Đà Nẵng khai mạc kỳ họp HĐND không có chủ tịch

Ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng.
Ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng.
TPO - Sáng 5/12, kỳ họp thứ 6 HĐND TP Đà Nẵng khóa IX (nhiệm kỳ 2016 – 2021) đã khai mạc, do HĐND TP Đà Nẵng hiện đang khuyết chức danh Chủ tịch sau khi ông Nguyễn Xuân Anh bị bãi nhiệm nên ông Nguyễn Nho Trung, Phó chủ tịch HĐND TP chủ trì điều hành kỳ họp.    

Với tư cách đại biểu khách mời, lần đầu tiên tham dự kỳ họp HĐND sau khi nhậm chức Bí thư Thành ủy (thay ông Nguyễn Xuân Anh, bị Trung ương thi hành kỷ luật, cách chức Bí thư) ông Trương Quang Nghĩa đã có bài phát biểu tại phiên khai mạc trước cử tri và nhân dân thành phố. 

Chủ tịch HĐND bị bãi nhiệm là chưa có tiền lệ

Ông Trương Quang Nghĩa cho biết, thời gian qua, HĐND thành phố đã vào cuộc quyết liệt, đổi mới hoạt động giám sát. Tuy nhiên, hiện nay HĐND thành phố đang trong tình trạng chưa có tiền lệ là Chủ tịch HĐND thành phố bị bãi nhiệm, trong khi chưa có nhân sự đảm bảo điều kiện để bầu thay thế nên phải phân công Phó Chủ tịch phụ trách. Ông Nghĩa đề nghị Thường trực HĐND thành phố rà soát, nghiên cứu chế độ làm việc phù hợp, đảm bảo quán xuyến, làm tốt chức năng, nhiệm vụ quan trọng của Hội đồng nhân dân.

“Qua sự việc Trung ương kiểm tra, kỷ luật Ban Thường vụ Thành ủy và các cá nhân liên quan, đề nghị Thường trực HĐND, UBND thành phố hết sức quan tâm công tác ổn định tư tưởng và tổ chức, đảm bảo không khí, thái độ làm việc tích cực, đảm bảo đúng nguyên tắc, quy định, tránh tình trạng e ngại, giữ mình, đồng thời tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, đồng thuận, sáng tạo, đột phá trong tham mưu, nêu cao tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh, tính tiên phong, gương mẫu, quyết liệt trong hoạt động, lấy hiệu quả công việc làm thước đo cho nỗ lực cống hiến…” ông Nghĩa phát biểu.

Đà Nẵng vừa đăng cai tổ chức thành công Tuần lễ cấp cao APEC, mở ra nhiều cơ hội mới cho sự phát triển trong những năm đến. Ông Nghĩa cho biết, thành phố đang đối diện và tập trung xử lý, khắc phục một số sai phạm, khuyết điểm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành mà Trung ương đã chỉ ra.

“Niềm vui, niềm vinh dự, tự hào đan xen với những dằn vặt, trăn trở thôi thúc chúng ta cần phải chung sức, đồng lòng, quyết tâm thực hiện tốt nhất chức trách, nhiệm vụ của mình, vì sự phát triển của thành phố, xứng đáng với sự kỳ vọng và niềm tin của cử tri và nhân dân” ông Nghĩa cho biết

Nhìn lại năm qua, ông Nghĩa cho biết, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều tăng khá so với năm 2016, đặc biệt thu ngân sách tăng gần 12% dự toán. Thành phố từng bước khẳng định thương hiệu “Thành phố sự kiện” thông qua việc đăng cai tổ chức thành công nhiều chương trình, lễ hội đặc sắc, mang tầm quốc tế như: Tuần lễ cấp cao APEC 2017, Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2017, Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20… Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được, cũng cần nghiêm túc nhìn nhận tình hình vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế cần tập trung sớm khắc phục như: công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn bất cập; kỷ luật, kỷ cương hành chính có lúc, có nơi chưa nghiêm; tình trạng xây dựng công trình không phép, sai phép vẫn xảy ra; một số điểm nóng ô nhiễm môi trường chưa được xử lý dứt điểm. Chương trình thành phố “4 an” còn nhiều vấn đề cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện. Tình hình tội phạm còn diễn biến phức tạp; tai nạn giao thông tuy được kiềm chế nhưng vẫn còn xảy ra một số vụ gây chết người thương tâm…

Tinh giản nhưng số lượng cán bộ viên chức vượt chỉ tiêu.

Trước tình trạng những năm gần đây số lượng cán bộ, công chức, viên chức của thành phố tăng vượt chỉ tiêu được quy định; số người có trình độ đại học, sau đại học được tuyển ngày càng nhiều; thủ tục hành chính ngày càng được cắt giảm; việc sử dụng công nghệ thông tin ngày càng phổ cập; song tiến độ công việc vẫn chậm, hiệu quả chưa cao, ông Nghĩa đề nghị các đại biểu xem xét, đánh giá cụ thể việc này và những đề xuất, hiến kế những giải pháp thực hiện có hiệu quả, đúng lộ trình các nghị quyết của Trung ương, Thành ủy về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập gắn với tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức

“Đây phải chăng là bất cập trong sắp xếp tổ chức, bộ máy, hay do phân công, phân cấp, phân quyền, trách nhiệm cá nhân không rõ ràng; kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm?” ông Nghĩa đặt câu hỏi

Đối với vấn đề quy hoạch phát triển trên khu vực Bán đảo Sơn Trà, ông Nghĩa đề nghị cần hết sức lưu ý đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế với đảm bảo môi trường tự nhiên, giữ vững quốc phòng, an ninh. Đề nghị HĐND thành phố giám sát chặt chẽ việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch của UBND thành phố; chỉ đạo có các quy định, quy chế hết sức chặt chẽ trong công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng tại Bán đảo Sơn Trà, trên tinh thần lắng nghe cầu thị ý kiến góp ý của các tổ chức, cá nhân, nhà khoa học có tâm huyết vì sự phát triển chung của thành phố.

Thay mặt lãnh đạo thành phố, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng kêu gọi các tầng lớp nhân dân thành phố cùng với hệ thống chính trị đồng tâm, hiệp lực, phát huy truyền thống tốt đẹp của thành phố anh hùng, bài học về lòng dân mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã dày công vun đắp, huy động mọi nguồn lực xây dựng thành phố Đà Nẵng ngày càng an bình, văn minh, giàu đẹp.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.