Đại biểu nói gì về việc chuyển quyền cấp giấy phép lái xe sang Bộ Công an

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trước ý kiến băn khoăn vì sao phải chuyển việc quản lý đào tạo, cấp giấy phép lái xe từ Bộ GTVT sang Bộ Công an làm gì cho tốn kém, trong khi Bộ GTVT đang làm tốt, các chuyên gia cho rằng, nếu nhìn sâu xa, trách nhiệm quản lý Nhà nước về an ninh trật tự thuộc Bộ công an, trong khi trật tự an toàn giao thông là một bộ phận cấu thành của an ninh trật tự.

Chiều 10/2, Bộ Công an tổ chức hội thảo "Những vấn đề lý luận và thực tiễn của việc chuyển chức năng quản lý Nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp Giấy phép lái xe cơ giới đường bộ từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an".

Phát biểu tại hội thảo, GS - TS Trần Ngọc Đường (nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội) cho biết, trước năm 1995, việc quản lý Nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp Giấy phép lái xe cơ giới đường bộ thuộc Bộ Công an quản lý. Sau được chuyển sang Bộ Giao thông vận tải.

Theo ông Đường, nhìn từ thực tiễn quản lý giao thông đường bộ hiện nay, chuyển đổi này không còn phù hợp vì chưa tập trung thống nhất một mối, còn bị chia cắt.

"Quản lý đào tạo cấp Giấy phép lái xe và quản lý sau khi cấp là phải quản lý toàn bộ hành vi của một con người và phương tiện. Hai đối tượng này có mối quan hệ chặt chẽ nhưng nay bị chia cắt để giao cho nhiều cơ quan", ông Đường nói.

Từ những bất cập trên, ông Đường đề nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu, phân công lại việc đào tào, cấp giấy phép lái xe thu về một mối là Bộ Công an. Việc chuyển đổi này có lợi, vì Bộ Công an giữ chức năng quản lý Nhà nước về an ninh trật tự, sẽ ngăn chặn được các loại giấy phép giả, làm rõ tiêu cực. Hơn nữa, lực lượng công an sẽ có hình thức đào tạo sát thực tế.

Đại biểu nói gì về việc chuyển quyền cấp giấy phép lái xe sang Bộ Công an ảnh 1

GS, TS Trần Ngọc Đường.

Còn GS-TS Nguyễn Minh Đức (Đại biểu Quốc hội đoàn TP HCM) cho hay, từ khi giữ vai trò quản lý đào tạo, cấp giấy phép lái xe, Bộ Giao thông vận tải đã hoàn thành tốt nhiệm vụ ở một thời điểm nào đó. Hiện nay, nếu muốn chuyển đổi phải có "căn cứ gì" để Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải "ngồi lại với nhau" bàn bạc.

Ông Đức cho rằng, trong thời đại cách mạng 4.0, xã hội đang chịu ảnh hưởng rất lớn, đối tượng xấu lợi dụng thành tựu 4.0 để chống phá an ninh quốc gia, họ sẵn sàng làm giả các loại giấy tờ. "Do đó, chúng ta nên chuyển đổi việc cấp giấy phép lái xe sang Bộ Công an mới hợp lý", ông Đức nêu quan điểm.

Đại biểu nói gì về việc chuyển quyền cấp giấy phép lái xe sang Bộ Công an ảnh 2

GS, TS Nguyễn Minh Đức.

Trước ý kiến băn khoăn từ dư luận khi "Bộ Giao thông vận tải đang làm tốt, tại sao phải chuyển đổi cho tốn kém?". Ông Đức cho rằng, đây là cái nhìn trước mắt, nếu nhìn sâu xa, trách nhiệm quản lý Nhà nước về an ninh trật tự thuộc Bộ công an, trong khi trật tự an toàn giao thông là một bộ phận cấu thành của an ninh trật tự. Trong điều kiện hiện nay, các thế lực thù địch đang tìm mọi kẽ hở khoa học công nghệ để tấn công nên cần có mối quản lý tập trung nhất.

Một ưu điểm khác ông Đức nêu trong hội thảo là Bộ Công an được giao một nhiệm vụ cùng Chính phủ "chuyển đổi số", tích hợp toàn bộ các thông tin dữ liệu dân cư vào căn cước công dân gắn chíp. Thời gian tới, căn cước công dân có thể tích hợp và thay thế cho một số loại giấy tờ như bảo hiểm, hộ chiếu và hàng loạt giấy tờ khác, có cả giấy phép lái xe.

"Hệ thống số hóa dữ liệu có thể giúp lực lượng CSGT kiểm tra người vi phạm bằng cách quét mã QR là biết người đó sử dụng giấy phép lái xe như thế nào, có nghiện ma túy không, đã vi phạm ra sao", ông Đức nói.

Tham luận tại hội thảo, GS-TS Nguyễn Viết Thông (nguyên Tổng thư ký Hội đồng lý luận Trung ương) nêu dẫn chứng, phương tiện giao thông đường bộ ở Việt Nam đang phát triển nhanh, tai nạn xảy ra chiếm đến 90% do người điều khiển phương tiện. Từ đó cho thấy, toàn bộ khâu đào tạo, sát hạch bằng lái xe chưa đúng với thực tiễn.

Ông bày tỏ quan điểm đồng tình với các đại biểu khác kiến nghị lên Chính phủ giao chức năng đào tạo, sát hạch, cấp Giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông vận tải sang cho Bộ Công an thực hiện.

MỚI - NÓNG