Đại tướng và chuyện làm sách cho giới trẻ

Đại tướng và chuyện làm sách cho giới trẻ
TP - Một ngày cuối tháng 10 năm 1991, tôi được Văn phòng Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cho biết theo yêu cầu của nhà Xuất bản Thanh Niên, Đại tướng đã thu xếp thời gian để chúng tôi lên trình bày kế hoạch làm sách cho thanh niên.

> 'Dải ngân hà cháy sáng trên mặt đất' và sự thức tỉnh
> Đừng cố để vĩ đại

Tôi và anh Chí Thành, Phó Giám đốc Nhà xuất bản đến nhà riêng ở số 30 phố Hoàng Diệu. Chúng tôi vào ngồi trong nhà ngang, ở đó có một chiếc bàn nhỏ và bộ salon đã cũ. Nhìn qua cửa sổ sang một phòng bên cạnh, chúng tôi thấy Đại tướng đang chăm chú lắng nghe các đồng chí sỹ quan quân đội báo cáo trên những tấm bản đồ cỡ lớn treo trên tường, cạnh những cụm máy bộ đàm và cần ăngten vươn lên.

Thì ra, tuy không còn giữ trách nhiệm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, nhưng Đại tướng vẫn theo dõi tình hình quân sự.

Không để khách phải chờ lâu, Đại tướng từ căn phòng bước ra, bắt tay chúng tôi. Trân trọng và thân tình, Đại tướng nói sao không mời chúng tôi lên phòng khách. Chúng tôi thưa là anh Huyên đã mời, nhưng xin được ngồi ở phòng này cho tiện (Đại tướng nhìn sang phòng treo bản đồ, cụm máy thu phát và mỉm cười thông cảm với tính tò mò của chúng tôi).

Tôi báo cáo với Đại tướng về ý đồ làm sách của Nhà xuất bản Thanh Niên, trong đó có sách giáo dục truyền thống. Đại tướng tán thành và nói thêm: Nhà xuất bản phải coi trọng làm sách về Bác Hồ, về Đảng, về nhân dân anh hùng trong hai cuộc chống xâm lược, nhưng cũng phải chú ý làm sách truyền thống dân tộc, sách khoa học và chọn lọc giới thiệu các tác phẩm văn học kinh điển cho thanh niên…

Chúng tôi đã có dự kiến trước về những đề tài sẽ làm, mà sau này là các cuốn “Chiến đấu trong vòng vây”, “Đường tới Điện Biên Phủ”. Đại tướng đồng ý những đề tài này. Thấy không khí thoải mái và gần gũi, chúng tôi đề nghị được ký hợp đồng và ngỏ ý muốn tạm ứng tiền nhuận bút, vì chúng tôi nghe nói thời gian này Đại tướng đang gặp khó khăn.

Đại tướng cười: “Hợp đồng thì tôi đồng ý ký với Nhà xuất bản, còn nhuận bút thì các anh có nhớ dân ta thường nói câu “làm ăn” không, tức là phải có làm trước mới có ăn, mà tôi đã làm được gì đâu. (Về khó khăn thời gian này của Đại tướng, mới đây ông Võ Hồng Nam, con trai út của Đại tướng cho biết: “Những tháng ngày khó khăn nhất, ba mẹ tôi vẫn đọc sách, chơi đàn. Ba nói với mẹ: Cùng lắm chúng ta vẫn có thể dịch sách và đi dạy. Tôi hiểu và biết thương ba từ những ngày ấy”).

Sau ký hợp đồng được mấy tháng, Đại tướng gọi tôi đến. Đại tướng cho biết một số nhà xuất bản cũng vừa đề nghị được xuất bản đề tài mà ông đã ký hợp đồng với Nhà xuất bản Thanh Niên, nên muốn nghe ý kiến của chúng tôi – một bên đã ký hợp đồng.

Thực ra, đây là quyền tác giả nhưng ông không muốn áp đặt ý mình trong chuyện này. Tôi báo cáo với Đại tướng những tác phẩm của Đại tướng là tài sản chung của đất nước, càng nhiều nhà xuất bản cùng xuất bản càng tốt, số lượng phát hành càng lớn, giá trị các tác phẩm càng được phổ biến rộng rãi trong nhân dân.

Đại tướng tỏ ra vui lòng trước ý kiến của chúng tôi.

Sau này, Nhà xuất bản Thanh niên với Nhà xuất bản Quân đội nhân dân cùng đứng tên xuất bản tác phẩm của Đại tướng, vì thực ra, đề tài này Nhà xuất bản Quân đội nhân dân cũng đã chuẩn bị từ trước. Việc biên tập cuốn “Chiến đấu trong vòng vây” hai nhà xuất bản cùng tiến hành. Nhưng những cuốn sách sau này, việc biên tập và xuất bản chủ yếu là do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân đảm nhiệm.

Có lần, tôi thưa với Đại tướng các tác phẩm của Đại tướng có tầm cỡ và giá trị lớn, nhưng đời riêng của Đại tướng thì chưa thấy nói nhiều. Nhà xuất bản lại cần có một cuốn sách về thời trẻ của Đại tướng. Đại tướng cười và nói lúc này chưa phải lúc nói về đời riêng. Lịch sử dân tộc, sự nghiệp của Đảng và Bác Hồ còn phải viết nhiều hơn nữa cho tuổi trẻ hôm nay và các thế hệ mai sau.

Nhưng trước yêu cầu tha thiết của chúng tôi, Đại tướng nói nếu cuốn sách nói về đời riêng của Đại tướng xong bản thảo, Đại tướng sẽ ký vào từng trang và cất vào tủ, chưa được xuất bản ngay. Chúng tôi hiểu Đại tướng khiêm tốn không muốn nói về mình. Mãi gần 20 năm sau, Đại tướng mới đồng ý để Trung tướng Hồng Cư viết cuốn “Thời trẻ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp”, Nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành bằng tiếng Việt và tiếng Anh được bạn đọc rất hoan nghênh.

Một lần Đại tướng đến thăm Nhà xuất bản Thanh niên, có anh Nguyễn Huyên thư ký riêng của ông và nhà văn Hữu Mai cùng đi. Cán bộ, biên tập viên, nhân viên Nhà xuất bản và các đồng chí lãnh đạo chủ chốt các Ban Trung ương Đoàn đã nồng nhiệt đón tiếp Đại tướng. Đại tướng say sưa nói chuyện làm sách cho thanh niên.

Đại tướng nói thanh niên trong chiến tranh rất dũng cảm chiến đấu, nay trong hòa bình phải đi đầu trong xây dựng phát triển kinh tế. Đại tướng nhấn mạnh nước ta có biển, thanh niên phải biết làm giàu bằng kinh tế biển. Nhà xuất bản Thanh niên cần có sách giúp thanh niên hiểu biết về tiềm năng biển và đem sức trẻ khai thác tiềm năng đó.

Cuối buổi nói chuyện, một đồng chí mạnh dạn và chân thành đặt câu hỏi: Xin Đại tướng cho biết Đại tướng suy nghĩ như thế nào việc được phân công phụ trách công tác Kế hoạch hóa gia đình và sinh đẻ có kế hoạch, một công việc rất trai khoáy với một vị tướng. Đại tướng cười nói: Đó là một công tác rất quan trọng liên quan đến phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Tôi là đảng viên. Tôi vui vẻ chấp nhận phân công của Đảng và đã cố gắng hết sức mình làm tốt công tác này.

Những lần kỷ niệm ngày thành lập Nhà xuất bản Thanh niên, Đại tướng thường có thư nhắc nhở Nhà xuất bản hãy cố gắng làm được nhiều sách tốt, sách hay và khuyên các bạn trẻ phải coi sách là công cụ tốt nhất để trau dồi kiến thức, nuôi dưỡng tâm hồn và thực hiện phương châm học tập suốt đời của mình một cách thiết thực.

Hoàng Phong
Nguyên Giám đốc - Tổng biên tập Nhà xuất bản Thanh Niên

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.