Đại biểu Quốc hội đề nghị đánh giá đúng về tình hình Biển Đông

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: Từ “nguy hiểm” ít được dùng đến khi nói về tình hình Biển Đông. (Ảnh DN)
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: Từ “nguy hiểm” ít được dùng đến khi nói về tình hình Biển Đông. (Ảnh DN)
TPO - Góp ý vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội thứ XII của Đảng ngày 23/10, nhiều ĐBQH cho rằng, cần đánh giá đúng mức độ “nguy hiểm, khó lường” trên Biển Đông hiện nay để tránh chủ quan, lơ là.

Nguy cơ với chủ quyền trên Biển Đông

Dành phần lớn thời lượng phát biểu của mình để góp ý vào nội dung này, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son nói, thách thức về việc bảo vệ chủ quyền biển đảo hiện nay là rất lớn. 

Tại nhiệm kỳ trước, vấn đề này đã được nêu ra, ngay trong buổi khai mạc kỳ họp Quốc hội thứ 10, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng nhấn mạnh “tình hình Biển Đông diễn biến nguy hiểm, khó lường”.

Theo Bộ trưởng, từ “nguy hiểm” trước nay ít khi dùng đến, điều đó cho thấy sự báo động, nguy hiểm về bảo đảm chủ quyền. “Nếu trước chúng ta chỉ đánh giá là tranh chấp chủ quyền lãnh thổ biển đảo ngày càng gay gắt thì giờ có thể thấy nguy cơ mất ổn định ở khu vực này lớn hơn nhiều”, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son phân tích.

Trong báo cáo chính trị nêu dự báo tình hình thế giới và đất nước thời gian tới là “tranh chấp chủ quyền biển đảo trong khu vực và trên Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp và gay gắt”. 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, đánh giá như thế có phần chưa đúng tầm, chưa đủ độ, có thể sẽ dẫn đến chủ quan. Bộ trưởng đề nghị phải đánh giá đúng thực tế tình hình để không thể mơ hồ được, và để người dân thấy được tính chất của vấn đề ở mức nào.

Cùng đề cập đến vấn đề Biển Đông, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) cũng đề nghị cần phải đánh giá đúng mức diễn biến mới về tình hình hiện nay. ĐB Nghĩa nhắc lại báo cáo chính trị, đánh giá: “Tranh chấp lãnh thổ chủ quyền biển đảo trong khu vực và trên Biển Đông tiếp tục diễn ra gay gắt, phức tạp”. ĐB Nghĩa cho rằng, đánh giá như vậy là chưa đầy đủ về nguy cơ và thấp hơn nguy cơ đang diễn ra.

Lý giải về mức độ nghiêm trọng, ĐB Trương Trọng Nghĩa cho rằng, thực tế đã xuất hiện những sự kiện mới, ví dụ Trung Quốc xây đảo nhân tạo là sự báo động hết sức lớn, một biểu hiện mới của tranh giành chủ quyền. Ngoài ra, còn có việc Trung Quốc xây hải đăng, xây dựng những công trình có thể quân sự hóa, có thể chuyển cho mục đích quân sự ngay lập tức, ví dụ như việc xây dựng đường băng.

Trước những diễn biến mới từ phía Trung Quốc, ĐB Nghĩa đề nghị bổ sung là: “Tranh chấp lãnh thổ chủ quyền biển đảo trong khu vực và trên Biển Đông tiếp tục diễn ra gay gắt, phức tạp, xuất hiện những thách thức mới đe dọa chủ quyền của đất nước, tự do và an ninh hàng hải”.

Lo nguy cơ 'gẫy đòn gánh' từ ven biển Đà Nẵng

Tại phiên thảo luận, Phó trưởng đoàn ĐBQH Hà Nội Chu Sơn Hà cũng có cùng mối lo về an ninh quốc phòng. Mặc dù đường lối đúng đắn của Đảng là phát triển kinh tế đi đối với đảm bảo an ninh quốc phòng, song theo ĐB Hà, hiện thực hóa điều này hiện vẫn còn những bất cập. 

Với chiều dài bờ biển lên tới 3.200 km, ĐB Hà băn khoăn khi ở nhiều vùng biển lại toàn là các doanh nghiệp nước ngoài đấu thầu, khai thác. Điển hình như ở đèo Hải Vân, khu vực ven biển quan trọng nhất Đà Nẵng, nhưng vùng biển ở miền trung lại toàn người nước ngoài đầu tư.

“Các khu vực ven biển Đà Nẵng, ven biển miền Trung, các Resort toàn là nhà đầu tư nước ngoài. Đất nước chúng ta như đòn gánh, cả miền Trung cho nước ngoài đầu tư sẽ dẫn đến rất nguy hiểm, có thể gẫy đòn gánh”, ĐB Hà nêu.

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.