Đặc phái viên Mỹ thục giục Triều Tiên quay lại đàm phán

Đặc phái viên Mỹ Stephen Biegun (bìa trái) trong cuộc họp báo tại Seoul hôm 16/12. (Ảnh: Reuters)
Đặc phái viên Mỹ Stephen Biegun (bìa trái) trong cuộc họp báo tại Seoul hôm 16/12. (Ảnh: Reuters)
TPO - Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun vừa thúc giục Bình Nhưỡng quay lại bàn đàm phán, gạt bỏ thời hạn chót vào cuối năm nay mà nhà lãnh đạo Kim Jong Un đặt ra và nhấn mạnh Washington sẵn sàng thảo luận “mọi vấn đề cùng quan tâm”. 

Căng thẳng gia tăng trong những tuần gần đây khi Bình Nhưỡng thực hiện hàng loạt vụ thử vũ khí và công kích Tổng thống Mỹ Donald Trump bằng lời nói, gây ra lo ngại rằng hai nước có thể trở lại con đường đối đầu trước khi chuyển sang kênh ngoại giao từ năm ngoái. 

Ông Biegun đến Seoul hôm 15/12. Giới quan sát nhận định chuyến đi này mang theo sứ mệnh cứu vãn đàm phán với Triều Tiên, sau khi Bình Nhưỡng dọa sẽ đi theo “con đường mới” nếu Washington không hạ bớt quan điểm trước cuối năm nay. 

“Mỹ không đặt ra hạn chót nào. Chúng tôi chỉ có mục tiêu”, ông Biegun nói tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Hàn Quốc Lee Do-hoon hôm nay.

“Cho phép tôi nói trực tiếp với các đồng nghiệp Triều Tiên. Đã đến lúc chúng ta làm công việc của mình. Hãy hoàn thành việc làm. Chúng tôi ở đây, và các bạn biết cách liên lạc với chúng tôi như thế nào”, ông Biegun nói. 

Ông Kim và ông Trump gặp nhau 3 lần kể từ năm ngoái nhằm giải quyết chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, nhưng hai bên chưa đạt được tiến triển nào thực chất. Đàm phán cấp làm việc với sự tham gia của ông Biegun trên tư cách trưởng đoàn Mỹ diễn ra ở Stockholm vào tháng 10 năm nay đã đổ bể. 

Hôm 15/12, báo chí nhà nước Triều Tiên đưa tin nước này vừa thực hiện thành công một vụ thử nữa tại bãi phóng tên lửa nhằm “kiềm chế và vượt qua mối đe dọa hạt nhân của Mỹ”. Đây là vụ phóng thứ hai chỉ trong vòng 1 tuần. 

Sau khi gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm nay, ông Biegun bày tỏ lấy làm tiếc trước những tuyên bố của giới chức Triều Tiên trong vài tuần gần đây, cho rằng những phát biểu đó “quá thù địch, tiêu cực và không cần thiết”. 

“Nhưng mọi thứ không cần phải theo cách này. Vẫn còn chưa quá muộn”, ông Biegun nói. 
Giới phân tích cho rằng ít khả năng Triều Tiên sẽ đáp lại lời kêu gọi đối thoại mà ông Biegun đưa ra, vì Bình Nhưỡng gần đây tuyên bố Washington “không có gì để chào mời” ngay cả khi đàm phán được nối lại. 

“Đối với người Triều Tiên, ông Biegun vừa thách thức nhà lãnh đạo tối cao của họ khi gạt bỏ thời hạn cuối năm nay”, ông Shin Beom-chul, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện nghiên cứu chính sách Asan ở Seoul, đánh giá. 

Ông Chun Yung-woo, một cựu phái viên của Hàn Quốc về hạt nhân, nói rằng đề xuất của ông Biegun có vẻ nhằm gạt bỏ mong muốn của Bình Nhưỡng về việc thương lượng trực tiếp với ông Trump. 

Cuộc chạy đua tái tranh cử và cuộc điều tra luận tội nhằm vào ông Trump có thể khiến ông Kim đánh giá quá cao vị thế của Triều Tiên, Reuters dẫn đánh giá của các nhà ngoại giao. 

“Triều Tiên khó có khả năng trở lại bàn đàm phán trừ khi Mỹ hứa sẽ có nhượng bộ rõ ràng thay vì chỉ kêu gọi gặp gỡ”, GS Kim Dong-yub, công tác tại ĐH Kyungnam ở Seoul, nhận định. 

Theo theo Reuters
MỚI - NÓNG