Đại biểu chuyên trách có chức vụ thường “chỉ tay năm ngón”

Đại biểu chuyên trách có chức vụ thường “chỉ tay năm ngón”
TP - Ngày 22/10 phát biểu tại nghị trường, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Đỗ Văn Đương (ĐBQH TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, tiêu chuẩn của ĐBQH phải xuất phát từ vị trí, vai trò của ĐBQH được Hiến pháp ghi nhận là đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân.

Luật Tổ chức Quốc hội quy định cụ thể hơn tiêu chuẩn đại biểu, để đọc dự thảo không còn thấy nó quá chung chung, giống như với một cán bộ, công chức thông thường.

ĐB Đương đề nghị bổ sung vào Luật cụm từ “đại biểu phải trung thành với lợi ích của quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân”, để mỗi khi phát biểu vấn đề gì đó quan trọng, như tới đây xem xét chủ trương đầu tư sân bay Long Thành, đại biểu phải trên lập trường, lợi ích của quốc gia, dân tộc và lợi ích của nhân dân, để mà quyết định.

ĐB rất cần phải có trình độ, bản lĩnh, tránh tình trạng phát biểu ý của người khác, lấy bài của người khác đọc trước nghị trường, phát biểu xuôi chiều, thiếu phản biện.

Cần ghi rõ ĐBQH phải có chính kiến, độc lập trong suy nghĩ và hành động, có năng lực làm đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân; phải dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước cử tri, trước Quốc hội về hành vi, lời nói của mình.

Với ĐBQH chuyên trách, ngoài trình độ năng lực, tố chất bẩm sinh, được ăn học bài bản, ĐB này phải tinh thông nghiệp vụ, từng trải thực tiễn. Ví dụ trong lĩnh vực tư pháp, đọc hồ sơ ĐB phải biết được oan sai, xem xét báo cáo phải phát hiện chỗ ngụy biện, chỗ thực chất, nếu không thẩm tra, giám sát rất hạn chế.

Chọn đại biểu chuyên trách, nói chung đừng chọn người có chức vụ (trừ những trường hợp trưởng thành từ chuyên viên), vì người này thường chỉ tay năm ngón. Phải quy định rõ để mỗi khi sửa đổi pháp luật anh không bị vướng.

Anh vướng vì không có tố chất thực tiễn nên thường lấy luật cũ ra xem, hoặc lấy luật nước ngoài vào, tức là “lấy lá vàng của mùa thu trước chắn nẻo xuân sang” kìm hãm sự phát triển.

Đưa ra hình ảnh so sánh, ĐB Đương nói rằng, ĐBQH phải biết “biết nhả tơ, nhả ngọc”, biết đề xuất chính sách pháp luật, giám sát và phản biện. Mỗi kì họp anh phải phát biểu trước Quốc hội ít nhất một lần, chứ không phải là ngồi không phát biểu gì. Vì cử tri sẽ hỏi anh có nhả tơ, có dám làm, dám chịu trách nhiệm không?

MỚI - NÓNG