Đại gia đình nghệ sĩ của NSND Trần Tiến

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Hiếm có gia đình nào hoạt động nghệ thuật bền bỉ và có nhiều đóng góp cho nghệ thuật như gia đình NSND Trần Tiến - NSƯT Lê Mai. Họ tộc Trần - Lê sinh ra những nghệ sĩ tài danh.

Cả 5 thành viên trong gia đình NSND Trần Tiến - NSƯT Lê Mai đều thành công trong nghệ thuật và giành những danh hiệu cao quý. Hai bên họ tộc Trần - Lê đều có những nghệ sĩ nổi danh.

NSƯT Lê Mai xuất thân trong một gia đình có truyền thống hoạt động nghệ thuật ở Hải Phòng. Cha của bà là nhà thơ, nhà viết kịch Lê Đại Thanh, hoạt động trong Đội kịch Trung ương cùng thời với NSND Thế Lữ và Song Kim.

Đại gia đình nghệ sĩ của NSND Trần Tiến ảnh 1

NSƯT Lê Mai bên ba con gái.

Mẹ của NSƯT Lê Mai cũng là diễn viên kịch. Hai em trai của NSƯT Lê Mai là họa sĩ Lê Đại Chúc và đạo diễn, NSƯT Lê Chức.

Sau thời gian hoạt động chủ yếu trong Đoàn kịch Trung ương, bà về công tác tại Đoàn kịch Hà Nội (nay là Nhà hát Kịch Hà Nội). Không chỉ tham gia vào những vai diễn trên sân khấu kịch, bà còn xuất hiện trong những bộ phim truyền hình và phim truyện như Hoa đắng, Hoàng hôn dang dở, Nhà có nhiều cửa sổ... Năm 2009, NSƯT Lê Mai đóng vai bà nội trong Bà nội không ăn pizza của đạo diễn Khải Anh và Bùi Tiến Huy. Khi ấy, bà đã bước sang tuổi 70 nhưng vẫn tự chạy xe máy tới bối cảnh quay.

Cậu út nhà họ Lê - NSƯT Lê Chức - cũng hoạt động sâu rộng trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật với nhiều vai trò: diễn viên kịch nói, nhà viết kịch, đạo diễn, người làm thơ… Nhiều người lại biết đến ông nhờ "giọng đọc vàng" của NSƯT Lê Chức qua hàng ngàn chương trình trên sóng truyền hình và đài phát thanh. Ông từng giữ chức Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam.

Đại gia đình nghệ sĩ của NSND Trần Tiến ảnh 2

NSƯT Lê Chức - em trai NSƯT Lê Mai.

Nhắc tới NSND Trần Tiến, NSƯT Lê Mai không thể không kể đến ba con gái nổi tiếng của họ là Lê Vân, Lê Khanh, Lê Vi. Những năm 70 của thế kỷ 20, ba ái nữ của NSND Trần Tiến bén duyên với nghệ thuật.

Con gái cả Lê Vân sinh năm 1958, mang nét đẹp điển hình của người phụ nữ Hà thành. Lê Vân xuất thân là nghệ sĩ múa, song đạt được khá nhiều thành công ở lĩnh vực điện ảnh với những bộ phim kinh điển như Chị Dậu, Bao giờ cho đến tháng Mười, Đêm hội Long Trì... Vai Duyên trong Bao giờ cho đến tháng Mười đã đem đến cho NSƯT Lê Vân giải Bông sen Vàng tại LHP quốc gia lần thứ 7 năm 1985. Con cả của NSND Trần Tiến đóng chung với bố trong phim Tự thú trước bình minh.

Một thời gian sau, NSƯT Lê Vân từ bỏ hào quang để lui về ở ẩn. 10 năm sau, chị ra mắt tự truyện Lê Vân: Yêu và sống. Sau cuốn tự truyện, Lê Vân khép mình hơn.

NSND Lê Khanh có sự nghiệp rực rỡ và duy trì hoạt động nghệ thuật ở tuổi xế chiều. Năm 2001, khi mới 38 tuổi, Lê Khanh được phong tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân nhờ những đóng góp ở lĩnh vực điện ảnh. Chị từng đảm nhận vị trí Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ Hà Nội.

Đại gia đình nghệ sĩ của NSND Trần Tiến ảnh 3

Lê Vân, Lê Khanh, Lê Vi hội ngộ dịp Tết Nguyên đán 2023. Ảnh: FBNV.

Những năm gần đây, NSND Lê Khanh vẫn tất bật với các dự án nghệ thuật. Chị trở lại màn ảnh rộng qua loạt phim Gái già lắm chiêu V và được khán giả đón nhận tích cực.

Nghệ sĩ Lê Vi có phần kín tiếng hơn hai người chị. Nhắc đến Lê Vi, khán giả không thể quên vai diễn trong bộ phim Cây bạch đàn vô danh của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân năm 1996 - vai diễn mang về cho Lê Vi giải thưởng Bông Sen Vàng năm 1996.

Sau khi kết hôn với doanh nhân người Pháp, Lê Vi định cư ở nước ngoài. Đầu năm 2023, chị cùng gia đình nhỏ về Việt Nam. Ba chị em Lê Vân, Lê Khanh, Lê Vi ở bên NSND Trần Tiến những ngày cuối đời của ông.

MỚI - NÓNG