Sử dụng dữ liệu thu được từ tàu thăm dò Cassini của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), nhóm nghiên cứu tại Đại học Versailles Saint-Quentin (UVSQ), Pháp, phát hiện cực nam mặt trăng Enceladus của sao Thổ ấm hơn so với dự đoán trước kia, và nhiều khả năng tại đây có một đại dương khổng lồ bên dưới bề mặt khoảng 2 km, theo IFL Science. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Astronomy hôm 13/3.
Giới khoa học cho rằng hầu hết các khu vực trên Enceladus có một lớp vỏ băng dày từ 18 đến 22 km và lớp băng này mỏng hơn ở cực nam. Dưới lớp băng là một đại dương khổng lồ với những điều kiện thuận lợi cho sự sống phát triển như hoạt động thủy nhiệt. Đây có thể là một nơi hứa hẹn tìm thấy các dạng sống ngoài hành tinh.
"Dữ liệu quan sát từ tàu vũ trụ Cassini cho thấy cái nhìn sâu sắc về những gì đang diễn ra bên dưới bề mặt của mặt trăng Enceladus", Alice Le Gall, tác giả chính của nghiên cứu, nói.
Tại cực nam, mặt trăng Enceladus phun ra những luồng hơi nước khổng lồ và vật chất khác từ những vết nứt trên bề mặt. Tàu vũ trụ Cassini phát hiện thành phần muối trong luồng hơi nước, cho thấy đại dương đã tương tác với lõi đá của Enceladus.
Le Gall cho biết, mặt trăng Enceladus được làm nóng bởi ánh sáng Mặt Trời cũng như lực đẩy và kéo của sao Thổ. Nghiên cứu mới dường như khẳng định lại giả thuyết này, khi lớp vỏ mỏng ở cực nam nhạy cảm hơn với hiệu ứng làm nóng do thủy triều (tidal heating).