Thách thức tuy là sức ép trực tiếp nhưng sức ép đến đâu còn tùy vào phản ứng của chúng ta. Nếu không nhấn mạnh điều này thì sẽ vỡ mộng, hoặc bi quan quá mức. “Tôi cũng lo cho doanh nghiệp, nhưng tôi lo cho Nhà nước nhiều hơn bởi doanh nghiệp chịu sức ép của cạnh tranh thì phải vươn lên, có anh sẽ chết có anh trưởng thành, song bộ máy Nhà nước trì trệ thì rất nguy hiểm”, ông Tuyển nói.
So sánh với việc gia nhập WTO, ông Tuyển cho rằng, hiện có quá nhiều số liệu cho rằng gia nhập TPP sẽ giúp xuất khẩu tăng, GDP cũng tăng theo. Điều đó có thể không sai nhưng nhược điểm là kinh tế lượng không phản ánh được những biến động trên thị trường thế giới, không phản ánh được thái độ của Chính phủ như thế nào. Nếu phản ứng chính sách tốt, mức tăng còn có thể nhiều hơn điều chúng ta nói.
“Ngày nay, chúng ta sống trong cảm xúc quá nhiều, giống như WTO đã từng tạo ra trào lưu cảm xúc. Phải hết sức bình tĩnh, không nên sống nhiều quá vào cảm xúc. Cơ hội của xuất khẩu là có nhưng quan trọng có tận dụng được hay không. Sau TPP, rất có khả năng nhập siêu trong thời gian đầu tăng, nhưng không phải xấu.
Khi gia nhập WTO năm 2007, số vốn đầu tư nước ngoài đăng ký tăng vọt lên 64 tỷ USD, gấp 3 lần 2006. Vốn đăng ký mạnh hơn thì họ phải triển khai dự án và lúc bấy giờ nhập siêu có thể tăng. Sau này, nếu phát triển sản xuất thì tôi tin xuất khẩu sẽ tăng lên”, ông Tuyển đánh giá.