Viện Lập pháp Đài Loan (Trung Quốc) hôm 6/10 bắt đầu xem xét khoản ngân sách phòng vệ đặc biệt trị giá 8,6 tỷ USD, để tự phát triển vũ khí, khí tài, trong đó có tên lửa hành trình và tàu khu trục trong 5 năm tới, CNN đưa tin.
Cơ quan phòng vệ Đài Loan (Trung Quốc) đang muốn Viện Lập pháp phê chuẩn ngân sách mua sắm, phát triển nhiều loại vũ khí, khí tài, bao gồm tên lửa trang bị cho 6 tàu khu trục lớp Kang Dinh, 4 máy bay không người lái vũ trang MQ-9B và nhiều tên lửa cho đội bay F-16V Viper Fighting Falcon (máy bay tiêm kích đa nhiệm thế hệ mới do công ty Mỹ Lockheed Martin sản xuất)…, Forbes đưa tin.
Đài Loan (Trung Quốc) đang tự phát triển tàu ngầm và thử nghiệm các loại tên lửa tầm xa mới ở bờ biển phía nam và phía đông của hòn đảo này. Mới đây, Đài Loan (Trung Quốc) đưa vào sử dụng một loại tàu chiến mới sử dụng công nghệ tàng hình và gọi loại tàu này là "sát thủ tàu sân bay" vì được trang bị tên lửa hiện đại.
Đài Loan (Trung Quốc) sẽ tự phát triển các loại vũ khí, khí tài dù Mỹ có thể vẫn sẽ là nhà cung cấp linh kiện và công nghệ, Reuters dẫn lời ông Wang Shin-lung, một lãnh đạo cấp cao của cơ quan phòng vệ Đài Loan. Trong khi đó, người phát ngôn của chính quyền Đài Loan Lo Ping-cheng nói: "Chỉ khi chúng ta bảo đảm được an ninh của mình và thể hiện quyết tâm của mình thì cộng đồng quốc tế mới nghĩ tốt về chúng ta".
Tại cuộc họp của Viện Lập pháp Đài Loan (Trung Quốc) hôm 6/10, ông Chiu Kuo-cheng (Khâu Quốc Chính), lãnh đạo cơ quan phòng vệ Đài Loan, miêu tả căng thẳng quân sự trên eo biển Đài Loan ở mức “nghiêm trọng nhất” trong hơn 40 năm qua, kể từ khi ông gia nhập quân đội, CNA đưa tin.
Tại cuộc họp, cơ quan phòng vệ Đài Loan trình một báo cáo nói rằng, năng lực chống can thiệp và phong tỏa của Trung Quốc đại lục quanh eo biển Đài Loan sẽ thực sự hoàn thiện vào năm 2025.
Trung Quốc đại lục có thể đủ năng lực tổ chức tấn công toàn diện nhằm vào Đài Loan vào năm 2025, ông Khâu nhận định hôm 6/10, vài ngày sau khi Đài Loan ghi nhận con số kỷ lục máy bay chiến đấu của Trung Quốc đại lục bay vào vùng nhận diện phòng không (ADIZ) của hòn đảo này.
Máy bay chiến đấu Thẩm Dương J-16 được cho là "da Trung Quốc hồn Su-30 Flanker-C của Nga". Ảnh: AP. |
“Về khả năng tổ chức tấn công Đài Loan, họ (Trung Quốc đại lục) hiện có năng lực thực hiện. Nhưng họ phải trả giá”, ông Khâu nói với các phóng viên hôm 6/10. Nhưng tới năm 2025, cái giá phải trả sẽ thấp hơn và lúc đó Trung Quốc đại lục sẽ có khả năng xâm nhập toàn diện, ông nói.
Ông Khâu nói với các phóng viên sau cuộc họp của Viện Lập pháp rằng, trước vụ việc xâm nhập ADIZ, Đài Loan không có hành động đáp trả nào để khiến Trung Quốc đại lục nổi giận, có cớ tấn công.
Tàu khu trục lớp Kang Ding là một biến thể tàu khu trục hạng nhẹ được Pháp phát triển dựa trên khu trục hạm lớp La Fayette dành cho hải quân Đài Loan (Trung Quốc). Nguồn: Weaponsystems. |
Phản ứng của Trung Quốc và Mỹ
Ngày 8/10, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Trung Quốc trước thông tin một đơn vị đặc nhiệm Mỹ đồn trú tại Đài Loan, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói rằng, Washington cần nhận thức rõ tính chất “nhạy cảm cao” của vấn đề Đài Loan, chấm dứt ngay tiếp xúc quân sự với Đài Bắc.
“Trung Quốc sẽ áp dụng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình”, ông Triệu nói.
Ngày 7/10, các cơ quan báo chí uy tín của Mỹ, trong đó có The Wall Street Journal và Fox News, dẫn lời các quan chức Mỹ nói rằng, hơn hai chục lính đặc nhiệm Mỹ đã và đang huấn luyện cho bộ binh Đài Loan (Trung Quốc), trong khi một đội thủy quân lục chiến Mỹ huấn luyện lính thủy của hòn đảo này. Việc huấn luyện này đã diễn ra được ít nhất 1 năm, các quan chức Mỹ cho biết.
Bắc Kinh từng tuyên bố không loại bỏ khả năng dùng quân sự để thu hồi Đài Loan nếu cần thiết và đổ lỗi căng thẳng giữa hai bờ eo biển Đài Loan cho “sự câu kết” giữa hòn đảo này và Mỹ.
Theo một tuyên bố Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra đầu tuần này, Mỹ đã có các động thái tiêu cực bằng cách bán vũ khí cho Đài Loan và tăng cường quan hệ chính thức và quan hệ quân sự với Đài Loan (Trung Quốc), bao gồm thực hiện kế hoạch bán vũ khí trị giá 750 triệu USD cho Đài Loan, cho máy bay quân sự Mỹ hạ cánh xuống Đài Loan và thường xuyên đưa tàu chiến Mỹ qua eo biển Đài Loan.
F-16V Viper là phiên bản mới nhất của dòng máy bay tiêm kích đa nhiệm thế hệ 4. Ảnh: Lockheed Martin. |