào hùng của Hà Nội và đất nước; trở thành biểu tượng của lòng yêu nước quả cảm, sức mạnh phi thường, mong muốn hoà bình và khát vọng cháy bỏng giành lại nền độc lập của nhân dân Việt Nam.