Chiều 26/8, UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức hội thảo "Công bố, chia sẻ lộ trình phát triển kinh tế tuần hoàn tại TP. Đà Nẵng".
Theo lộ trình phát triển kinh tế tuần hoàn được UBND TP. Đà Nẵng đưa ra, địa phương này sẽ theo đuổi phát triển kinh tế tuần hoàn dựa trên quan điểm tiếp cận gắn kết, hệ thống và bao trùm; huy động sự tham gia của tất cả các bên liên quan (Nhà nước, doanh nghiệp, người dân); cơ sở khoa học, có căn cứ thực tiễn, kế thừa; thực hiện liên kết vùng, trong nước, quốc tế, liên kết giữa các địa phương.
Đà Nẵng công bố lộ trình phát triển kinh tế tuần hoàn |
Trong giai đoạn 2022 - 2030, Đà Nẵng ưu tiên phát triển kinh tế tuần hoàn của 7 lĩnh vực, gồm: Quản lý chất thải rắn; Nguyên liệu; Năng lượng; Khu công nghiệp sinh thái; Tuần hoàn lương thực thực phẩm; Tuần hoàn nước; Công dân tiêu dùng xanh.
Lộ trình phát triển kinh tế tuần hoàn tại Đà Nẵng giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn 2045 được chia làm 3 giai đoạn.
Giai đoạn 2022 – 2025 là giai đoạn khởi động lộ trình với các hoạt động trọng tâm là tuyên truyền, thử nghiệm một số mô hình kinh tế tuần hoàn đơn giản.
Giai đoạn 2025 - 2030, địa phương sẽ triển khai các dự án thí điểm trong các lĩnh vực ưu tiên (7 lĩnh vực ưu tiên) để thấy mức độ ảnh hưởng, lan tỏa khi áp dụng kinh tế tuần hoàn.
Mục tiêu đến năm 2045, Đà Nẵng cơ bản đạt được các tiêu chí của thành phố tuần hoàn |
Từ sau năm 2030, Đà Nẵng xác định kinh tế tuần hoàn trở thành xu hướng chủ đạo; các mô hình kinh tế tuần hoàn hiệu quả được nhân rộng, lan tỏa. Đến năm 2045, Đà Nẵng đặt mục tiêu cơ bản đạt được các tiêu chí của thành phố tuần hoàn.
Cụ thể, Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ phát triển 2–3 khu công nghiệp sinh thái theo tiêu chí Quốc gia; Trên 85% chất thải rắn được xử lý bằng công nghệ tiên tiến; 100% hộ dân phân loại rác tại nguồn; 100% sản phẩm của thành phố được dán nhãn sinh thái, năng lượng; Mức tiêu hao năng lượng cho sản xuất so với GRDP đạt mức giảm 1-1,5%/năm; Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GRDP đạt 30%,...
Phát triển theo định hướng kinh tế tuần hoàn, Đà Nẵng kì vọng giải quyết tốt vấn đề rác thải đô thị, đồng thời, biến rác trở thành nguồn tài nguyên thứ cấp |
Theo ông Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, đánh giá hiện trạng và phân tích các cơ hội, thách thức để phát triển kinh tế tuần hoàn tại Đà Nẵng, chính quyền nhận thấy việc chuyển đổi và áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trên địa bàn là cần thiết.
“Điều này giúp giải quyết tốt vần đề rác thải đô thị, giảm tác động đến môi trường, khai thác được nền tảng công nghệ cao của thành phố khắc phục, điều chỉnh được những vấn đề về kinh tế xã hội, tiến gần đến mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs)”, ông Minh nói.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, lộ trình phát triển kinh tế tuần hoàn tại Đà Nẵng được cập nhật trên cơ sở tiếp thu các văn bản liên quan gắn với Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, bổ sung bài học kinh nghiệm từ thử nghiệm chính sách về kinh tế tuần hoàn tại Đà Nẵng và lồng ghép vấn đề bình đẳng giới, nhận thức tầm quan trọng của hệ thống thu gom rác phi chính thống trong quá trình chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn.
Bà Caitlin Wiesen - Trưởng đại diện thường trú Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP tại Việt Nam), cho hay, Đà Nẵng là địa phương đầu tiên ở Việt Nam xây dựng lộ trình phát triển và thúc đẩy phát triển theo hướng kinh tế tuần hoàn.
“Đà Nẵng là đô thị trẻ, năng động và đang ở ngã ba đường để lựa chọn hướng phát triển. Thành phố có nhiều cơ hội để trở thành địa phương tiên phong trong lộ trình phát triển của các đô thị Việt Nam. Việc theo đuổi kinh tế tuần hoàn sẽ giúp thành phố quản lý bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và phát triển được thị trường vật liệu thứ cấp”, bà Caitlin Wiesen nói.