Đa số cướp giật đều nghiện hút

Đại tá Nguyễn Sỹ Quang.
Đại tá Nguyễn Sỹ Quang.
TP - Theo đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Trưởng phòng tham mưu, Công an TPHCM hiện TPHCM có trên 11.000 người nghiện, số này chiếm tỷ lệ rất cao trong các vụ cướp giật tài sản.

Nói về nguyên nhân nạn cướp giật nở rộ, ông Quang cho rằng bên cạnh nguyên nhân TPHCM là nơi đông dân, trung tâm kinh tế của các nước, nhiều đường sá, nhiều con hẻm thông thoáng nên cướp dễ tẩu thoát, đây còn là nơi để các loại tội phạm từ tỉnh khác về ẩn náu hoạt động.

Khi nói về việc tại sao hiện nay các đối tượng cướp giật tài sản lại nhắm đến du khách, đại tá Nguyễn Sỹ Quang cho rằng du khách thường mang theo nhiều tài sản trên người, họ cũng không cảnh giác cao bằng người dân bản địa nên dễ bị sơ hở hơn nên các đối tượng cướp giật tài sản hay nhắm đến.

Theo ông Quang, hiện nay công an thành phố đang gặp khó khăn là phải đối đầu với nhiều băng nhóm hoạt động theo kiểu xã hội đen, manh động, công tác quản lý người nghiện còn nhiều bất cập. Trong thời gian tới, ngoài công tác tăng cường tuần tra, kiểm soát khép kín 24/24 của nhiều lực lượng cảnh sát, Công an TPHCM sẽ huy động toàn dân tham gia phòng chống tội phạm, phát triển và nhân rộng các mô hình phòng chống tội phạm có hiệu quả trong nhân dân. “Ngoài nhân rộng mô hình camera an ninh trật tự ở các phường, xã, thị trấn theo cơ chế Nhà nước và nhân dân cùng làm như đã thí điểm thành công ở quận Gò Vấp và 12 thì, Công an TPHCM sẽ kiến nghị, nghiên cứu thành lập các câu lạc bộ hiệp sĩ, đội nhóm phòng chống tội phạm”- đại tá Quang cho biết.

Đối với lực lượng cảnh sát khu vực, công an phường, xã, thị trấn có vai trò quan trọng ở địa bàn cơ sở, trực tiếp gần dân nắm tình hình và giải quyết các vụ việc về an ninh trật tự.

Đa số cướp giật đều nghiện hút ảnh 1

Nữ du khách người Úc Hannah

Trong thời gian tới, Công an TPHCM sẽ tập trung nắm chắc và thông tin kịp thời, nhất là tình hình hoạt động của các đối tượng bảo kê, cưỡng đoạt tài sản, tội phạm cướp, cướp giật tài sản, trộm cắp tài sản công dân. Trước mắt, xây dựng kế hoạch tổng kiểm tra hành chính, tập trung vào các địa bàn, tụ điểm phức tạp về cư trú, các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự dễ phát sinh tội phạm và tệ nạn xã hội nhằm phục vụ có hiệu quả công tác đấu tranh phòng ngừa tội phạm.

Anh Jackson (31 tuổi, quốc tịch Pháp) nói: “Hai năm trước, người bạn thân của tôi đến Việt Nam du lịch, sau đó về nước kể câu chuyện mình bị một nhóm người dàn cảnh móc chiếc điện thoại và giật sợi dây chuyền…sau đó cả nhóm lên xe lao đi mất hút. May mắn cậu bạn bình an vô sự. Qua câu chuyện, trước khi đến Việt Nam du lịch tôi suy nghĩ rất nhiều, lúc đầu tôi tính đến Thái Lan, nhưng phút cuối quyết định đến Việt Nam, bởi ở các thành phố lớn trên đất nước của các bạn còn lưu dấu rất nhiều kiến trúc, sản phẩm… của người Pháp. Sáng nay tôi đón xích lô dạo khu vực trung tâm TPHCM, bác tài xế nhiều lần cảnh báo cẩn thận tài sản chứ mất cảnh giác là cướp giật ra tay. Và sự việc đó chưa xảy ra đối với bản thân tôi”.  

Đình Du

Hôm qua 18/3, nữ du khách người Úc Hannah đặt chân đến TPHCM cho biết. “Trước khi đến thành phố này, tôi được một người bạn ở Pháp lưu ý “coi chừng cướp” nên tôi cảm thấy bất an. Hy vọng mọi chuyện vẫn tốt đẹp”. Còn du khách Simora, quốc tịch Đức nói rằng mới đến TPHCM vào ngày 17/3 nên chưa nhận xét được nhiều. “Tôi đi du lịch nhiều nơi và chưa từng bị cướp đồ và hy vọng điều đó sẽ không xảy ra khi ở Việt Nam”- Simora chia sẻ.

MỚI - NÓNG