Đà Nẵng: Nhiều hỗ trợ, vẫn không dùng hỏa táng

Trung tâm hỏa táng An Phước Viên ở Đà Nẵng sau 6 năm hoạt động tiếp nhận chưa tới 1000 ca. Ảnh: Thanh Trần
Trung tâm hỏa táng An Phước Viên ở Đà Nẵng sau 6 năm hoạt động tiếp nhận chưa tới 1000 ca. Ảnh: Thanh Trần
TP - Mặc dù có khu hỏa táng ngay trên địa bàn với nhiều chính sách hỗ trợ, nhưng nhiều năm qua, số ca hỏa táng ở Đà Nẵng vẫn rất lèo tèo. Người dân vẫn nặng nề với quan niệm “mồ yên mả đẹp”, coi hỏa táng là việc hiếu không tới cùng cho người chết.  

Theo Sở VH-TT Đà Nẵng, sau 6 năm triển khai việc hỏa táng đến nay, số ca hỏa táng trên địa bàn vẫn chiếm một tỷ lệ cực kỳ khiêm tốn: 5% trên tổng số ca từ trần. Năm 2010 (thời điểm triển khai) chỉ có 24 ca, năm 2015 cũng chỉ tăng lên 136 ca. Trước thực trạng đó, thành phố đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ để người dân có thể tiếp cận hơn với phương thức này. Điển hình như  hỗ trợ 100% chi phí hỏa táng cho người dân có hộ khẩu ở Đà Nẵng, diện xóa đói giảm nghèo và miễn giảm 100% không thời hạn đối với các đối tượng chính sách.

Tuy nhiên, vẫn không mấy người dân mặn mà với việc đưa người quá cố đi hỏa táng. Sở VH-TT cho biết thêm, đến thời điểm này, số ca hỏa táng bình quân một năm của Đà Nẵng chỉ bằng 10 ngày ở TP Hồ Chí Minh, 20 ngày ở Hà Nội và 1 tháng ở Hải Phòng.

Ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó Giám đốc thường trực Sở VH-TT cho hay rào cản lớn nhất khiến người dân không tiếp cận hỏa táng là do còn nặng nề với quan niệm “mồ yên mả đẹp”, nguyên vẹn thân xác cho người thân sau khi chết. Phong tục này đã ăn sâu vào nhận thức của người dân, rất khó thay đổi.

Cụ Huỳnh Phước Hân (81 tuổi, quận Hải Châu), nói: “Cha ông mình muôn đời chết là về với đất, thì giờ mình cũng vậy thôi. Phải có mồ mả để sau này con cháu còn biết đường tới mà hương khói nữa. Sau này qua đời, tôi cũng dặn cháu con cho tôi về với đất, bởi trước nay cả dòng họ chưa thấy ai hỏa táng cả”.

Ngoài ra, trong quá trình di dời giải tỏa, phục vụ chỉnh trang đô thị,  thành phố dành nhiều kinh phí cải tạo, mở rộng nghĩa trang. Điều này vô tình tăng quỹ đất cho hình thức địa táng, không tạo áp lực về việc lựa chọn hình thức an táng với người dân. Không chỉ vậy, các tộc, họ còn có quỹ đất dự phòng để an táng khi có người từ trần. Thành thử người dân càng tìm đến với cách an táng truyền thống nhiều hơn.

Bắt buộc một số trường hợp

Đà Nẵng là khu vực đầu tiên của miền Trung có trung tâm hỏa táng (tại xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang), do vậy người dân vẫn thấy xa lạ trước phương thức này. Theo ông Chiến, rào cản nằm ở phong tục tập quán, do vậy phải dùng biện pháp tuyên truyền đặc thù, chính là tiếng nói của các chức sắc, tôn giáo mới có thể tác động được quan niệm của người dân.

Đồng quan điểm này, ông Ngô Khôi, Trưởng Ban tôn giáo thành phố nhìn nhận: “Nghi thức tang lễ của một số tôn giáo khá phù hợp với quy chuẩn của nếp sống đô thị. Riêng Công giáo khuyến khích gia đình tín đồ có người chết thực hiện hỏa thiêu rồi gửi tro cốt vào nhà lưu của giáo xứ. Các tổ chức tôn giáo khác cũng dừng việc chôn cất thi thể chức sắc qua đời và chuyển dần sang hình thức hỏa táng. Đặc biệt các chức sắc có học vị cao còn chọn đề tài hỏa táng để đưa vào thuyết giảng, giải thích ý nghĩa để phật tử thực hiện. Đó là những hiệu quả cần được phát huy, tuyên truyền để thực hiện nếp sống văn minh trên địa bàn”.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Thái Đình Hoàng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng cho hay phương thức an táng bằng hỏa táng mang lại những lợi ích to lớn cho sự phát triển của đô thị, đặc biệt đối với môi trường và kinh tế.

“Đà Nẵng sẽ áp dụng bắt buộc hỏa táng với các trường hợp tử vong vô thừa nhận, những cá nhân được nuôi dưỡng trong cơ sở xã hội khi từ trần không có thân nhân. Đồng thời khuyến khích hỏa táng đối với các bệnh nhân mang bệnh truyền nhiễm, ông nói. Ông cho biết thêm, sắp tới đây Đà Nẵng sẽ cho xây dựng khu lưu tro cốt với quy mô hơn 3.000 lọ tại nghĩa trang Hòa Sơn. Khu vực này sẽ đảm bảo tính an toàn, trang nghiêm, giúp người dân tin cậy khi tiếp cận phương thức hỏa táng.

Quyết định 2282 của Chính phủ về việc khuyến khích sử dụng hình thức hỏa táng, đặt mục tiêu đến năm 2020, tại các thành phố trực thuộc Trung ương có tỷ lệ sử dụng hình thức hỏa táng trung bình đạt 30%. Đối với các thành phố, thị xã còn lại là 15%. Khu vực nông thôn là 5%.

MỚI - NÓNG