Liên quan đến việc định giá trước khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, Kiểm toán Nhà nước cho rằng, nguy cơ thất thoát vốn, tài sản nhà nước rất lớn. Ông nhìn nhận thế nào về thực trạng này?
Đúng là hiện nay có tình trạng định giá cổ phần hóa không chính xác. Việc này thường rơi vào hai trường hợp là định giá tài sản vô hình và tài sản hữu hình. Thứ nhất, việc định giá tài sản vô hình không chính xác, chẳng hạn như định giá thương hiệu thì chưa có văn bản quy định: Thương hiệu như thế nào thì được định giá và định giá bao nhiêu?
Tôi ví dụ như một doanh nghiệp A bán nhà với giá 100 triệu/m2, trong đó có 40% giá trị thương hiệu, còn đơn vị khác bán, giá chỉ 60 triệu đồng thôi, nếu không có giá trị thương hiệu đó. Hay câu chuyện AVG vừa qua cũng liên quan đến việc định giá thương hiệu. Nhìn chung chính sách của nhà nước ta hiện vẫn chưa được hoàn chỉnh và thế giới cũng đang gặp khó khăn trong vấn đề này.
Thứ hai, về định giá tài sản hữu hình, hiện có những trường hợp cố tình đánh giá sai. Nguyên nhân chính vẫn là câu chuyện lợi ích nhóm, từ nhà quản lý đến doanh nghiệp, rồi đến người thẩm tra của các bộ, ngành liên quan. Nói cách khác, ở đây có tình trạng cán bộ thiếu trung thực, tham lam, tư túi, dẫn đến thất thoát vốn, tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp khi cổ phần hóa.
Theo ông loại tài sản hữu hình nào thường bị lợi dụng, gây thất thoát lớn nhất?
Tài sản vô hình là giá trị thương hiệu, còn tài sản hữu hình chính là đất đai. Về việc này, chính sách của nhà nước vẫn còn kẽ hở. Chính phủ ban hành Nghị định 126 về xác định giá trị đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp, nhưng hiện nay chúng ta không bao quát được.
Chẳng hạn khi cổ phần hóa một doanh nghiệp A, quy hoạch đất đai của doanh nghiệp này ở trung tâm thành phố, làm trụ sở. Sau khi cổ phần hóa xong thì xuất hiện lợi ích nhóm, liên kết với chính quyền, rồi điều chỉnh quy hoạch. Thế là từ đất làm trụ sở được điều chỉnh thành đất nhà ở, hoặc đất thương mại và cuối cùng được bán theo giá đất thương mại. Từ đó, nhà nước bị thất thoát và nhóm lợi ích thì hưởng lợi khổng lồ.
Vậy cần phải làm gì để có thể sớm bịt được khe hở này, thưa ông?
Để khắc phục tình trạng này, theo tôi Chính phủ cần phải bổ sung chính sách, sau khi cổ phần hóa, nếu chuyển mục đích sử dụng đất thì tiếp tục đấu giá lại, hoặc nộp địa tô cho nhà nước. Còn hiện nay, chỉ có định giá và đấu giá trên thị trường tại thời điểm quy định cổ phần hóa. Khi điều chỉnh quy hoạch lại thì chỉ có một nhóm lợi ích điều chỉnh với nhau, rồi trục lợi rất nhiều.
Cũng có ý kiến lo ngại, khi đấu giá lại như vậy sẽ lại xuất hiện “xã hội đen, xã hội đỏ”. Đây là vấn đề thuộc về quản lý nhà nước. Những người làm công bộc của dân cần phải làm minh bạch, khách quan. Điều quan trọng là đội ngũ cán bộ của chúng ta có vừa hồng vừa chuyên hay không? AVG vừa qua chẳng đấu giá còn gì, nhưng rồi từ bao nhiêu thành ra bao nhiêu? Theo như kết luận của Thanh tra Chính phủ, nếu theo mức giá đó thì nhà nước có nguy cơ mất hơn 7.000 tỷ đồng.
Trước nguy cơ xảy ra thất thoát, lãng phí lớn như vậy, nhiều người đặt câu hỏi: Ngoài doanh nghiệp thì vai trò và trách nhiệm thẩm định, đánh giá, phê duyệt của cơ quan quản lý nhà nước ra sao?
Điều này lại phải trở lại với câu chuyện lợi ích nhóm. Ở đây có trách nhiệm của cơ quan định giá mà doanh nghiệp thuê, rồi trách nhiệm của cơ quan thẩm tra, chẳng hạn Bộ TN&MT là quy hoạch sử dụng đất, Bộ Tài chính về giá trị, hay Bộ KH&ĐT thì về kế hoạch định hướng phát triển...
Còn trách nhiệm, trong Bộ luật hình sự có nói “tội cố ý làm trái”, nhưng cũng rất chung chung. Chính vì thế cần phải điều chỉnh lại chính sách pháp luật hiện hành. Những người cố tình làm trái, làm thất thoát tài sản nhà nước cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự, chứ không thể rút kinh nghiệm về mặt hành chính được. Đó cũng là một tội cố ý làm trái.
Cảm ơn ông.
“Chính phủ cần phải bổ sung chính sách, sau khi cổ phần hóa, nếu chuyển mục đích sử dụng đất thì tiếp tục đấu giá lại, hoặc nộp địa tô cho nhà nước”. ông Trần Quang Chiểu