Đại dịch SARS và ngôi miếu nhỏ thờ những y bác sĩ anh hùng

Ngôi miếu thờ 6 y bác sĩ hi sinh trong đại dịch SARS. Ảnh: Đinh Tuấn.
Ngôi miếu thờ 6 y bác sĩ hi sinh trong đại dịch SARS. Ảnh: Đinh Tuấn.
TPO - Ngay cạnh cổng vào của bệnh viện Việt – Pháp, Hà Nội là khu miếu nhỏ thờ 6 bác sĩ đã hi sinh năm 2003 trong trận đại dịch SARS. 15 năm đã trôi qua, dường như câu chuyện về sự hi sinh thầm lặng của các y bác sĩ vẫn làm nghẹn ngào những người chứng kiến hoặc biết về đại dịch kinh hoàng này.

Trước đây, ngôi miếu được đặt trong một khuôn viên rộng hơn nhưng khi có dự án mở rộng bệnh viện, Ban giám đốc bệnh viện đã cho di dời ra một góc bệnh viện.

Cuộc chiến chống SARS – Hội chứng hô hấp cấp chấn động toàn cầu năm 2003 khiến 5 bác sĩ hi sinh tại Việt Nam và một bác sĩ người Pháp mất sau khi về Pháp.

Khu miếu nhỏ nằm cạnh cổng ra vào, ngay dưới gốc cây đa lớn. Hàng tháng, cứ vào mùng một và ngày rằm, các y bác sĩ đều đến thắp hương tỏ lòng thành kính với những người thầy thuốc anh hùng đã hi sinh ngay trong thời bình.

Đại dịch SARS và ngôi miếu nhỏ thờ những y bác sĩ anh hùng ảnh 1 Những người dân sinh sống quanh khu vực bệnh viện Việt - Pháp gần như không còn nhớ gì về đại dịch SARS và sự hi sinh của 6 y bác sĩ ở nơi đây vào 15 năm trước. Ảnh: Đinh Tuấn.

Hàng ngày, ông Nguyễn Trí Hùng (bảo vệ tại bệnh viện Việt – Pháp) vẫn thường xuyên lau dọn miếu, ông cũng là một trong những nhân chứng sống đã trải qua 45 ngày dài dằng dặc cả bệnh viện oằn mình lên chống đại dịch SARS.

“Cả dãy phố vắng ngắt, những bệnh nhân được cách li trên tầng 2 thì khóc nức nở mỗi lần quan tài của một bệnh nhân hoặc bác sỹ tử vong được nhân viên nhà tang lễ mang đi. Ngày ấy, mấy anh em cũng thuê trọ ngoài, không dám về nhà vì sợ lây bệnh cho người thân. Đội chúng tôi có 10 người thì  2 người nghỉ việc vì sợ  lây nhiễm ”, ông Hùng ngậm ngùi chia sẻ.

Tâm sự với chúng tôi, ông Nguyễn Đình Trực ( bảo vệ tại bệnh viện Việt Pháp) bồi hồi nhớ lại: “Tôi vẫn còn nhớ như in những ngày dịch hoành hành, cả bệnh viện tan hoang lắm, nhìn mặt các y bác sĩ ai cũng thất thần, lo lắng. Hàng ngày chúng tôi chuyển thức ăn vào cho họ, mấy anh em thay nhau túc trực, không khí ngày đó căng thẳng lắm, lòng ai cũng trĩu nặng vì lo lắng, không biết đến khi nào chấm dứt cảnh ngày ngày nhìn các y bác sỹ lần lượt ra đi”.

Đại dịch SARS đã qua được 15 năm nhưng những ấn tượng và cảm xúc của những người bên cạnh ngôi miếu nhỏ đã từng chứng kiến vẫn không khỏi bồi hồi. Cuộc sống hiện tại ở đây giờ đã thay đổi rất nhiều, miếu nhỏ thờ các y bác sĩ sau khi di dời đã không còn tấm bia ghi danh vì rơi vỡ sau lần di dời. Sự hi sinh của các y bác sĩ dần dần rơi vào quên lãng, rất nhiều người dân sinh sống quanh khu vực này khi được hỏi đều trả lời không biết gì về sự ra đi của các y bác sĩ trong đại dịch SARS. Thời gian khiến những anh hùng năm nào dần rơi vào quên lãng.

Đại dịch SARS và ngôi miếu nhỏ thờ những y bác sĩ anh hùng ảnh 2  Sau 15 năm, khu vực xung quanh bệnh viện giờ đây rất sầm uất. Ảnh: Đinh Tuấn.

Ông Trần Minh Sơn – thợ làm chìa khóa ngay bên kia đường của bệnh viện chia sẻ với chúng tôi: “17 năm làm việc ở đây, tôi đã chứng kiến sự đổi thay rất nhiều của bệnh viện. Ngày đó, con đường này hầu như chẳng có ai đi lại, mọi người đều chọn đi vòng qua đường khác vì sợ nhiễm bệnh, ngay cả bác sĩ và nhân viên còn chết nên ai cũng hoảng sợ. Tôi thì lúc đó nghĩ còn đơn giản lắm, khoảng cách cũng xa nên chắc sẽ an toàn, với lại nghe đồn bệnh cũng tùy sức đề kháng của mỗi người nên vì miếng cơm manh áo nên tôi vẫn làm việc ở đây bình thường”.

Chia sẻ tiếp với chúng tôi, ông nói: “ Khi bệnh viện thông báo chính thức dập tắt dịch , những người về nhà họ vẫn còn hoang mang vì sợ bênh lại tái phát và lây cho người nhà, có nhiều nhân viên của bệnh viện nghỉ việc lắm hoặc họ chuyển đi viện khác vì sau đợt đó, tôi không còn thấy họ nữa. Ngay cả con đường này cũng phải gần 1 năm sau vụ dịch đó mới đông đúc trở lại đấy”.

Những mốc dịch SARS lây lan ở Việt Nam:

- 23/2/2003: Bệnh nhân Chung Cheng từ Hong Kong nhập cảnh Việt Nam, mang theo các triệu chứng bệnh cúm lạ.

- 26/2/2003: Chung Cheng nhập viện Việt Pháp, là người đầu tiên tại Việt Nam được xác định mắc bệnh SARS.

- 5/3/2003: Bệnh viện Việt Pháp được cách ly.

- 13/3/2003: Viện Y học lâm sàng tiếp nhận bệnh nhân SARS đầu tiên.

- 15/3/2003: Người Việt Nam đầu tiên chết vì SARS, là y tá Bệnh viện Việt Pháp. Sau đó là 4 y bác sĩ khác của bệnh viện này lần lượt tử vong.

- Từ ngày 8/4/2003 trở đi: Việt Nam không ghi nhận thêm ca mắc mới nào.

- 28/4/2003: Việt Nam được WHO công nhận là quốc gia đầu tiên trên thế giới khống chế thành công dịch SARS.

MỚI - NÓNG
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
TPO - Với 11 đội nam và 6 đội nữ, hơn 120 vận động viên tranh tài quyết liệt tại giải bơi vỏ lãi vùng đồng bào dân tộc thiểu số Cà Mau, hoạt động chào mừng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.