Chương trình Người kết nối với sự dẫn dắt của MC Cát Tường vừa trở lại với phiên bản talkshow online. Lần trở lại này, chương trình kết nối đến Nhật Bản để gặp gỡ Nguyễn Hải Anh Tuấn (32 tuổi).
Từng đạt thành tích cao nhất tại cuộc thi tháng Đường lên đỉnh Olympia năm 2006
Anh Tuấn hiện là CEO của một công ty quản lý trang mạng xã hội kết nối cộng đồng Việt - Nhật. Anh hỗ trợ người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản cũng như tiếp nhận, truyền thông nguồn thông tin của chính phủ, đại sứ quán Nhật Bản đến người Việt tại đất nước này.
Bên cạnh đó, Anh Tuấn cũng là một trong ba đồng sáng lập một công ty về công nghệ thông tin tại Hà Nội. Gặt hái nhiều thành công khi tuổi đời còn khá trẻ, Anh Tuấn được nhiều người ngưỡng mộ. Tuy nhiên, ít ai biết, anh đi lên từ con số 0 và phải đánh đổi nhiều điều quý giá.
Tại quê nhà Đắk Nông, Anh Tuấn sớm được nhiều người biết đến khi đạt thành tích cao nhất tại cuộc thi tháng của chương trình Đường lên đỉnh Olympia năm 2006. Sau khi đậu đại học Bách Khoa TP.HCM, anh được chọn vào lớp kỹ sư tài năng của trường.
|
Tại TP.HCM, Anh Tuấn nỗ lực không ngừng để cùng một lúc nhận được 2 học bổng của Nhật Bản và Singapore. Sau nhiều đắn đo, chọn lựa, Tuấn quyết định chọn sang Nhật Bản du học.
Anh Tuấn nói: “Tôi thích sang Singapore hơn nhưng học bổng của Nhật là 100%. Tôi chỉ việc học và không phải lo lắng chuyện ăn, ở. Gia đình tôi cũng không khá giả nếu sang Nhật Bản học, tôi sẽ đỡ đần được rất nhiều cho ba mẹ. Thế là tôi quyết định sang Nhật Bản du học”.
|
19 tuổi, Tuấn một mình sang Nhật với những ước mơ, hoài bão về một tương lai tươi sáng, đổi đời cho bản thân và gia đình. Thế nhưng, khi đặt chân đến “đất nước mặt trời mọc”, Tuấn nhanh chóng vỡ mộng.
Tuấn sang Nhật mà không có đồng hương hay mối liên kết nào khác. Vùng anh học đại học cũng ít người Việt và xa trung tâm. Thế nên việc hòa nhập với cộng đồng là cả một vấn đề đối với cậu sinh viên trẻ tuổi. Thời điểm này, mọi thứ đều không như Tuấn suy nghĩ, mong muốn.
Chấp nhận đánh đổi để thành công
“Rất nhiều lần, tôi cảm thấy hối hận rồi nản chí sau khi đến Nhật Bản du học. Tôi từng nghĩ, ở Việt Nam, tôi cũng học rất tốt nên đáng ra sẽ làm được gì đó. Nhưng khi sang Nhật, có giai đoạn tôi mù mờ, không biết tương lai mình sẽ như thế nào”, Tuấn chia sẻ.
Khi còn đang loay hoay tìm cách hòa nhập, thoát khỏi những thất vọng, chán nản, chàng sinh viên trẻ tiếp tục đón nhận cú sốc tinh thần. Từ quê nhà, anh nhận tin bố bị bệnh khiến gia đình anh ở Việt Nam vốn khó khăn nay càng thắt ngặt.
Để phụ giúp gia đình, Tuấn bắt đầu đi làm thêm. Mỗi ngày, sau giờ lên giảng đường, Tuấn lại đi bưng bê, khuân vác hàng, làm việc văn phòng để có thêm tiền. Tuy nhiên, khó khăn ấy khiến anh thấu hiểu và đồng cảm hơn với những người Việt Nam đang tìm kiếm cơ hội nơi xứ người.
Đó cũng là động lực để Tuấn thành lập công ty nhằm hỗ trợ thêm nhiều người Việt trên đất Nhật. Sau vài năm hoạt động, công ty dần có chỗ đứng, tiếng nói trong cộng đồng Nhật Bản. Công ty cũng được chính phủ nước này công nhận, hợp tác.
Để có thành công này, Tuấn đã đánh đổi nhiều thứ, trong đó có việc anh “quên mất gia đình”. Xa nhà 12 năm, Tuấn chỉ về thăm gia đình được đôi lần. Anh bận và ham làm đến nỗi thời gian gọi điện về thăm nhà cũng ngắn ngủi, chóng vánh.
|
“Cái tôi hối tiếc nhất là dành thời gian cho gia đình ít quá. Sang Nhật 12 năm, có những lúc tôi lấy lý do bận việc, bận học mà quên mất gia đình, quên bố mẹ, quên ông bà, quên họ hàng. 12 năm qua, tôi chưa đón Tết ở nhà lần nào”, Tuấn nói.
Sau chia sẻ ấy, chương trình đã bí mật liên hệ với bố mẹ của Anh Tuấn. Bất ngờ gặp bố mẹ trên sóng trực tuyến, Anh Tuấn hết sức ngỡ ngàng, xúc động. Trong khi đó, nghe con trai chia sẻ từng rơi vào hoàn cảnh tuyệt vọng nhưng luôn giấu kín vì sợ gia đình buồn lo, cha mẹ Tuấn rưng rưng nước mắt.
Tại chương trình, Tuấn bật mí với bố mẹ rằng đang chuẩn bị mua nhà và sẽ cố gắng kết hôn, "sinh cháu cho ông bà". Anh cũng hứa sẽ sớm trở về Việt Nam thăm gia đình và nỗ lực ổn định cuộc sống để bố mẹ an tâm an hưởng tuổi già.
Link gốc: https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/gioi-tre/cuu-thi-sinh-duong-len-dinh-olympia-vo-mong-khi-du-hoc-nhat-ban-785165.html