TS Kent Calder, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Á Edwin Reischauer (SAIS), nói rằng, hiện nay, biển Đông được xem là khu vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn do có sự tranh chấp chủ quyền của các nước trong khu vực. Thời gian qua, Trung Quốc tăng cường các hoạt động tranh chấp chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa, tiến hành các hoạt động hiếu chiến với các bên có tranh chấp, đặc biệt là Việt Nam và Philippines, tạo ra sự căng thẳng về ngoại giao, làm gia tăng phản ứng tiêu cực từ công luận. Việc Trung Quốc không ngừng có các hoạt động khiêu khích các quốc gia láng giềng tiềm ẩn nguy cơ bất ổn và có thể gây ra thảm họa môi trường, đe dọa các nguồn tài nguyên biển, sự đa dạng sinh học biển, đồng thời tạo ra mối đe dọa lâu dài đối với các rạn san hô đẹp vào bậc nhất thế giới tại biển Đông.
Tất cả các nước có tuyên bố chủ quyền tại biển Đông đều tiến hành các hoạt động tôn tạo tại các khu vực mình kiểm soát. Tuy nhiên, quy mô tôn tạo và xây dựng của Trung Quốc lớn hơn rất nhiều so với tổng diện tích tôn tạo của các nước còn lại cộng lại. Theo thống kê, Trung Quốc đã bồi đắp các đá, bãi chìm thành các đảo nhân tạo nổi lên mặt nước với tổng diện tích hơn 12.000 km2 và đã nạo vét khoảng 80 km2 ở các vùng nước biển nông.
Việc Trung Quốc hằng ngày bồi đắp đất và cát tại các rạn san hô đã hủy hoại hệ sinh thái vốn mỏng manh của biển Đông. Ngay các nhà khoa học biển Trung Quốc cũng thừa nhận, các rạn san hô hiện đã suy giảm tới 80%.