Đà Nẵng: Đề xuất lập bệnh viện cai ma túy

Hiện trường một vụ án mạng do đối tượng bị “ngáo đá” gây án tại quận Liên Chiểu ngày 29/10 vừa qua.
Hiện trường một vụ án mạng do đối tượng bị “ngáo đá” gây án tại quận Liên Chiểu ngày 29/10 vừa qua.
TP - Trước tình hình tội phạm ma túy và các vụ án mạng liên quan ma túy gia tăng, cuối tuần qua, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng triệu tập đột xuất cơ quan chức năng, sở ban ngành, cùng đại diện các quận, phường, xã để cùng tìm giải pháp ngăn chặn.

Nguy cơ lớn

Theo ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng,  thời gian qua, Đà Nẵng xảy ra hai vụ án mạng do các đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp bị “ngáo đá” gây ra hết sức đau lòng. Đây là nguy cơ lớn đối với TP Đà Nẵng nếu không có biện pháp phòng và chống kịp thời.  Tất cả các cơ quan ban ngành cùng các địa phương phải ngồi lại để rà soát, đánh giá lại các biện pháp phòng chống thời gian qua xem hiệu quả đến đâu. Đồng thời hiến kế để có những giải pháp cụ thể.

Đại tá Nguyễn Văn Chính, Phó giám đốc CATP Đà Nẵng thừa nhận, tình hình đối tượng sử dụng ma túy và tội phạm liên quan đến ma túy trên địa bàn Đà Nẵng đang diễn biến phức tạp. Số đối tượng nghiện chuyển sang hoạt động tội phạm về ma túy chiếm tỷ lệ cao, hình thành nhiều đường dây buôn bán ma túy từ Quảng Trị, Nghệ An, Hải Phòng, Hà Nội... đưa ma túy về Đà Nẵng tiêu thụ. Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ 133 vụ, 179 đối tượng phạm tội về ma túy (nhiều hơn 23 vụ, 20 đối tượng so với cùng kỳ), thu giữ tổng cộng 3,53 kg ma túy tổng hợp, 0,57kg heroin... Ngoài ra đã phát hiện, lập hồ sơ 2.190 trường hợp người nghiện sử dụng trái phép chất ma túy. Trong đó tỷ lệ người nghiện bị khởi tố chiếm tỷ lệ cao (25,3 %) là điều hết sức lo ngại.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ cho rằng, số vụ án, đối tượng bị phát hiện và bắt giữ nói trên là còn hạn chế bởi thực tế ở Đà Nẵng tình trạng buôn bán sử dụng ma túy còn phức tạp hơn nhiều.

Không tin tổ văn hóa không có ma túy

Tình hình người nghiện, sử dụng ma túy trên địa bàn Đà Nẵng hiện nay tăng cao (tăng 59,7% so với năm 2014), trong đó số đối tượng nghiện sinh sống ở ngoài cộng đồng nhiều (chiếm 77,3%) đang là nỗi lo của Đà Nẵng. Tuy nhiên, trên thực tế không ít địa phương vì thành tích đã cố tình làm sạch báo cáo.

“Làm bệnh viện để người ta cảm thấy không bị giam giữ như khi đưa về trung tâm cai nghiện. Bệnh viện sẽ là nơi để họ nghỉ ngơi, chữa trị. Do đó, cần nghiên cứu kỹ từ tên gọi đến cảnh quan, quy chế hoạt động. Xa hơn, tiến tới việc phải trả tiền để vào bệnh viện”.

Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng

Phường Thọ Quang là địa bàn trọng điểm của tệ nạn ma túy. Năm 2016, Thọ Quang là địa phương có số lượng người sử dụng ma túy bị phát hiện, xử lý lớn nhất của quận Sơn Trà.

Ông Võ Đình Công, Chủ tịch UBND phường Thọ Quang cho biết: Nếu chờ cơ quan chức năng lập chuyên án bắt các đối tượng sử dụng, buôn bán ma túy trên địa bàn thì rất lâu. Do đó địa phương đã chủ động, trong việc tổ chức bắt, xử lý các đối tượng dựa trên tố giác của người dân.

Ông Công cho hay, nếu vì thành tích thi đua thì Thọ Quang không thể phát hiện nhiều đối tượng nghiện ma túy như vậy. Bởi theo quy định, tổ dân phố nào có người nghiện ma túy sẽ không được khen thưởng. Tuy nhiên Thọ Quang đã làm ngược lại để khuyến khích việc tố giác. Nếu tổ dân phố nào tố giác được nhiều sẽ được cộng điểm thi đua. Nhờ đó số lượng đối tượng tội phạm ma túy bị xử lý ở Thọ Quang rất cao.

Theo Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, không phải địa phương nào cũng mạnh dạn làm được như Thọ Quang. Hiện nay vì bệnh thành tích nên nhiều địa phương đã không chủ động, thậm chí có dấu hiệu che giấu tội phạm ma túy. Do đó, cần có biện pháp khuyến khích việc tố giác, bắt càng nhiều tội phạm ma túy càng được khen thưởng biểu dương thay vì đánh vào thành tích thi đua như hiện nay.

“Nếu nói tổ văn hóa không có ma túy tôi không tin. Thành phố có 80 -90 % tổ dân phố là tổ văn hóa, sao ma túy vẫn nhiều đến vậy? Danh hiệu tổ văn hóa, gia đình văn hóa cần phải xem lại. Phải sửa lại tiêu chí để khuyến khích việc phát hiện, tố giác”, ông Thơ nhấn mạnh.

Tình trạng các đối tượng sử dụng ma túy tái nghiện sau khi cai nghiện đang là nỗi lo của Đà Nẵng khi số người tái nghiện chiếm gần 40%. Điều này phản ánh công tác phòng ngừa tệ nạn ma túy và quản lý sau cai nghiện chưa hiệu quả, cần nghiên cứu lại.

Con số 62% đối tượng sau cai nghiện có việc làm mà Sở LĐ – TB&XH báo cáo khiến chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nghi ngờ đặt câu hỏi. Ông Thơ yêu cầu Sở này cung cấp danh sách cụ thể và ông sẽ kiểm tra đột xuất. “Con số này rất khó tin”, ông Thơ nhấn mạnh.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Thanh Hưng, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng giải thích rằng: Đây là con số của các địa phương báo cáo lên. Và cũng khá bất ngờ, bà Hưng lại đề nghị Chủ tịch UBND TP khoan đi kiểm tra, mà thay vào đó Sở sẽ đi kiểm tra trước.

Tuy nhiên, ông Thơ cho biết, Sở kiểm tra là việc của Sở, cá nhân ông sẽ kiểm tra bất ngờ để xem con số 62% đối tượng sau cai nghiện có việc làm liệu có chính xác?

Mở bệnh viện, lập doanh nghiệp cho người nghiện

Đại tá Trần Phước Hương, Trưởng Công an quận Hải Châu đề nghị thành lập bệnh viện ma túy với quy mô lớn để công tác cai nghiện hiệu quả. Đồng thời lập ra doanh nghiệp “đặc biệt” để tiếp nhận các đối tượng sau cai nghiện làm công nhân. Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho rằng đây là một ý tưởng hay và đề nghị sở ban ngành nghiên cứu, có báo cáo, đề xuất để Đà Nẵng có cơ chế làm.

Ông Nguyễn Hưng Hiệp, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH nói: Ý tưởng doanh nghiệp “đặc biệt” là chưa phù hợp bởi TPHCM đã từng làm nhưng thất bại. Ông Thơ kết luận: “Phải nghiên cứu kỹ, có nhiều ngành nghề phù hợp. Cần thiết sẽ giao cho  công an quản lý”.

MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.