Đắk Lắk: Đề nghị giải trình vụ cầu bỏ hoang hơn 2 thập kỷ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - HĐND tỉnh Đắk Lắk vừa đề nghị UBND tỉnh giải trình trách nhiệm liên quan một số lĩnh vực đầu tư công, trong đó có việc đầu tư cầu Quảng Phú, xã Ea Rbin, huyện Lắk-cây cầu bỏ hoang hơn 2 thập kỷ.

Ngày 9/3, nguồn tin của Tiền Phong cho biết, HĐND tỉnh Đắk Lắk vừa yêu cầu UBND tỉnh này giải trình trách nhiệm liên quan đến đầu tư cầu Quảng Phú, xã Ea Rbin, huyện Lắk.

“Tại cuộc họp hôm tuần trước, Thường trực HĐND tỉnh Đắk Lắk thống nhất đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk giải trình liên quan đến 2 nội dung, trong đó có một nội dung liên quan đến đầu tư ngân sách làm cầu Quảng Phú. Kỳ họp tháng 3 tới đây, UBND tỉnh sẽ giải trình cụ thể”, nguồn tin cho hay.

Đắk Lắk: Đề nghị giải trình vụ cầu bỏ hoang hơn 2 thập kỷ ảnh 1

Cầu Quảng Phú bỏ hoang hơn 2 thập kỷ

Theo đó, HĐND tỉnh Đắk Lắk đã giao Ban kinh tế-Ngân sách nghiên cứu, tổ chức khảo sát, đề xuất các ý kiến chất vấn và những vấn đề có liên quan đến các nội dung của UBND tỉnh giải trình.

Như Tiền Phong đã đưa tin, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Nguyễn Tuấn Hà đã ký văn bản duyệt chi 3 tỷ đồng để phá dỡ cầu Quảng Phú bỏ hoang hơn 2 thập kỷ. Việc chi ngân sách để phá dỡ công trình bỏ hoang này đã gặp phải nhiều phản hồi từ dư luận.

Biết thông tin này, người dân xã Quảng Phú, huyện Krông Nô, Đắk Nông cho rằng việc phá dỡ cầu là không cần thiết, gây lãng phí.

"Người dân đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục đầu tư hoàn thành cầu Quảng Phú để phục vụ nhu cầu giao thương của người dân và phát triển kinh tế - xã hội địa phương", một lãnh đạo UBND xã Quảng Phú cho hay.

Đắk Lắk: Đề nghị giải trình vụ cầu bỏ hoang hơn 2 thập kỷ ảnh 2

Hiện trạng cầu Quảng Phú

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, việc chi 3 tỷ đồng để phá dỡ cầu Quảng Phú là để "dọn đường" cho việc triển khai cầu mới (gần cầu Quảng Phú), quy mô hơn, nhiều tiền hơn.

Cầu Quảng Phú (nối liền xã Ea R'Bin, huyện Lắk, Đắk Lắk và xã Quảng Phú, huyện Krông Nô, Đắk Nông) được khởi công vào năm 1998, do Sở GTVT Đắk Lắk làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư hơn 4,7 tỷ đồng (giá thời điểm đó).

Đến năm 2004, UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo dừng thi công vĩnh viễn. Thời điểm này, đơn vị thi công đã hoàn thành 2 mố cầu, 4 trụ, 4 dầm nhịp 18m, lắp xong 2 nhịp dẫn dài 18m và 70% khối lượng đường hai đầu cầu phía Quảng Phú. Tổng giá trị hoàn thành, được phê duyệt quyết toán hơn 6 tỷ đồng. Từ đó đến nay cầu này bỏ hoang.

Loạt viên chức chất lượng cao ngành y tế xin nghỉ việc

Trong tháng 3 tới đây, HĐND tỉnh Đắk Lắk còn đề nghị UBND tỉnh giải trình liên quan đến việc Bộ GTVT thu hồi vốn, dừng đầu tư Cầu 110 (huyện Ea Hleo, địa phận giáp ranh tỉnh Gia Lai) vì vướng giải phóng mặt bằng.

Dự án Cầu 110 được khởi công xây dựng từ tháng 6/2017, có tổng mức đầu tư hơn 24 tỷ đồng do Ban quản lý đường Hồ Chí Minh (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư. Dự kiến 2018 cầu này sẽ bàn giao đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, sau khi thi công xong phần cầu, đường từ Gia Lai và Đắk Lắk chưa thể hoàn thành. Theo tìm hiểu của Tiền Phong, dự án do vướng mắc công tác giải phóng mặt bằng ở huyện Ea Hleo, nên Bộ GTVT đã thu hồi vốn đầu tư dự án này.

HĐND tỉnh cũng đề nghị UBND tỉnh đánh giá lại thực trạng và giải trình nguyên nhân của việc viên chức ngành y tế, đặc biệt nhân lực chất lượng cao trong hệ thống bệnh viện công lập xin thôi việc (giai đoạn 2019-2021); nêu giải pháp ổn định trong giai đoạn tới. Theo thống kê của Sở Y tế Đắk Lắk, từ 2019 đến cuối 2021, tại Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên có tới 70 viên chức xin thôi việc, trong đó có 48 viên chức có trình độ bác sĩ Y khoa (có 32 bác sĩ trình độ đào tạo sau đại học). Đáng chú ý, có một phó giám đốc bệnh viện này cũng xin nghỉ việc để qua làm giám đốc bệnh viện tư ở TP Buôn Ma Thuột.

MỚI - NÓNG