Xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại nhiều quận, huyện Hà Nội

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Trần Việt Trung trả lời báo chí. Ảnh: Trường Phong
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Trần Việt Trung trả lời báo chí. Ảnh: Trường Phong
TPO - Phó Giám đốc Sở Xây dựng nhận định, một số quận ven đô và huyện vẫn còn nhiều trường hợp xây dựng trên đất nông nghiệp, đất công như Đông Anh, Hoài Đức, Hoàng Mai, Mê Linh, Mỹ Đức, Nam Từ Liêm, Sóc Sơn, Thanh Trì...      

Ngày 21/11, tại Hội nghị giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Trần Việt Trung cho biết, về công tác quản lý trật tự xây dựng, trong năm 2017 đã phát hiện và tiến hành kiểm tra 17.442 công trình, có 1.916 công trình vi phạm, trong đó, có 765 công trình không phép, 334 công trình sai phép, sai quy hoạch, sai thiết kế; 748 công trình xây dựng trên đất lấn chiếm, đất nông nghiệp, lâm nghiệp...

Theo ông Trung, 1.571 trường hợp vi phạm đã được xử lý dứt điểm, trong đó cưỡng chế phá dỡ 336 trường hợp; tự khắc phục 901 trường hợp; hòa giải, bồi thường 50 trường hợp; cấp bổ sung, điều chỉnh giấy phép xây dựng với 254 trường hợp.

Theo thống kê, năm 2017, có 1.740 quyết định xử phạt vi phạm hành chính liên quan lĩnh vực trật tự xây dựng với số tiền phạt hơn 12,2 tỷ đồng.

Liên quan đến các trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo, ông Trung cho biết, trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng “siêu mỏng, siêu méo” tồn tại cũ tính đến tháng 11/2016 còn 137 trường hợp. Đến nay, qua kiểm tra, báo cáo của các quận, huyện đã giải quyết tiếp được 5/137 trường hợp, còn 132 trường hợp tiếp tục xử lý.

Về kết quả thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố về triển khai các kế hoạch kiểm tra xử lý các vi phạm về trật tự xây dựng, ông Trung cho biết, đối với 409 trường hợp vi phạm tồn đọng trước đây (năm 2015, 2016 và quý I/2017), tính đến hết tháng 10/2017 đã xử lý dứt điểm được 255 trường hợp, đang tiếp tục đôn đốc UBND các quận, huyện, thị xã xử lý dứt điểm đối với 154 trường hợp còn lại trước ngày 31/12/2017.

Đối với 44 trường hợp theo đề xuất của UBND các quận, huyện, thị xã thuộc thẩm quyền của UBND thành phố và trách nhiệm của các sở, ngành, ông Trung cho biết, liên ngành của thành phố đã tổ chức rà soát, đánh giá, phân loại, qua đó xác định 12 trường hợp đã cơ bản xử lý xong, 30 trường hợp thuộc thẩm quyền, trách nhiệm xử lý của UBND quận, huyện, thị xã, 2 trường hợp liên quan đến phạm vi quản lý nhà nước của các sở, ngành có liên quan.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng nhận định, hoạt động quản lý của chính quyền cơ sở và lực lượng thanh tra xây dựng cơ bản đã ngăn chặn được việc lấn chiếm đất, xây dựng không phép nhưng một số quận ven đô và huyện vẫn còn nhiều trường hợp xây dựng trên đất nông nghiệp, đất công như Đông Anh, Hoài Đức, Hoàng Mai, Mê Linh, Mỹ Đức, Nam Từ Liêm, Sóc Sơn, Thanh Trì... Việc xử lý vi phạm của các địa phương còn lúng túng, thậm chí còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, chưa quyết liệt, chưa kịp thời xử lý ngăn chặn vi phạm.

Cùng với đó, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật chưa được làm thường xuyên; quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị còn thiếu; một số khu vực có quy hoạch nhưng chưa có kế hoạch triển khai, chưa có quyết định thu hồi đất, chưa thực hiện đền bù GPMB.

Ông Trung cũng thẳng thắn thừa nhận, khi công trình vi phạm bị phát hiện, lập biên bản, chính quyền địa phương đã ban hành quyết định đình chỉ, song việc đình chỉ còn chưa có hiệu lực; chưa quyết liệt để xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm. Một số trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, lực lượng công an phường chưa thực hiện hết thẩm quyền như cấm thợ, cấm xe chuyển vật tư, vật liệu vào công trình vi phạm.

Một số công trình vi phạm trên địa bàn UBND phường, lực lượng thanh tra xây dựng không kịp thời báo cáo các cơ quan cấp trên để có biện pháp xử lý, khi được dư luận và báo chí phản ánh các cơ quan vào cuộc thì các công trình đã vi phạm với quy mô lớn dẫn đến gây khó khăn trong việc xử lý.

Cùng với đó, do Sở Xây dựng Hà Nội vẫn đang quản lý về biên chế đối với lực lượng thanh tra xây dựng tại các quận, huyện nên trách nhiệm của chính quyền địa phương còn chưa cao, do đó cấp huyện, cấp xã khó huy động được lực lượng liên ngành để thực hiện nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng và các nhiệm vụ chính trị khác. Hơn nữa, sự vào cuộc của chính quyền địa phương chưa quyết liệt, triệt để nên công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành lực lượng thanh tra xây dựng cấp huyện còn nhiều hạn chế, các vi phạm về trật tự xây dựng chưa được xử lý kiên quyết, kịp thời.

Ông Trung nhấn mạnh, trong thời gian tới sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong hoạt động xây dựng, hạ tầng kỹ thuật đô thị trong đó tập trung vào các dự án phát triển nhà ở, các khu đô thị trên địa bàn thành phố nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm trật tự xây dựng từ khi mới phát sinh, không để phát sinh các vi phạm nghiêm trọng về trật tự xây dựng; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tổng hợp kết quả xử lý các trường hợp nhà đất không đủ điều kiện mặt bằng xây dựng “siêu mỏng, siêu méo”.

Đặc biệt, Sở xây dựng kiến nghị kỷ luật cho ra khỏi ngành đối với cá nhân để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng nghiêm trọng, gây bức xúc dư luận và có những biểu hiển tiêu cực, sách nhiễu, dung túng, bao che các trường hợp vi phạm.

MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
TPO - TIN NÓNG ngày 12/12: Công an Hà Nội điều tra vụ cháu bé 11 tuổi bị cứa cổ, hành hạ khi câu cá tại ao nhà hàng xóm; Chủ tịch Công ty Trung Hậu 68 đã 'rửa' hàng trăm tỷ thu lợi bất chính từ khai thác trái phép cát ra sao?; Nhóm thanh niên Hải Dương mang kiếm sang Bắc Ninh trộm tiền công đức ở đền chùa...
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.