Cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn nói lời sau cùng

TPO - Ngày 24/12, tại TAND TP Hà Nội, ông Nguyễn Bắc Son (SN 1953) – nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cùng 13 bị cáo khác được nói lời sau cùng trước khi Hội đồng xét xử nghị án vụ mua AVG. Ấn F5 để cập nhật...

Ông Nguyễn Bắc Son xin lỗi vì thay đổi lời khai về 3 triệu USD

Mở đầu lời nói sau cùng, bị cáo Nguyễn Bắc Son cho biết đã nhận rõ sai phạm của người đừng đầu và thấy đây là bài học vô cùng đắt giá trong cuộc đời. “Hơn 45 năm chiến đấu, công tác của tôi đã bị trả giá đắt, thậm chí còn phải trả bằng cả sinh mạng như bản luận tội của viện kiểm sát” – ông Son nói.

Bị cáo này cũng xin lỗi vì đã thay đổi lời khai tại phiên tòa trong ngày 17/12 (lúc đó, ông Son nói không nhận hối lộ và sau lại nói có nhận nhưng không đưa tiền cho con gái) và khẳng định bản thân đã: “Nhất thời không vượt qua được chính mình”.

Cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn nói lời sau cùng ảnh 1 Ông Nguyễn Bắc Son trong phiên tòa sáng nay 24/12.

Thừa nhận “những tham vọng của bản thân đã gây bức xúc”, ông Son xin gửi lời xin lỗi chân thành nhất đến Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đảng, Nhà nước, nhân dân và tập thể ngành thông tin truyền thông.

Bị cáo này cũng cảm ơn cơ quan điều tra, VKSND Hà Nội đã giúp ông nhận ra rõ những những sai phạm, trách nhiệm của mình. Ông cho hay quá trình điều tra có 2 lần bị ngất ở bàn làm việc, trong đó một lần ngất đi 3 ngày mới tỉnh lại do nhồi máu cơ tim nhưng đã được cơ quan điều tra đưa đi cấp cứu kịp thời nên hôm nay xin gửi lời cảm ơn.

Cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn nói lời sau cùng ảnh 2 Bị cáo Nguyễn Bắc Son trình bày tại tòa hôm 16/12.

Về phần vụ án, bị cáo Nguyễn Bắc Son cho rằng Mobifone là doanh nghiệp cung cấp viễn thông đầu tiên của nhà nước và đứng đầu trong việc góp ngân sách cho nhà nước. Trong nửa triệu doanh nghiệp, mỗi nhân viên của Mobifone hàng năm đóng góp 1,5 tỷ đồng cho ngân sách. Thành công này là do đội ngũ cán bộ chủ chốt mà đang ở phòng xét xử này gây dựng lên.

Trước khi vào trại T16, ông Son biết được ông Phạm Nhật Vũ đã tích cực khắc phục hậu quả cho vụ án và khi đọc cáo trạng ông còn biết cựu chủ tịch AVG còn có nhiều công lao cho Giáo hội Phật giáo nước nhà. Ông còn hiểu thêm ông Vũ còn có đóng góp cho ngoại giao nước nhà, duy trì sự phát triển quan hệ của Việt Nam với Nga, Ấn Độ và các nước khác. Cá nhân bị cáo đề nghị HĐXX khoan hồng cho Phạm Nhât Vũ”.

Cuối cùng, ông Son xin phép dẫn lời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu cuối năm 2018, trước khi họp quốc hội về khắc phục hậu quả trong vụ án này. Bị cáo trình bày: “Tổng bí thư đã nói rằng người ta đã trả rồi thì tha cho người ta”. Theo ông Son lời nói của Tổng bí thư nghĩa là trong vụ án kinh tế thì việc thu hồi tài sản cho nhà nước là quan trọng nhất. Như vậy cơn bão đi qua, căn nhà Mobifone có thể xiêu vẹo nhưng “két tiền” vẫn còn. Cũng vì vậy, bị cáo Son đề nghị HĐXX chấp nhận lời xin giảm án của các bị cáo Trương Minh Tuấn, Phạm Đình Trọng, Lê Nam Trà, Cao Duy Hải...

Bị cáo Trương Minh Tuấn nhận thấy: 'Sai phạm của tôi như một nhát chém'

Tiếp đến, bị cáo Trương Minh Tuấn xin cảm ơn tòa vì đã cho nói lời sau cùng. Bị cáo này chia sẻ: “Sau nhiều năm công tác, chưa bao giờ nghĩ rằng mình lại phải có ngày, có kết cay đắng như hôm nay, phải đứng trước tòa nói lời sau cùng tại phiên tòa với bản án sẽ dành cho sắp tới”.

Ông Tuấn thừa nhận sai phạm và cho rằng việc này được cơ quan điều tra, truy tố làm rõ. “Tôi thấy rằng, trách nhiệm, sai phạm của mình thật là lớn. Sai phạm của mình đã được viện kiểm sát nêu lên trong cáo trạng, phiên tòa làm rõ hơn và như nhát dao, nhát chém để lại vết sẹo cho mình, trong tâm hồn tôi cho đến hết cuộc đời” – cựu Bộ trưởng nói.

Cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn nói lời sau cùng ảnh 3 Bị cáo Trương Minh Tuấn trong ngày đầu mở tòa.

Bị cáo Tuấn cho rằng, những sai phạm của mình rất rõ và ngẫm lại, con người không phải là thánh nhân nên không thể tránh khỏi sai phạm. Những sai phạm của mình thật là nặng nề, đáng trách.

Bị cáo nói: “Phải đối diện với mức án sắp tới tôi thấy thật là xứng đáng dù chưa biết sẽ dành cho tôi như thế nào. Đề nghị của viện kiểm sát cũng đã có sự khoan hồng với từng bị cáo trong đó, có cá nhân tôi”.

Bị cáo Phạm Thị Phương Anh – nguyên Phó Tổng GĐ Mobifone trình bày đã thừa nhận sai phạm của mình trong suốt thời gian gần 1 năm bị tạm giam điều tra.

Bị cáo Phương Anh cảm ơn điều tra viên, kiểm sát viên đã đối xử rất có tình người với bà và cảm ơn tới cán bộ, chiến sỹ trại tạm giam T16 đã kịp thời khám chữa bệnh để bị cáo có sức khỏe như hôm nay. Bị cáo Phương Anh cũng gửi lời cảm ơn bị cáo Phạm Nhật Vũ vì tự nguyện chấm dứt hợp đồng, chuyển trả số tiền gần 8.900 tỷ cho Mobifone.

Cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn nói lời sau cùng ảnh 4 Cựu phó tổng giám đốc MobiFone Phạm Thị Phương Anh tại tòa.

Cựu Phó Tông GĐ Mobifone mong muốn HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho mình: “Tôi có một nguyện vọng và có lẽ đây cũng là ước mơ cuối cùng của cuộc đời tôi, đó là HĐXX không tiếp tục cách ly tôi ra khỏi xã hội nữa. Để cho tôi có cơ hội được chữa bệnh, được thực hiện nốt ước nguyện cuối cùng của tôi cũng như để sửa chữa được những sai lầm của mình".

Bị cáo Phan Thị Hoa Mai - nguyên Thành viên HĐTV Mobifone đã khóc khi nói lời sau cùng. Bị cáo này cho rằng, việc phải ra tòa là sự đau xót, nỗi nhục nhã của bản thân, gia đình, thậm chí ảnh hướng rất xấu tới chồng con, bố mẹ chồng đã hơn 80 tuổi.

 Nữ bị cáo này chia sẻ, con gái lớn của bà đang mang bầu tháng thứ 8 đã bỏ bữa, ảnh hưởng đến sức khỏe khi nghe thông tin mẹ bị đề nghị mức án. Con trai bà đang học cấp 3 cũng giảm sút lực học do mẹ vướng vòng lao lý.

Cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn nói lời sau cùng ảnh 5 Bị cáo Phan Thị Hoa Mai (sinh năm 1966, thành viên Hội đồng thành viên MobiFone) khai báo trước tòa. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN).
Bị cáo nói nói: “Tôi đau xót lắm, con cái là tương lai của cha mẹ. Tôi đã vô tình làm ảnh hưởng đến các con”.

Trong phần lời nói sau cùng hôm nay, bị cáo Phạm Nhật Vũ tiếp tục xin vắng mặt tại tòa. Chủ tọa cho biết sẽ tiến hành nghị án và ra phán quyết sơ thẩm vào 9h ngày 28/12.

Trước đó, VKSND TP Hà Nội xác định năm 2015, 14 bị cáo trong vụ đã tiến hành dự án cho Mobifone mua 95% cổ phần của AVG với giá hơn 8.445 tỷ đồng. Thương vụ mua bán này trái quy định, gây thiệt hại hơn 6.590 tỷ đồng.

Khi thương vụ thành công, bị cáo Phạm Nhật Vũ (SN 1973) – Chủ tịch HĐQT AVG đã “cảm ơn” ông Nguyễn Bắc Son 3 triệu USD, Trương Minh Tuấn (SN 1960) – nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT (thời điểm phạm tội là Thứ trưởng) 200 nghìn USD, Lê Nam Trà (SN 1961) – nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) Mobifone 2,5 triệu USD và Cao Duy Hải (SN 1961) – nguyên Tổng GĐ Mobifone 500 nghìn USD.

Kiểm sát viên đánh giá, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận quan tâm. Hành vi phạm tội của các bị cáo là hành vi suy thoái của một bộ phận cán bộ công chức, tham nhũng, gây thiệt hại cho Nhà nước...

Việc đưa vụ án ra xét xử thể hiện sự không có vùng cấm, dù người vi phạm là ai, thể hiện quyết tâm đấu tranh chống tham nhũng.

F5 để tiếp tục cập nhật...

Kiểm sát viên đề nghị tòa tuyên phạt Nguyễn Bắc Son mức án 16 – 18 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” và tử hình về tội “Nhận hối lộ”, tổng hợp hình phạt là tử hình.

Bị cáo Trương Minh Tuấn cũng bị đề nghị nhận mức án từ 6 – 7 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”, từ 8 – 9 năm tù về tội “Nhận hối lộ”, tổng hợp hình phạt từ 14 – 16 năm tù.

Tiếp đến, bị cáo Lê Nam Trà bị đề nghị nhận từ 7 – 8 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” và 16 – 17 năm tù về tội “Nhận hối lộ”, tổng hợp từ 23- 25 năm tù.

Bị cáo Cao Duy Hải (SN 1961) – nguyên Tổng GĐ Mobifone nhận từ 4- 5 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”, 10 – 11 năm tù về tội “Nhận hối lộ”, tổng hợp hình phạt từ 14- 16 năm tù.

Nhóm các lãnh đạo Bộ TT&TT, Cty Mobifone và Cty thẩm định giá AMAX bị kiểm sát viên đề nghị tòa tuyên phạm tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” và phải nhận hình phạt tương ứng.

Cụ thể, Phạm Đình Trọng (SN 1970) - nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp Bộ TT&TT nhận từ 5- 6 năm tù; Phan Thị Hoa Mai (SN 1966) và Hồ Tuấn (SN 1965) – cùng nguyên Thành viên HĐTV Mobifone nhận tương tứng từ 3 năm – 3 năm 6 tháng tù và 2 năm 6 tháng đến 3 năm tù.

Tiếp đến, các bị cáo Nguyên là Phó tổng GĐ Mobifone cũng bị đề nghị nhận án tù gồm Phạm Thị Phương Anh (SN 1975), Nguyễn Mạnh Hùng (SN 1969), Nguyễn Bảo Long (SN 1972) cùng mức 2 năm 6 tháng đến 3 năm tù; Nguyễn Đăng Nguyên (SN 1976) nhận từ 2 năm đến 2 năm 6 tháng tù.

Bị cáo Võ Văn Mạnh (SN 1976) - GĐ Cty TNHH Tư vấn đầu tư và thẩm định AMAX bị đề nghị nhận 4 – 5 năm tù; Hoàng Duy Quang (SN 1983) - Thẩm định viên của AMAX nhận từ 3 – 4 năm tù.

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.