Giữ 1 ha rừng tự nhiên còn hơn trồng mới 10ha
Thảo luận về tình hình kinh tế- xã hội tại Quốc hội, ngày 4/10, ĐB Vũ Thị Lưu Mai, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh thiên tai xảy ra nặng nề hơn bao giờ hết chúng ta cảm nhận được sự quan trọng của phát triển bền vững. Theo bà Mai, thời gian qua, hoạt động khai thác khoáng sản đã mang lại nguồn thu nhất định cho nhà nước thông qua thuế.
Cụ thể, năm 2019 thu thuế từ tài nguyên đạt hơn 36.700 tỷ, năm 2020 ước đạt hơn 22.500 tỷ, song thất thu cũng rất lớn vì chưa kiểm soát được sản lượng. Đặc biệt, bên cạnh lợi ích, hoạt động trên cũng gây tác động rất nghiêm trọng đến quá trình phát triển bền vững. "Việc khai thác cũng làm thay đổi căn bản đặc tính của đất, gây ô nhiễm đất, và nguồn nước, phá hủy vĩnh viễn địa hình, gây xói mòn, sạt lở nghiêm trọng", bà Mai phản ánh.
Cũng theo bà Mai, việc trồng rừng thay thế là sự khiên cưỡng, không thể. Bởi rừng tự nhiên có những đặc điểm mà rừng trồng không bao giờ có được, đó là khả năng giữ đất, giữ nước, bảo vệ môi trường. Dẫn ý kiến của các chuyên gia cho biết, nếu giữ được 1 ha rừng tự nhiên còn hơn trồng mới 10ha rừng, bà Mai đề nghị cần lưu ý kỹ việc này. “Chúng ta đã và đang phá hủy mối quan hệ cộng sinh giữa con người và thiên nhiên, cái giá phải trả là quá đắt. Do đó, đứng trước bài toán kinh tế thì sự lựa chọn tốt hơn cả vẫn là phát triển bền vững”, bà Mai bày tỏ quan điểm.
ĐB Trần Thị Dung (Điện Biên) phản ánh, cơ chế, chính sách hiện nay chưa đủ để loại bỏ những dự án thủy điện kém hiệu quả. Ví dụ, việc xây dựng 25 dự án thủy điện lớn ở Tây Nguyên đã lấy đi 68.000 hecta rừng hoặc hồ chứa, đập thủy điện đã gây ra động đất cường độ nhỏ. Từ tháng 1/2017 đến tháng 8/2018, theo bà Dung tại tỉnh Quảng Nam đã có 69 trận động đất cường độ từ 2,5 đến 3,9 độ ríchte, trong đó 63 trận được ghi nhận tại huyện Nam Trà My và Bắc Trà My, nơi có thủy điện Sông Tranh 2 đang vận hành. Từ đó, bà Dung đề nghị sửa đổi, bổ sung khung pháp lý về cấp phép thủy điện nhỏ để hạn chế việc phá rừng.
Ảnh: Nhật Minh
Giải trình trước đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, thủy điện là nguồn năng lượng quan trọng để phục vụ phát triển kinh tế, xã hội. Ngoài chức năng phát điện, thủy điện còn có tác dụng tích nước và tùy thuộc công suất có thể cắt giảm lũ. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Công Thương "không phủ nhận ảnh hưởng của thủy điện đến môi trường, cũng như đời sống dân sinh". Đặc biệt, giai đoạn trước, nhiều thủy điện chiếm dụng đất rừng tự nhiên, ảnh hưởng rừng đầu nguồn, chức năng của rừng. Vì vậy, từ năm 2016 đến nay, Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành và chính quyền địa phương đưa ra khỏi quy hoạch 472 dự án thủy điện, 8 dự án thủy điện bậc thang, đồng thời loại bỏ 213 điểm tiềm năng phát triển thủy điện khỏi quy hoạch phát triển.
Liên quan tới việc vận hành các dự án thủy điện, ông Tuấn Anh cho biết đã có hàng loạt khung khổ pháp lý, gắn bảo vệ an toàn hồ đập với phòng chống thiên tai. Theo đó, các thủy điện không được xả lượng nước lớn hơn lượng nước về hồ, song cũng vẫn có trường hợp vi phạm. Như năm 2016, Thủy điện Hố Hô xả lũ vượt quá mức nước về hồ, gây lụt hạ du, các cơ quan chức năng đã xử lý, thu giấy phép hoạt động, phạt hành chính, trước khi cho phép hoạt động trở lại. Qua làm việc, khảo sát về tình hình mưa lũ ở các tỉnh miền Trung vừa qua, ông Tuấn Anh lý giải nguyên nhân dẫn đến hậu quả chủ yếu do cực đoan của thời tiết, lượng mưa quá lớn, kéo dài tác động đến địa chất gây ra sạt lở nghiêm trọng.
Để phòng tránh các hậu quả của mưa lũ, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, phải nghiên cứu khoa học, đưa ra cảnh báo một cách cụ thể hơn, đặc biệt là lập bản đồ khu vực sụt lún, nguy cơ diễn biến cực đoan. Riêng thủy điện cũng cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý. "Tới đây sẽ làm việc với các bộ, ngành, địa phương để nghiên cứu cụ thể, đánh giá các mặt còn hạn chế, từ đó tham mưu chính sách với Chính phủ siết chặt hoạt động thủy điện, hạn chế tối đa tác động tiêu cực", Bộ trưởng Bộ Công Thương cho hay.