Hội thảo thu hút hàng trăm nhà nghiên cứu, chuyên gia hàng đầu về khoa học lịch sử trong cả nước tham gia, đóng góp tham luận, nghiên cứu mới, tư liệu mới về cuộc kháng chiến diễn ra cách đây tròn 160 năm.
Ông Đặng Việt Dũng, Phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết: Cách đây 160 năm, liên quân Pháp – Tây Ban Nha đã nổ những phát súng đầu tiên xâm lược Việt Nam tại Đà Nẵng. Đà Nẵng trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước, thực hiện sự mệnh vệ quốc bằng những cuộc chiến oai hùng dưới các chân thành, đồn, bảo tại Cửa Hàn.
Với mục đích đánh chiếm Đà Nẵng để làm bàn đạp tấn công Huế, lật đổ nhà Nguyễn hòng xác lập chế độ đô hộ trên khắp nước ta, thực dân Pháp và Tây Ban Nha đã huy động một đội quân viễn chính hùng hậu, kỹ thuật chiến tranh hiện đại, thiện chiến để đánh vào Đà Nẵng. Suốt 18 tháng (kể từ ngày 1/9/1858 đến ngày 23/3/1860) liên quân Pháp – Tây Ban Nha đã liên tục mở các đợt tấn công để đánh chiếm, bình định và làm chủ Đà Nẵng.
Tuy nhiên với lòng dũng cảm mưu trí, sáng tạo, quân, dân Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng đã tích cực chiến đấu và làm thất bại kế hoạch đánh nhanh, thắng nhanh của quân xâm lược, buộc chúng phải rút ra khỏi Đà Nẵng trong cay đắng.
Quang cảnh hội thảo.
“Cuộc chiến tranh vệ quốc tại Đà Nẵng xứng đáng là biểu tượng sáng ngời cho tinh thần đoàn kết, ý chí chiến đấu đầy quả cảm của dân tộc Việt Nam trước đe dọa và tấn công của một liên minh tư bản thực dân mạnh nhất lúc bấy giờ. Đây cũng là lần đầu tiên, quân dân Việt Nam đối diện với các đế quốc phương Tây vượt trội hơn hẳn về trang bị vũ khí và tính chính quy… Tuy nhiên với tinh thần yêu nước nhân dân cả nước và Đà Nẵng đã sát cánh cùng quân đội triều đình, dưới sự lãnh đạo của vua Tự Đức, nhất là danh tướng Nguyễn Tri Phương đã từng bước làm vô hiệu hóa ý đồ xâm lược của liên quân Pháp – Tây Ban Nha”. Ông Dũng phát biểu, đồng thời mong muốn, qua hội thảo sẽ có thêm đánh gia chi tiết, toàn diện về sự kiện được xem là dấu mốc mở đầu lích sử Việt Nam thời cận đại. Từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu từ lịch sử để vận dụng vào tình hình mới của đất nước và của thành phố Đà Nẵng.
Bên lề hội thảo, trao đổi với phóng viên, nhà Sử học Dương Trung Quốc (Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội khoa học Lịch sử Việt Nam, cho biết: Câu chuyện của 160 năm trước nhắc nhở chúng ta rằng Đà Nẵng nói riêng và dải đất Việt Nam hướng ra biển Đông có vị trí địa chính trị, địa quân sự cực kỳ quan trọng. Sự kiện này cũng đánh dấu lần đầu tiên chúng ta hội nhập với thế giới ngoài Trung Hoa. Đất nước ta được đặt trong bàn cờ của các nước lớn và trải qua nhiều thử thách kể cả những cuộc kháng chiến trong thế kỷ 20. Từ cuộc kháng chiến chống liên quân Pháp – Tây Ban Nha, có sự liên tưởng của thử thách của 160 năm về trước và thử thách chúng ta đang phải đương đầu.
“Chúng ta chiến thắng trong trận đầu nhưng sau đó lại để thua trận. Trách nhiệm của triều Nguyễn và những bài học lịch sử để lại cho chúng ta là làm sao luôn phải cảnh giác, xây dựng khối đại đoàn kết của nhân dân, sự đồng lòng của nhân dân và nhà nước. Vai trò cũng như trách nhiệm của triều đình nhà Nguyễn với vận mệnh quốc gia, đây cũng là bài học sâu sắc cho thể chế chính trị của chúng ta hiện nay. Để chúng ta khỏi dẫm vào những sai lầm của quá khứ, để đứng trên vai tiền nhân bảo vệ và xây dựng đất nước”, ông Quốc cho biết.
Câu chuyện Đà Nẵng, đối xử với các di tích Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng: Có thời kỳ khủng hoảng giữa bảo tồn và phát triển. Tuy nhiên, thời gian gần đây thành phố đã quan tâm rất nhiều đến di tích. Ông Quốc dẫn chứng thành Điện Hải công trình phòng thủ gắn liền với sự kiện cách đây 160 năm, nay đã được công nhận Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt. Và Đà Nẵng là tấm gương sẵn sàng đầu tư để giải tỏa người dân khỏi khu vực thành Điện Hải, đầu tư tôn tạo để khắc phục sai lầm của quá khứ, tạo không gian tôn vinh một phần của giá trị lịch sử. Thành Điện Hải sẽ làm phong phú, nối dài hơn giá trị truyền thống.
“Lịch sử diễn ra một lần nhưng nhận thức là cả một quá trình. Chúng ta có thêm nhiều tư liệu lịch sử, nhiều cuộc khai quật, khảo cổ, có nhận thức mới và sẽ công bằng với lịch sử hơn, phục dựng gần với lịch sử vốn có. Đó là một quá trình”, ông Quốc nói và hi vọng sau hội thảo này nhiều di tích sẽ được quan tâm hơn nữa với một tiềm năng du lịch rất lớn của thành phố