Tình hình lây nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn đang là nỗi lo của nhiều người dân TP. Đà Nẵng. Trả lời ý kiến của cử tri, bà Trần Thanh Thủy, Giám đốc Sở Y tế TP. Đà Nẵng cho biết: Chính phủ đặt mục tiêu chấm dứt đại dịch HIV/AIDS ở nước ta vào năm 2030. Trong đó, giảm 90% trên 3 chỉ tiêu: giảm mắc mới, giảm tỉ lệ chuyển AIDS và giảm tỷ lệ tử vong.
Theo Giám đốc Sở Y tế TP. Đà Nẵng: So với các tỉnh thành, Đà Nẵng là một trong số địa phương thực hiện tốt việc kiểm soát HIV/AIDS. Tuy nhiên, hiện nay, sự dịch chuyển mô hình lây nhiễm đang là một khó khăn lớn trong việc ngăn ngừa.
“Trước đây, HIV chủ yếu lây nhiễm qua đường tiêm chích ma túy. Hiện nay, con đường lây nhiễm chủ yếu thông qua đường quan hệ tình dục, đây là con đường rất khó kiểm soát. Trong 10 tháng đầu năm 2024, Đà Nẵng phát hiện 171 ca nhiễm HIV mới. Trong đó, 100% lây nhiễm qua đường quan hệ tình dục, 30% lây nhiễm qua quan hệ đồng giới, 94% nằm trong nhóm từ 15 đến 49 tuổi”, bà Thủy cho biết.
Một buổi truyền thông, giáo dục phòng chống lây nhiễm HIV do CDC Đà Nẵng tổ chức. Ảnh: Mỹ Tâm. |
Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng cũng cho biết, theo chỉ đạo của Bộ y tế và cơ quan chuyên môn, TP. Đà Nẵng đang triển khai toàn diện các biện pháp phòng, chống lây nhiễm HIV. Bao gồm các biện pháp như đẩy mạnh thông tin truyền thông, giám sát dịch, các chương trình can thiệp giảm tác hại, chăm sóc cho bệnh nhân HIV/ AIDS.
Theo đó, chương trình can thiệp giảm tác hại đang tập trung vào nhóm đối tượng có nguy cơ cao. Trong đó, có nhóm quan hệ đồng giới, cũng như những nhóm có nguy cơ lây nhiễm qua đường quan hệ tình dục.
Đồng thời, cơ quan chức năng ngành y tế cũng đang áp dụng mô hình, kỹ thuật mới trong phát hiện sớm, ngăn ngừa lây nhiễm. Đơn cử như mô hình tư vấn xét nghiệm tự nguyện, tự xét nghiệm, mô hình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm và sau phơi nhiễm.
“Với việc triển khai mô hình mới, cùng với sự tham gia của cộng đồng xã hội hi vọng sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng lây nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn”, bà Thủy cho biết.
Ngoài ra, Đà Nẵng cũng đang tăng cường công tác truyền thông, giáo dục cho học sinh trong nhà trường. Đặc biệt, truyền thông giáo dục cho các học sinh cấp THPT, để dự phòng sớm những hành vi nguy cơ, nếu các em có hành vi nguy cơ thì được tiếp cận sớm với những dịch vụ dự phòng, để bảo vệ bản thân khỏi nguy cơ lây nhiễm.