'Đại siêu thị' máy móc cũ chưa bị giải tỏa vì 'hợp đồng đen'?

TPO - Lãnh đạo huyện Đông Anh khẳng định và bảo lưu quan điểm: Vì các “hợp đồng đen” của Cty Hà Thái nên không thể quyết liệt được...

'Đại siêu thị' máy móc cũ chưa bị giải tỏa vì 'hợp đồng đen'? ảnh 1

"Đại siêu thị" máy móc cũ vẫn ngang nhiên tồn tại dưới chân cầu Thăng Long

Vì hợp đồng nên “khó ra tay”?

Sau một thời gian im lặng khá lâu, ông Tô Quang Thiện – Phó trưởng phòng quản lý Đô thị huyện Đông Anh đã có cuộc trao đổi với Tiền Phong.

Ông Thiện cho biết, tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn của cầu Thăng Long, trong đó có “đại siêu thị” máy móc cũ đã diễn ra nhiều năm qua. Các năm 2011 và 2014, UBND huyện Đông Anh cũng đã phối hợp với Cty Hà Thái giải tỏa những hộ vi phạm từ trụ B20 đến trụ B53. Tuy nhiên, đến năm 2017, tình trạng tái lấn chiếm này tiếp tục xảy ra.

Theo ông Thiện, do phía Cty Hà Thái đã ký 4 hợp đồng hợp tác với một số công ty trên địa bàn. Trong đó, có 2 hợp đồng xây dựng bảo vệ hành lang an toàn, 2 hợp đồng hợp tác kinh doanh, dẫn  đến việc giải tỏa và cưỡng chế các hộ vi phạm đến nay rất khó thực hiện.

Trong khi đó, ông Lê Minh Khai – PGĐ Cty Hà Thái lại có cách lý giải khác. Ông Khai thừa nhận việc ký hợp đồng với một số công ty, trong đó có hai hợp đồng hợp tác kinh doanh với Cty TNHH Thương mại và Dịch vụ du lịch Phú Dũng, Cty Cổ phần Thương mại và Xây dựng Phương Thanh.

 Tuy nhiên, ông Khai cho rằng, cách hiểu của lãnh đạo huyện Đông Anh chưa đúng với nội dung của hợp đồng. Theo ông Khai, hợp đồng giữa Cty Hà Thái với các công ty nêu trên là góp vốn xây dựng hàng rào bảo vệ hành lang đường sắt, và phục vụ quản lý, khai thác.

Theo đó, các công ty này bỏ vốn đầu tư xây dựng hàng rào bảo vệ hành lang cầu đường sắt, sau đó nếu được các cơ quan chức năng phê duyệt thì mới được phép khai thác, kinh doanh theo các quy định của điều khoản. Mỗi hợp đồng có vốn đầu tư khoảng 3,5 tỉ đồng và có thời hạn khai thác từ 25-30 năm.

Tuy nhiên, do các hợp đồng chưa được Tổng Cty đường sắt Việt Nam và UBND TP Hà Nội phê duyệt nên từ trước đến nay, hai công ty Phú Dũng và Phương Thanh chưa có bất cứ hoạt động gì trong phạm vi hành lang cầu Thăng Long. “Mọi hoạt động kinh doanh, lấn chiếm của các tổ chức, cá nhân đang diễn ra dưới gầm cầu Thăng Long hiện nay là hoàn toàn sai phép”, ông Khai khẳng định.

Lãnh đạo Cty Hà Thái cho biết, trong các cuộc họp với UBND huyện Đông Anh, hai bên cũng đã trao đổi nhiều lần về vấn đề này. Phía công ty đã giải thích rất rõ về nội dung hợp đồng. Trong khi đó huyện Đông Anh lại khẳng định và bảo lưu quan điểm vì các “hợp đồng đen” của Cty Hà Thái nên không thể quyết liệt được.

“Chúng tôi đã nhiều lần giải thích cho UBND huyện Đông Anh về nội dung hợp đồng, và khẳng định hợp đồng không ảnh hưởng đến vấn đề an toàn của cầu, đường sắt. Những vi phạm hiện nay chủ yếu là của người dân sống ở khu vực xung quanh. UBND huyện hiểu như thế nào thì hiểu, còn chúng tôi đã giải thích rõ”, ông Khai nói.

'Đại siêu thị' máy móc cũ chưa bị giải tỏa vì 'hợp đồng đen'? ảnh 2 Ông Tô Quang Thiện – Phó trưởng phòng quản lý Đô thị huyện Đông Anh phân trần về sự chây ì của các cơ sở vi phạm

Đùn đẩy trách nhiệm

Trước câu hỏi, để giải quyết dứt điểm tình trạng vi phạm của “đại siêu thị” máy móc cũ và các vi phạm hiện nay, vị Phó phòng Quản lý Đô thị huyện Đông Anh cho rằng, Cty Hà Thái phải thanh lý toàn bộ các hợp đồng hợp tác kinh doanh, sau đó gửi văn bản về huyện Đông Anh để phối hợp xử lý. Đồng thời, doanh nghiệp này rà soát toàn bộ vi phạm này để lập phương án kiến nghị tới UBND Tp Hà Nội.

Còn lãnh đạo Cty Thái Hà lại nhấn mạnh, vấn đề này phụ thuộc vào chính quyền. “Chính quyền địa phương phải đứng ra tổ chức cưỡng chế, giải tỏa, và làm quyết liệt hơn nữa thì mới dứt điểm được. Chúng tôi chỉ có chức năng quản lý, không có chức năng hành chính nên rất khó xử lý. Dù đã kiểm tra và lập biên bản nhiều lần nhưng lực lượng mỏng nên chỉ như “đá ném ao bèo”, ông Khai cho hay.

Trả lời câu hỏi: “Vào ngày 21/11, khi lực lượng chức năng kiểm tra, và lập biên bản đối với “đại siêu thị” máy móc cũ, trong đó có sự vào cuộc của Cty Hà Thái và chính quyền xã Hải Bối nhưng sao không tiến hành cưỡng chế giải tỏa"? Lãnh đạo Cty Thái Hà cho biết biên bản đã gửi cho UBND xã Hải Bối  nhưng lãnh đạo xã đã không ký và không có ý kiến gì. Còn về phần cưỡng chế, phải tiến hành từng bước, nhắc nhở tuyên truyền, khi có đầy đủ cơ sở về pháp lý mới tiến hành thực hiện, tránh bị người dân khiếu kiện.

Theo ghi nhận, đến nay “đại siêu thị” máy móc cũ vẫn ngang nhiên buôn bán dưới gầm cầu Thăng Long như chưa có chuyện gì xảy ra.

MỚI - NÓNG