Đa cấp lộng hành do quản lý thiếu trách nhiệm

TP - “Bộ máy quản lý nhà nước của chúng ta hiện có đầy đủ, từ bộ, ngành, chính quyền địa phương cho tới lực lượng thanh tra, công an, quản lý thị trường… thế mà lại để cho Cty Liên kết Việt lừa đảo suốt một năm trời, ở 27 tỉnh thành, với 60.000 nạn nhân… thì thật khó hiểu”, ông Nguyễn Văn Hiến, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, nói với Tiền Phong.

Chậm trễ trong xử lý vi phạm

Là người đã từng nhiều lần chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng về những vi phạm trong hoạt động kinh doanh, bán hàng đa cấp, ông nghĩ gì về trách nhiệm của cơ quan quản lý qua vụ Cty Liên kết Việt?

Tôi cho rằng, nguyên nhân chính là do lực lượng thực thi công vụ của chúng ta còn buông lỏng, thiếu trách nhiệm. Vi phạm của các Cty bán hàng đa cấp diễn ra trong thời gian dài nhưng các lực lượng chức năng chẳng chịu thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn và xử lý. Điển hình như trong vụ việc xảy ra ở Cty Liên kết Việt, ai cũng thấy đó là một hiện tượng kinh doanh rất bất bình thường. Thế mà Bộ Công Thương, chính quyền địa phương các cấp, lực lượng thanh tra, công an...  lại rất chậm trễ vào cuộc để cho công ty trên đã lừa đảo được đến 60 nghìn người, ở 27 tỉnh, thành, với trên 1.900 tỷ đồng.

Tuy nhiên, có ý kiến nói rằng, việc Cty Liên kết Việt lừa đảo được nhiều như thế cũng là do lòng tham của người dân?

Tôi buồn và suy nghĩ nhiều khi thấy có những ý kiến như thế. Chúng ta phải hỏi: Đã bao giờ cơ quan quản lý nhà nước đưa ra những cảnh báo, cũng như những biện pháp ngăn chặn, bảo đảm an toàn cho người dân? Nó làm rầm rộ như thế tại sao các lực lượng chức năng lại không biết? Ta có bộ máy khổng lồ, nhưng hiệu lực quản lý thì lại quá yếu. Quản lý nhà nước nếu có trách nhiệm, khi thấy một hiện tượng xã hội không bình thường như thế thì phải vào cuộc, làm rõ xem đúng, sai ngay từ đầu, chứ để hậu quả xảy ra vô cùng lớn rồi mới vào cuộc là không thể chấp nhận được.

Hoạt động của Cty Liên kết Việt rất rầm rộ, diễn ra trên diện rộng, chứ không phải là “cái kim trong bọc” mà lại không biết thì thật lạ. Hơn nữa, vụ việc đã được báo chí phản ánh từ lâu, đại biểu Quốc hội cũng lên tiếng chất vấn trước nghị trường trong đó khẳng định đó là những hành vi lừa đảo, chứ không phải là kinh doanh đúng pháp luật? Thế mà lại không ngăn chặn, không xử lý ngay từ đầu để rồi hậu quả đến giờ là vô cùng lớn.

Đa cấp lộng hành do quản lý thiếu trách nhiệm ảnh 1

ông Nguyễn Văn Hiến, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.

Làm rõ trách nhiệm các “mối quan hệ”

Cty Liên kết Việt từng bị Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công Thương xử phạt 570 triệu đồng. Nhiều ý kiến cho rằng, lẽ ra đơn vị trên phải chuyển hồ sơ sang cho cơ quan Công an thì đã ngăn chặn và xử lý được sớm?

Không chỉ là lỗi của Bộ Công Thương mà còn có lỗi của nhiều đơn vị khác. Nếu phát hiện sai phạm nghiêm trọng thì phải phạt tiền, rút giấy phép kinh doanh. Nhưng ở đây anh chỉ phạt tiền nên người ta cứ tiếp tục làm, tiếp tục vi phạm. Nếu chuyển sớm hồ sơ sang cho công an xử lý thì có lẽ hậu quả đã không lớn đến thế.

Ông nghĩ sao khi có nhiều ý kiến cho rằng, Cty Liên kết Việt dễ dàng lừa đảo được nhiều người dân do đã lợi dụng danh nghĩa của nhiều cơ quan nhà nước, trong đó có Bộ Quốc phòng và một số tướng, tá đã nghỉ hưu?

Hôm trước tôi đọc thì thấy một nạn nhân nói rằng, đến Cty đa cấp thấy thủ trưởng của mình ở đó nên tin và nộp tiền tham gia. Vì vậy, cần làm rõ những người đó bị lợi dụng hay cố ý xuất hiện ở đó? Cũng phải làm rõ mối “quan hệ” giữa các chi nhánh của Cty Liên kết Việt với chính quyền địa phương các cấp có vấn đề gì không.

Qua vụ việc trên, tôi nghĩ Bộ Công Thương nên tiến hành thanh tra, kiểm tra đồng loạt các Cty bán hàng đa cấp trong cả nước. Qua đó kịp thời chấn chỉnh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các đơn vị có dấu hiệu vi phạm. Đơn vị nào sai phạm phải rút giấy phép, xử lý hình sự ngay, chứ không thể nương nhẹ.

Cảm ơn ông.

Phản ứng chậm chạp, xử lý mờ nhạt

Bức xúc trước việc đa cấp lộng hành, lừa đảo khiến nhiều em sinh viên bỏ học, một số cặp vợ chồng ly hôn, thậm chí đã có vụ tự tử vì dính vào đa cấp, tại kỳ họp thứ 10 vừa qua. Đại biểu Nguyễn Văn Hiến (Ủy ban Tư pháp của Quốc hội) khẳng định: Việc các Cty bán hàng đa cấp sử dụng hình ảnh của những nhân vật quan trọng trong các lễ khai trương, lễ tổng kết, bằng việc lập lờ mạo danh các cơ quan nhà nước là sai. “Tôi thấy sự phản ứng rất chậm chạp. Vai trò quản lý, xử lý mờ nhạt. Đề nghị Bộ trưởng xác định nguyên nhân, giải pháp để giải quyết tệ nạn này”, ông Hiến chất vấn.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận, thời gian vừa qua có một số doanh nghiệp không phải là doanh nghiệp được phép kinh doanh theo phương thức bán hàng đa cấp nhưng sử dụng mô hình trả thưởng theo đa cấp để kinh doanh, thậm chí huy động vốn để lừa đảo người tham gia và người tiêu dùng. Mô hình kinh doanh sai phạm này đã được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng và gây bức xúc cho cộng đồng. Tức là kinh doanh bán hàng đa cấp không được phép để trục lợi. Chẳng hạn Cty cổ phần đầu tư Thiện Phước, MB 24 đã được báo chí nêu nhiều…

Văn Kiên

MỚI - NÓNG
Becamex IDC thế chấp 19 lô đất
Becamex IDC thế chấp 19 lô đất
TPO - Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex IDC - mã chứng khoán: BCM) vừa duyệt phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ năm nay với tổng giá trị tối đa theo mệnh giá là 1.080 tỷ đồng nhằm cơ cấu lại nợ, tài sản bảo đảm cho lô trái phiếu là 19 thửa đất tại Bình Dương.