Bất lực hay bảo kê?
Tại khu vực này, nhiều hộ dân đã tự ý lấn chiếm hàng trăm m2 đất để buôn bán và làm bãi kho chứa hàng. Ban đầu chỉ có một số người ra san lấp, cải tạo, dựng lều lán để bán hàng nước hoặc đồ lặt vặt. Sau đó, dần dần trở thành những ki-ốt, cửa hàng lớn, gara ô tô và nhà xưởng sản xuất lấp kín hết phần gầm cầu.
Chẳng hạn, đoạn từ trụ cầu B7 đến B9, chủ cửa hàng là ông Nguyễn Doãn Đoàn đã tự ý làm hàng rào bằng tôn, đổ bê tông làm sân bãi để chứa một số lượng lớn hàng hóa đủ các loại máy móc, đồ cơ khí, vật liệu sắt thép... Tại đây, hàng trăm tấn đồ cũ của Nhật Bản được chủ cửa hàng chất đống, ngổn ngang dưới chân cầu, xen kẽ với đó là các kệ hàng lớn dựng lên song song để tiện cho khách lựa chọn.
Thậm chí, chủ cửa hàng còn bất chấp dựng nhà tôn để sinh hoạt dưới khu đất của gầm cầu. Hằng ngày, có tầm 4-5 công nhân phụ trách sửa chữa, hàn xì và nườm nượp người mua, kẻ bán vào ra.
Anh Hòa, một khách hàng ở đây cho biết, cửa hàng này nổi tiếng khắp vùng, trong giới mua đồ cũ, chỉ cần hỏi đồ cũ bãi Nhật là ai cũng biết. Dù là đồ cũ nhưng giá các loại máy móc ở đây không rẻ chút nào. Một chiếc máy bơm cũng có giá trung bình 2 triệu rưỡi, máy hút bụi từ 3-6 triệu đồng, và có khi đồ được bán theo cân, anh Hòa cho hay.
Nhiều gian hàng dày đặc dưới gầm cầu
Còn theo lời giới thiệu của chủ cửa hàng, bãi đồ cũ Nhật ở đây là “thiên đường” của những người “mê” đồ cũ. Khách của cửa hàng có khắp các tỉnh, vì thế mỗi lần nhập cả trăm tấn hàng nhưng chỉ cần vài hôm là “vãn” ngay.
Theo ghi nhận, con đường để vận chuyển hàng hóa xuống gầm cầu cũng được san lấp chắc chắn và thường xuyên có các ô tô tải lớn ra vào để chở hàng. Bên cạnh đó, các dãy trọ tự phát lấn chiếm trên phần đất của công trình cũng được mọc lên. Rác thải của xóm trọ được vứt bừa bãi, cộng thêm các vùng trũng nước xả thải đen ngòm khiến khu vực gầm cầu trở nên ô nhiễm nặng nề.
Từ khu vực nút giao với đường 6, chạy dọc theo tuyến đường sắt người dân còn biến gầm cầu thành nhà hàng, quán game, gara ô tô... khiến khu vực này trở thành “siêu thị gầm cầu” với đủ các loại mặt hàng, sẵn sàng phục vụ mọi nhu cầu của người dân.
Ông Nguyễn Duy Út, cán bộ Phòng Kỹ thuât - Công ty cổ phần Đường sắt Hà Thái, chủ đơn vị thi công, quản lý cầu, đường sắt Thăng Long, cho biết tình trạng lấn chiếm đất trên địa bàn xã Hải Bối diễn ra đã nhiều năm nay. Mặc dù phía công ty nhiều lần gửi văn bản ý kiến đến chính quyền địa phương, và các cơ quan chức năng liên quan vào cuộc để xử lý, song đến nay vẫn chưa có động thái nào.
Tại cửa hàng buôn bán đồ cơ khí, từ trụ B7 – B9 như vừa nêu, ông Út cho biết, vào tháng 9/2016, đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm với ông Nguyễn Doãn Đoàn vì có hành vi tự ý san lấp mặt bằng. Đoàn kiểm tra yêu cầu người vi phạm trả lại hiện trạng ban đầu, nếu cố tình vi phạm sẽ gửi văn bản yêu cầu chính quyền xã giải quyết. Đến tháng 12/2016, đoàn kiểm tra tiếp tục lập biên bản xử lý vi phạm với ông Đoàn vì có hành vi san lấp mặt bằng, dựng hàng rào thép tại khu vực trụ cầu B7 và B9 cầu Thăng Long.
Đội Quản lý thị trường số 9 kiểm tra cơ sở buôn đồ Nhật cũ
Tháng 2/2017, đoàn kiểm tra thuộc công ty cổ phần đường sắt Hà Thái tiếp tục lập biên bản ông Nguyễn Doãn Đoàn vì có hành vi đổ đất san lấp mặt bằng, làm cổng sắt và quây hàng rào tôn từ trụ B7 đến trụ B9; đổ bê-tông làm sân bãi rộng khoảng 200m2; tập kết phế liệu trong phạm vi gầm cầu. Tuy nhiên, các biên bản xử lý của công ty như “muối bỏ bể”, ông Đoàn và các chủ hộ ở đây vẫn bất chấp vi phạm, ông Út cho hay.
Theo ông Út, do phía công ty không có thẩm quyền xử lý hành chính nên chỉ chờ sự vào cuộc của chính quyền địa phương, nhưng sự “dây dưa” của chính quyền khiến cho việc xử lí gặp nhiều khó khăn.
Về vấn đề buôn bán sai quy định trong phạm vi hành lang an toàn cầu Thăng Long, PV đã trực tiếp liên lạc với Chủ tịch UBND xã Hải Bối Nguyễn Hữu Toản. Tuy nhiên, sau nhiều lần liên lạc, đặt lịch làm việc, đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời từ chính quyền địa phương.
Kiểm tra nguồn gốc “bãi đồ cũ Nhật”
Sau quá trình tìm hiểu, phóng viên đã liên hệ tới Đội quản lý thị trường số 9 (Đội QLTT số 9, thuộc Chi cục QLTT Hà Nội), để làm rõ vấn đề này. Lãnh đạo đội tỏ ra hết sức bất ngờ khi nghe thông tin phản ánh. Đồng thời, cho biết sẽ tiến hành kiểm tra đối với cơ sở bãi đồ cũ Nhật này.
Sáng 21/11, đoàn kiểm tra của Đội QLTT số 9 do ông Dương Quốc Hưng (đội phó) làm trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra đối với cơ sở đồ bãi cũ Nhật của ông Nguyễn Doãn Đoàn và ông Đinh Văn Nam.
Theo ông Hưng, các mặt hàng này chủ yếu là hàng đã qua sử dụng, được nhập và thu gom từ các địa phương, từ khu công nghiệp Bắc Thăng Long, và hàng thanh lý từ các nơi khác về. Cửa hàng đồ cũ Nhật này có đầy đủ giấy phép đăng ký kinh doanh, chỉ vi phạm về niêm yết giá và buôn bán không đúng nơi quy định, ông Hưng cho biết.
Theo Nghị định 46/2016 NĐ - CP, hành vi để phương tiện, thiết bị, vật liệu, hàng hóa, chất phế thải hoặc các vật phẩm khác trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt, hành lang ATGT đường sắt, dựng lều quán, nhà tạm, công trình tạm thời khác trái phép trong phạm vi đất dành cho đường sắt... sẽ bị phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng đối với cá nhân, từ 4 - 6 triệu đồng đối với tổ chức.