[TỌA ĐÀM] Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn hướng tới tăng trưởng xanh

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Nhằm giúp độc giả có cái nhìn đầy đủ hơn về mô hình kinh tế tuần hoàn còn mới mẻ ở Việt Nam, 9h sáng nay (25/8), Báo Tiền Phong phối hợp Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường tổ chức Tọa đàm "Vai trò của chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường đối với phát triển kinh tế & xã hội Việt Nam: Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn hướng tới tăng trưởng xanh".
Tọa đàm 25.08.2022

Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất

VIDEO: Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn hướng tới tăng trưởng xanh

Thực hiện: Tiền Phong TV

25/08/2022 09:10

Môi trường là vấn đề được quan tâm đặc biệt

Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, Nhà báo Phùng Công Sưởng - Phó Tổng biên tập báo Tiền Phong cho biết: Môi trường là vấn đề được quan tâm đặc biệt tại Việt Nam, từ tất cả các cấp chính quyền đến người dân ở mọi vùng miền của tổ quốc. Môi trường cũng được coi là một trong ba trụ cột của phát triển kinh tế xã hội.

Những năm qua, Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức về môi trường, Chất lượng môi trường tuy đã được cải thiện nhưng vẫn chậm; môi trường ở một số nơi vẫn tiếp tục bị ô nhiễm, đặc biệt tại các lưu vực sông, làng nghề, ô nhiễm không khí tại các khu đô thị, tỷ lệ thu gom xử lý thải rắn sinh hoạt chưa đạt mong muốn, một số sự cố môi trường vẫn xảy ra. Việc khai thác tài nguyên không hợp lý, thiếu tính bền vững tiếp tục làm thất thoát tài nguyên và tác động xấu lên môi trường; tình trạng phá rừng, săn bắt, mua bán trái phép động, thực vật hoang dã, sinh vật ngoại lai xâm lấn đang diễn biến phức tạp.

[TỌA ĐÀM] Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn hướng tới tăng trưởng xanh ảnh 1

Nhà báo Phùng Công Sưởng - Phó Tổng biên tập báo Tiền Phong - Ảnh: Như Ý

Trong bối cảnh đó, kinh tế tuần hoàn được coi là hướng đi tất yếu để thúc đẩy phát triển bền vững, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu chất thải, giảm thiểu tác động đến môi trường.

Tại Việt Nam, xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường đã được đưa vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định chủ trương “xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”, “xây dựng lộ trình, cơ chế, chính sách, pháp luật để hình thành, vận hành mô hình kinh tế tuần hoàn”.

Một trong chính sách môi trường của Nhà nước được quy định trong Luật Bảo vệ Môi trường 2020 là lồng ghép, thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội

Nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là doanh nghiệp về mô hình kinh tế tuần hoàn, nhấn mạnh những lợi ích kinh tế mà mô hình này mang lại cũng như tuyên truyền những mô hình hay, kinh nghiệm tốt trong triển khai kinh tế tuần hoàn. Báo Tiền Phong phối hợp với Trung tâm truyền thông tài nguyên và môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Tọa đàm: Vai trò của chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường đối với phát triển kinh tế & xã hội Việt Nam: Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn hướng tới tăng trưởng xanh.

Trong tọa đàm hôm nay, chúng tôi mong muốn nhận được những ý kiến trao đổi sôi nổi của các đại biểu khách mời để Tọa đàm mang lại những kết quả tốt đẹp, có giá trị thúc đẩy sự phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Qua buổi tọa đàm hôm nay, chúng tôi hy vọng truyền tải đến độc giả, đặc biệt là thế hệ trẻ, chủ trương của Đảng và Nhà nước về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Chúng tôi cũng mong muốn lan tỏa thông điệp tích cực đến thế hệ trẻ, giúp họ có ý thức hơn trong bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững.

25/08/2022 09:21

25/08/2022 09:28

VIDEO: Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn hướng tới tăng trưởng xanh

Thực hiện: Tiền Phong TV

25/08/2022 09:44

[TỌA ĐÀM] Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn hướng tới tăng trưởng xanh ảnh 3
Toàn cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Mạnh Thắng

25/08/2022 09:51

Kinh tế tuần hoàn góp phần gia tăng giá trị cho doanh nghiệp, giảm khai thác tài nguyên

Nhà báo Phùng Công Sưởng: Khái niệm kinh tế tuần hoàn, xu hướng phát triển kinh tế tuần hoàn trên thế giới đã được thể hiện? Xin TS Lại Văn Mạnh chia sẻ những nội dung căn bản để có kiến thức về kinh tế tuần hoàn?

TS Lại Văn Mạnh - Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường: Viện Chiến lược chúng tôi vinh dự năm 2019 được lãnh đạo Bộ giao là đầu mối các chuyên gia, tổ chức trong nước và quốc tế làm rõ nội hàm về kinh tế tuần hoàn. Chúng ta đã có nền kinh tế xanh thì có cần có kinh tế tuần hoàn nữa không? Và khi đi tìm câu trả lời cho thuật ngữ “Kinh tế tuần hoàn đặt” ra nhiều câu hỏi cho giới khoa học.

[TỌA ĐÀM] Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn hướng tới tăng trưởng xanh ảnh 4

TS Lại Văn Mạnh - Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường - Ảnh: Như Ý

Thuật ngữ Kinh tế tuần hoàn không mới, xuất hiện từ những năm 70 người ta bàn đến kinh tế tuần hoàn. Khi lật lại khái niệm thì trên thế giới có học giả đúc rút có 106 khái niệm khác nhau. Vì thế, đưa ra định nghĩa nền Kinh tế tuần hoàn về mặt pháp luật, chúng tôi có dựa vào khái niệm kinh tế tuần hoàn của Trung Quốc. Hay cũng tham khảo của Ellen MacArthur Foundation mô tả nền Kinh tế tuần hoàn là một hệ thống công nghiệp phục hồi hoặc tái tạo theo ý định và thiết kế.

Kinh tế tuần hoàn một phần góp phần gia tăng giá trị cho doanh nghiệp, giảm khai thác tài nguyên, giảm chi phí xử lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, chúng tôi cũng dựa trên quan điểm của Ủy ban Châu Âu, Tổ chức của Liên Hợp Quốc. Tại Việt Nam, Luật BVMT năm 2020 quy định “Kinh tế tuần hoàn” (Điều 142) là “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và được xem là một trong những chính sách ưu đãi, hỗ trợ và phát triển kinh tế môi trường, sẽ góp phần đẩy nhanh việc phát triển kinh tế tại Việt Nam”. Theo đó, Kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế, trong đó các hoạt động hướng đến 4 mục tiêu: thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Như vậy có thể thấy, định nghĩa Kinh tế tuần hoàn của Việt Nam phản ánh khá bao trùm và kế thừa được những tinh hoa nhất của các nước hay tổ chức lớn như của Trung Quốc, quỹ bảo vệ Môi trường và Ủy ban Châu Âu.

25/08/2022 10:08

Kinh tế tuần hoàn đã được đưa vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng

Trả lời câu hỏi về các chủ trương, chính sách của Bộ Tài nguyên và Môi trường để hiện thực hóa chủ trương về kinh tế tuần hoàn, ông Nguyễn Thượng Hiền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ:

Dưới góc độ quản lý, đối với thuật ngữ “Kinh tế tuần hoàn”, chúng tôi chia thành hai giai đoạn: trước năm 2020, thuật ngữ này chưa sử dụng nhiều trong các văn bản về chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, nhưng đã được thể hiện xuyên suốt trong rất nhiều văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước; được lồng ghép trong các chiến lược, nghị quyết của Đảng như Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Xã hội Chủ nghĩa năm 2011, Nghị quyết 24 của Ban Chấp hành Trung ương, đặc biệt là Nghị quyết 13 của Đảng…

[TỌA ĐÀM] Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn hướng tới tăng trưởng xanh ảnh 5

Ông Nguyễn Thượng Hiền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường - Ảnh: Như Ý

Từ năm 2020 trở đi, kinh tế tuần hoàn đã chính thức đưa vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng như trong Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 đã có khái niệm về “Kinh tế tuần hoàn”. Dưới góc độ môi trường, không phải từ năm 2020, chúng ta mới quan tâm, cụ thể hóa đến vấn đề kinh tế xanh, thân thiện với môi trường mà ngay từ năm 1993, luật 2003, luật 2014, chúng ta đã lấy mục tiêu xuyên suốt của bảo vệ môi trường là lấy phòng ngừa là chính, sau đó mới giảm thiểu, xử lý, khắc phục và cải thiện môi trường. Ví dụ như vấn đề thay đổi công nghệ, loại bỏ những công nghệ sử dụng nhiều nguyên, nhiên, vật liệu tác động xấu đến môi trường.

Ngoài ra có rất nhiều chương trình, kế hoạch, chiến lược, trong đó quy định liên quan đến vấn đề triển khai kinh tế tuần hoàn, không quy định cụ thể về kinh tế tuần hoàn nhưng có liên quan. Những nội dung góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, hướng tới chất thải của ngành công nghiệp này là nguyên liệu đầu vào của ngành sản xuất khác.

25/08/2022 10:18

Trên thế giới hiện chỉ có Trung Quốc và Ủy ban Châu Âu có bộ tiêu chí về kinh tế tuần hoàn

Nhà báo Phùng Công Sưởng: Với trình độ phát triển như ở Việt Nam, là nước chậm phát triển thì việc kế thừa khi mang kinh tế tuần hoàn về Việt Nam có tính đến việc áp dụng với tiêu chuẩn quá cao có phù hợp. Mặt bằng về ứng dụng kinh tế tuần hoàn của Việt Nam so với thế giới đang ở mức nào?

[TỌA ĐÀM] Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn hướng tới tăng trưởng xanh ảnh 6

Nhà báo Phùng Công Sưởng, Phó Tổng biên tập báo Tiền Phong đặt vấn đề về mặt bằng ứng dụng kinh tế tuần hoàn của Việt Nam so với thế giới hiện nay - Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng

TS Lại Văn Mạnh, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đứng về góc độ nội hàm thì chúng ta tuân theo chuẩn chung ở toàn cầu. Việc định nghĩa và quan điểm về kinh tế tuần hoàn hiện nay tôi cho là phù hợp. Vậy kinh tế tuần hoàn ở đâu trong bối cảnh ở Việt Nam? Chúng ta khẳng định có làm kinh tế tuần hoàn hay không? Hiện nay trên thế giới có nhiều quan điểm về kinh tế tuần hoàn.

Quan điểm phổ biến là các nước sẽ tăng trưởng GDP trước, khi họ giàu rồi thì dùng tiền để bảo vệ môi trường. Nhật Bản cũng là nước phải trải qua điều này rất rõ.

[TỌA ĐÀM] Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn hướng tới tăng trưởng xanh ảnh 7

TS Lại Văn Mạnh - Ảnh: Như Ý

Quan điểm 2: chúng ta chấp nhận nghèo để bảo vệ môi trường và chọn lối sống xanh.

Quan điểm 3: chúng ta vừa tăng trưởng kinh tế, đẩy GDP cao lên nhưng mức độ sử dụng tài nguyên giảm dần về mức độ tuyệt đối. Kì vọng tạo ra sự tách rời. Trước đây chúng ta tăng GDP thì sẽ phải tăng chất thải vào môi trường nhưng hiện nay kinh tế tuần hoàn giải quyết vừa giảm phát sinh chất thải và không tác động xấu đến môi trường. Các quốc gia đều thay đổi các chính sách để ứng xử với môi trường. Các sản phẩm bảo vệ môi trường là cơ hội cho các doanh nghiệp. Kinh tế tuần hoàn sẽ giúp cho các doanh nghiệp tạo ra được những mô hình kinh doanh tuần hoàn. Mô hình biến chất thải biến thành tài nguyên, áp dụng các mô hình kinh doanh mới trong chia sẻ, bán dịch vụ, cho thuê sản phẩm. Chính cái đó thôi thúc kinh tế tuần hoàn phát triển. Trên thế giới hiện nay chỉ có Trung Quốc và Ủy ban Châu Âu có hai bộ tiêu chí về kinh tế tuần hoàn. Còn ở Việt Nam có bộ tiêu chí về kinh tế tuần hoàn thì chưa. Hiện nay, trong nước ta có tiêu chí đánh giá kinh tế tuần hoàn là khó vì cần nhìn nhận ở nhiều góc độ đa chiều.

25/08/2022 10:34

Kinh tế tuần hoàn diễn ra ở các thành phố lớn của tỉnh Quảng Ninh

Ông Nguyễn Như Hạnh, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Quảng Ninh: Nói đến Quảng Ninh là nền công nghiệp khai khoáng. Theo dòng chảy của lịch sử, ngành này đóng góp cho sự phát triển kinh tế của địa phương nhưng đồng thời áp lực và gây ảnh hưởng đến môi trường rất lớn.

Hiện nay, theo thống kê sơ bộ, trung bình mỗi năm, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đổ thải khoảng 150 đến 180 triệu mét khối đất đá thải. Vấn đề đặt ra lượng đất đá, đất thải mỏ này gây áp lực lên đời sống dân sinh cũng như ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường. Tất nhiên, tỉnh đã luôn tích cực trong việc xử lý lượng đất thải từ ngành công nghiệp này.

[TỌA ĐÀM] Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn hướng tới tăng trưởng xanh ảnh 8

Ông Nguyễn Như Hạnh, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Quảng Ninh - Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng

Xuất phát từ thực tiễn 5 năm, trở lại đây Quảng Ninh thay đổi về hạ tầng nhiều và đặt ra câu chuyện phải san đất. Nếu san đất tự nhiên thì hệ quả sẽ lại ảnh hưởng đến môi trường. Nếu xử lý bằng đất thải từ mỏ ra được thì tốt và không phải sử dụng đất đồi tự nhiên nữa. Ngoài ra, Quảng Ninh cũng tính đến việc sử dụng nước thải mỏ sau khi xử lý. Việc tận dụng lại nguồn nước thải mỏ để phục vụ cho các hoạt động sản xuất và chế biến than như: sàng tuyển than, phun sương dập bụi, vệ sinh thiết bị... vừa giúp giảm chi phí, vừa bảo vệ được tài nguyên nước.

Trên đây là 2 định hướng lớn của tỉnh. Tỉnh Quảng Ninh cũng định hướng rõ đã giao cho Sở Tài nguyên Môi trường đánh giá đất thải của ngành than đối với tác động môi trường. Liên quan đến việc triển khai kinh tế tuần hoàn, ở Quảng Ninh có sự tham gia là các tổ chức hội, các cơ quan đoàn thể đã triển khai tốt. Thậm chí, kinh tế tuần hoàn còn được diễn ra ở các nơi không có phát triển kinh tế như các thành phố lớn của tỉnh Quảng Ninh. Ở đây, hội nông dân của tỉnh kết hợp các tổ chức phi chính phủ thu gom rác thải quanh vịnh. Những hoạt động này thực tế đã được triển khai.

25/08/2022 11:05

Hà Nội có nhiều mô hình hướng đến kinh tế tuần hoàn

Bà Lưu Thị Thanh Chi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội: Kinh tế tuần hoàn là một thuật ngữ mới đưa vào các thông tư, vào luật. Thực chất kinh tế tuần hoàn là quá trình tái chế, tái sử dụng chất thải. Thực ra mô hình này đã được ông cha ta sử dụng từ lâu rồi. Hà Nội không phải chờ đến khi có thuật ngữ này mới áp dụng. Hà Nội là khu vực đông dân, nền kinh tế phát triển mạnh. Về hạ tầng Thủ đô phát triển chưa kịp với sự phát triển dân số và cũng có nhiều vấn đề xã hội ảnh hưởng rất nhiều đến môi trường.

[TỌA ĐÀM] Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn hướng tới tăng trưởng xanh ảnh 9

Bà Lưu Thị Thanh Chi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội - Ảnh: Như Ý

Hà Nội đã triển khai rất nhiều văn bản, nghị quyết về việc bảo vệ môi trường như Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị về Bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Từ nghị quyết này Hà Nội đã ra nhiều chỉ thị đột phá về bảo vệ môi trường không chỉ nước, không khí, mà còn chất thải rắn. Hằng ngày, thành phố thải ra nhiều chất thải rắn và xử lý chủ yếu là chôn lấp. Hiện các khu vực xử lý rác, chôn lấp rác đang bị thu hẹp rất nhiều và vấp phải sự phản đối của người dân.

Vậy làm thế nào để giảm lượng rác thải ra, thu hẹp diện tích chôn lấp rác? Có hai phương án đã được thành phố đề ra đó là: giảm lượng rác thải ra và tìm kiếm công nghệ mới để xử lý rác. Đây là bài toán khó của thành phố. Từ thực tế, Sở Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng đề án phân loại rác tại nguồn. Vấn đề là phải làm thế nào để người dân phân loại rác từ hộ gia đình. Làm sao để sử dụng rác làm việc có ích hơn và giảm lượng rác thải ra.

Hiện Hà Nội đã thực hiện mô hình 3R nhưng sau đấy thì không thành công và không được nhân rộng. Đây là bài học để Hà Nội đưa ra đề án mới và đến cuối năm nay sẽ trình lên Chính phủ.

Chúng tôi đã chọn huyện Đông Anh để thực hiện mô hình thí điểm phân loại rác tại nguồn. Ngay từ đầu, các cán bộ huyện cho rằng rất khó triển khai. Tuy nhiên sau khi phổ biến mô hình đến các hội thì được người dân hưởng ứng rất nhiều. Lúc đầu mô hình được thực hiện tại 9 xã của huyện. Qua 1 năm thực hiện, thống kê cho thấy lượng rác giảm được khoảng 12 tấn/ngày. Người dân chủ động thực hiện phân loại rác: rác hữu cơ thì đi ủ phân, rác nhựa thì được công ty môi trường thu gom. Rác không thể xử lý được mới đem chôn. Người dân thấy rằng hiệu quả khá tích cực nên rất hưởng ứng. Từ mô hình thí điểm chúng ta có thể thấy phải lấy dân làm gốc. Khi người dân ủng hộ thì sẽ mang lại hiệu quả bảo vệ môi trường rất lớn.

Hà Nội hiện cũng có rất nhiều mô hình khác nhau. Chúng ta phải quan tâm đến các em học sinh để làm sao đưa những kiến thức về kinh tế tuần hoàn, về môi trường xanh vào nhà trường. Chính các em là hạt nhân để đưa những kiến thức này về gia đình và tác động đến việc bảo vệ môi trường. Chúng tôi đã thực hiện chương trình Sữa học đường, kết hợp tổ chức chương trình Trường học xanh. Mọi người cần biết, vỏ hộp sữa 99% có thể tái sử dụng được. Tại chương trình, các em học sinh sau khi uống sẽ góp lại vỏ hộp sữa. Chúng tôi đã có buổi sinh hoạt hướng dẫn các em học sinh phân loại vỏ hộp sữa, cách dán vỏ hộp sữa và cách làm bẹp vỏ hộp sữa. Chúng tôi cũng có công ty thu gom và tái chế vỏ hộp. Từ đó công ty tái chế đã làm thành những bàn, ghế, tặng lại nhà trường. Đó là một mô hình rất mới. Hiện, 100% các trường học trên địa bàn thành phố đã đăng ký mô hình Trường học xanh. Rất nhiều học sinh đã ký cam kết tiết kiệm nước, tiết kiệm điện và bảo vệ môi trường tại gia đình.

25/08/2022 11:10

Tạo ra giá trị bền vững, bảo vệ môi trường, quan tâm đến người dân

Nhà báo Phùng Công Sưởng: Doanh nghiệp đã Nestle Việt Nam và dẫn đầu về việc thực hiện Kinh tế tuần hoàn, vậy lý do nào đã thôi thúc doanh nghiệp thực hiện điều đó?

Bà Lê Thị Hoài Thương, Giám đốc truyền thông và đối ngoại cấp cao của Tập đoàn Nestle Việt Nam: Nói về động lực thôi thúc doanh nghiệp thực hiện kinh tế tuần hoàn, quan tâm đến bảo vệ môi trường thì trước hết, chúng tôi đề cao tuân thủ quy định của pháp luật. Tiếp theo là tạo ra giá trị bền vững giảm tác động đến môi trường. Tập đoàn Nestleđã hơn 150 năm tuổi thì phải làm sao để phát triển bền vững thêm 150 năm nữa. Chúng tôi không chỉ chú trọng sản xuất sản phẩm mà phải tạo ra giá trị bền vững, quan tâm đến người dân.

[TỌA ĐÀM] Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn hướng tới tăng trưởng xanh ảnh 10

Bà Lê Thị Hoài Thương, Giám đốc truyền thông và đối ngoại cấp cao của Tập đoàn Nestle Việt Nam - Ảnh: Như Ý

Nestle đã dựa trên các phân tích khoa học để biết được đâu là vấn đề cần được ưu tiên. Từ năm 2017 Nestle Việt Nam đã đạt được mục tiêu 100% không có chất thải rắn thải ra môi trường, chú trọng dấu chân cacbon trong tất cả các khâu. Chúng tôi đã bắt đầu làm việc trên những cánh đồng - dây chuyền sữa. Không chỉ đến khi các sản phẩm đến tay người dùng và chuyển thành rác thải mà chúng tôi quan tâm đến từng khâu khi tạo ra sản phẩm. Nestle Việt Nam nói với người nông dân làm sao giảm thiểu nước đi, giảm thiểu phân bón hóa học. Sau 10 năm triển khai chúng tôi đã giúp người dân tái canh hơn 63 triệu cây giống.

Ngoài ra Nestle Việt Nam đưa những ứng dụng về công nghệ số cho người dân. Ví dụ như tiết kiệm nước, tiết kiệm phân bón sẽ tiết kiệm được bao nhiêu tiền mà doanh thu không đổi. Từ đó có thể bảo vệ môi trường hơn. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ hướng tới hướng dẫn cho người dân giảm thiểu cacbon hoặc hấp thụ ngược lại đất. Một khâu khác là tuần hoàn về nước thải bằng cách đưa vào hệ thống làm mát bằng cách phân loại và tái sử dụng một cách tối đa nhất. Với một doanh nghiệp sản xuất chúng tôi không chỉ là tạo ra giá trị mà còn quan tâm đến quản lý và phát triển bao bì bền vững.

Chúng tôi đặt mục tiêu toàn bộ 100% bao bì có thể tái chế hoặc tái sử dụng vào năm 2025. Trong đó tập trung vào khâu thiết kế bao bì có thể tái chế D4R, chúng tôi dự kiến sẽ đạt được 100% bao bì thiết kế để tái chế trước năm 2025. Chúng tôi đẩy mạnh sử dụng nhựa tái chế cho vỏ chai nước khoáng Lavie và chuyển đổi ống hút nhựa sang 100% ống hút giấy (có chứng chỉ FSC) cho các sản phẩm uống liền.

Điều thôi thúc để chúng tôi thực hiện được việc đó là đề cao phát triển bền vững và làm thế nào để đóng góp cho cộng đồng, từ đó tạo nên một giá trị riêng cho doanh nghiệp, cho sản phẩm của chúng tôi.

25/08/2022 11:19

Vai trò kiến tạo của Chính phủ và địa phương

Nhà báo Phùng Công Sưởng đặt vấn về những khó khăn nào khi áp dụng kinh tế tuần hoàn và các giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới?

Trả lời câu hỏi trên, TS Lại Văn Mạnh, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Khó khăn ở Việt Nam khi áp dụng kinh tế tuần hoàn là tư duy hệ thống trong hoạch định, điều hành chính sách, pháp luật và thực tiễn sản xuất, kinh doanh chưa đồng bộ, hiệu quả. Điều quan trọng nhất là chúng ta cần tư duy hệ thống và vai trò kiến tạo của Chính phủ và địa phương. Khi đó thì chúng ta mới thành công trong kinh tế tuần hoàn.

[TỌA ĐÀM] Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn hướng tới tăng trưởng xanh ảnh 11

TS Lại Văn Mạnh

Các hệ thống tuần hoàn áp dụng các quy trình tái sử dụng thông qua chia sẻ, sửa chữa, tái sản xuất và tái chế nhằm tạo ra các vòng lặp kín. Trong kinh tế tuần hoàn quan trọng nhất là các vòng lặp này. Như ở Quảng Ninh, tỉnh cũng đang có nỗ lực các vòng lặp tuần hoàn đó. Nhưng để làm giảm chất thải của tỉnh Quảng Ninh thì cần nỗ lực hơn nữa. Kinh tế tuần hoàn là một quá trình, không phải một chốc, một lát, muốn là được ngay.

25/08/2022 11:24

Nhiều đơn vị tham gia tạo nên sức mạnh to lớn trong bảo vệ môi trường

Nhà báo Phùng Công Sưởng: Hà Nội đã triển khai một số mô hình bảo vệ môi trường nhưng mới chỉ là những mô hình thí điểm. Những mô hình này gặp những thuận lợi và khó khăn gì? Có tiến tới áp dụng trên toàn thành phố và tiếp theo đó là áp dụng trên cả nước không?

Bà Lưu Thị Thanh Chi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội: Khi triển khai các mô hình mới chỉ dừng lại ở thí điểm một số địa phương. Bởi có nhiều khó khăn, trong thành phố còn phụ thuộc nhiều vào địa bàn dân cư. Chúng tôi chọn Đông Anh để thí điểm vì đây là một địa bàn ngoại thành, quỹ đất rộng. Chúng ta có thể dễ dàng thực hiện biện pháp ủ rác thải thành phân. Nhưng nếu áp dụng vào một số huyện nội thành thì phải áp dụng các biện pháp khác. Mô hình áp dụng từng địa bàn nhỏ riêng, để từ đó rút ra được kinh nghiệm chung để áp dụng trên cả nước.

[TỌA ĐÀM] Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn hướng tới tăng trưởng xanh ảnh 12

Bà Lưu Thị Thanh Chi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội - Ảnh: Như Ý

Hiện nay chưa có nhiều quy định pháp luật, chưa có chỉ đạo chung của Bộ Tài nguyên Môi trường về việc phát triển kinh tế tuần hoàn. Riêng lĩnh vực kinh tế tuần hoàn cần sự góp sức của nhiều bộ ban ngành như Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…

Để hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện kinh tế tuần hoàn phải có những chính sách ưu đãi về thuế, về đất đai… Hà Nội cũng đã có nhiều chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp để đầu tư máy móc xử lý chất thải. Bởi nếu các doanh nghiệp đổ hết phế thải nhà máy thành rác thải sinh hoạt sẽ gây gánh nặng cho cơ quan xử lý rác thải Các bộ ban ngành như Sở Tài nguyên Môi trường, các đơn vị liên quan đã ưu tiên đến mức tối đa giúp các doanh nghiệp mua sắm trang thiết bị mới để xử lý rác thải. Như vậy chúng ta có thể thấy cần sự chung tay của các tổ chức Đảng, cũng như chính quyền. Cũng cần có sự quyết liệt của các cán bộ địa phương. Nếu các hội Phụ nữ, hội Nông dân tham gia cùng với các cấp chính quyền thực hiện cùng nhau sẽ đạt được những kết quả tốt.

Đội ngũ nhân lực thực hiện bảo vệ môi trường rất hạn chế. Khi mà chúng ta xây dựng được một đội ngũ nòng cốt là các bác hưu trí, những người hội nông dân, hội phụ nữ tại từng địa phương, từng phố từng phường sẽ tạo nên một sức mạnh vô cùng to lớn trong việc bảo vệ môi trường.

25/08/2022 11:37

Cần chính sách ưu tiên cho sản phẩm tái chế hơn sản phẩm thông thường

Trả lời câu hỏi về những khó khăn khi triển khai kinh tế tuần hoàn ở tỉnh Quảng Ninh, ông Nguyễn Như Hạnh, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Quảng Ninh cho biết: Theo tôi, thuận lợi khi triển khai kinh tế tuần hoàn thì nhiều vì đã có chủ trương. Còn lại là làm sao hoàn thiện hành lang pháp lý thêm. Đây là câu chuyện của hệ thống để càng ngày càng làm đầy chính sách. Ở đây tôi chỉ nói đến khó khăn mà khó khăn này lại bắt nguồn từ chính hành lang pháp lý. Như tôi đã nói ở trên, làm sao để sử dụng đất đá, đá thải mỏ để san lấp. Khi làm ở địa phương đều chỉ ra “điểm nghẽn”. Các doanh nghiệp làm thì sử dụng chất thải mỏ dùng để san lấp mà vừa phải chịu mọi chi phí, vừa còn chịu thuế phí môi trường nữa. Nếu vậy, thì doanh nghiệp làm gì hào hứng. Vấn đề là làm sao có chính sách để khuyến khích cho doanh nghiệp làm công việc này.

[TỌA ĐÀM] Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn hướng tới tăng trưởng xanh ảnh 13

Ông Nguyễn Như Hạnh, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Quảng Ninh

Tôi kiến nghị tới Tổng cục Khoáng sản: vấn đề đất đá, đất thải mỏ dùng để san lấp có thể ủy quyền cho tỉnh làm được không. Vì luật không thể bảo “anh làm đi” nhưng nếu làm không đúng thì làm sao làm được. Với đối tượng này hiện nay đang quy định theo Luật khoáng sản, liệu có đưa sang Bên Luật Môi trường được không? Có thể coi chất thải này là một hàng hóa chứ không thể coi là chất thải như hiện tại không? Vì nếu, vẫn coi là chất thải thì sẽ khó khuyến khích cho doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân muốn khởi nghiệp.

Mấu chốt tôi cho rằng, kinh tế tuần hoàn là câu chuyện chính sách. Chúng ta phải có chính sách có ưu tiên cho sản phẩm tái chế hơn những sản phầm thông thường khác. Lúc đầu, điều này có thể xung đột nhưng “mưa dầm thấm lâu” để người dân quen và sử dụng sản phẩm từ nguyên liệu tái chế.

25/08/2022 11:53

Truyền thông để người dân dễ hiểu và áp dụng thiết thực vào cuộc sống

Đề cập đến vướng mắc trong quá trình áp dụng vào thực tiễn các chính sách về kinh tế tuần hoàn, ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết: “Trước hết, về cơ chế chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, chúng ta phải sớm hoàn chỉnh các văn bản, quy định cụ thể. Ví dụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường phải sớm ban hành kế hoạch hành động quốc gia hay UBND các tỉnh cũng phải đưa phát triển kinh tế tuần hoàn vào phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

[TỌA ĐÀM] Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn hướng tới tăng trưởng xanh ảnh 14

Ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường - Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng

Về phía các doanh nghiệp, khi tham gia vào lĩnh vực này cũng có các chính sách ưu đãi. Điều cần thiết là cơ quan chức năng phải có chính sách ưu đãi cụ thể. Về cơ bản các chính sách chúng ta đều đã có nhưng cần ban hành các chính sách cụ thể hơn. Ví dụ như, về vấn đề tận dụng chất thải của ngành công nghiệp này làm nguyên liệu đầu vào của ngành sản xuất khác, các bộ ban ngành liên quan phải sớm ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng đầu vào, nếu không sẽ mặc định chất thải nào cũng có thể làm nguyên liệu đầu vào được.

Chúng ta nói nhiều về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, hiện tại tôi chỉ có kiến nghị rằng chúng ta phải có cách truyền thông để người dân dễ hiểu, thiết thực với cuộc sống. Ví dụ như thực hiện phân loại rác tại hộ gia đình hay hạn chế sử dụng túi nilon cũng là một yếu tố giúp phát triển kinh tế tuần hoàn. Tương tự với các doanh nghiệp, chúng ta phải tính toán vấn đề kinh tế, lợi nhuận để không đánh đổi kinh tế để phát triển môi trường, mà phải đáp ứng cả hai yêu cầu. Quan trọng nhất là truyền thông dễ hiểu, dễ làm để ai cũng hiểu, sau đó mới từ từ nâng cấp lên cao hơn. Chúng ta phải chia ra các đối tượng để có cách truyền thông phù hợp. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang hướng đến đưa kinh tế tuần hoàn vào giáo dục và các lĩnh vực khác. Bộ Tài nguyên và Môi trường phải có trách nhiệm cùng với các cơ quan báo chí phân cấp, phân tầng để truyền tải một cách dễ hiểu nhất đến mọi đối tượng”.

Trong bối cảnh toàn cầu, bao gồm Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường và các hệ sinh thái. Mô hình kinh tế tuần hoàn được Liên Hiệp Quốc và nhiều nước trên thế giới coi là hướng đi tất yếu trong thập kỷ tới nhằm tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Tại Việt Nam, một trong những chính sách môi trường của nhà nước Việt Nam là lồng ghép, thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội.

Luật Bảo vệ Môi trường định nghĩa, kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.

Ngày 7/6/2022, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 687/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Trong đó nêu rõ: Chủ động phát triển kinh tế tuần hoàn là tất yếu, phù hợp với xu hướng, yêu cầu tạo đột phá trong phục hồi kinh tế và thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG).

KHÁCH MỜI TỌA ĐÀM

Ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

TS Lại Văn Mạnh, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Ông Nguyễn Như Hạnh, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Quảng Ninh.

Bà Lưu Thị Thanh Chi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội.

Bà Lê Thị Hoài Thương, Giám đốc truyền thông và đối ngoại cấp cao của Tập đoàn Nestle Việt Nam

MỚI - NÓNG