Cưỡng chế hơn 16,7 tỷ đồng của Cty Giày Sài Gòn

Cưỡng chế hơn 16,7 tỷ đồng của Cty Giày Sài Gòn
Chi cục thuế quận 10 – TP Hồ Chí Minh yêu cầu CTCP giày Sài Gòn cung cấp thông tin tài khoản tại kho bạc, ngân hàng thương mại để thực hiện quyết định cưỡng chế thu hồi 16,7 tỷ đồng tiền nợ thuê đất, tiền phạt và chậm phạt nộp.

Chi cục thuế Quận 10 (TP Hồ Chí minh) vừa ban hành thông báo số 1246/TB-CCT về số tiền nợ thuê đất, tiền phạt và tiền chậm nộp của CTCP Giày Sài Gòn tính đến ngày 31/08/2016 lên tới con số 16,7 tỷ đồng.

Theo thông báo của chi cục thuế quận 10, CTCP Giày Sài Gòn đã không nộp tiền thuê đất trong khoảng thời gian dài. Nhiều khoản trong số tiền nợ ngân sách của CTCP Giày Sài Gòn đã quá hạn từ 1-2 năm (hạn nộp nợ gốc từ tháng 10/2014 đến nay vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ nộp NSNN).

Tổng số tiền quá hạn nộp phải thực hiện cưỡng chế nợ thuế của CTCp Giày Sài Gòn là 16,45 tỷ đồng cho các khoản nợ đã quá hạn 90 ngày.

Điều đáng lưu ý, số tiền nợ thuế trên còn lớn hơn cả tổng số vốn điều lệ (vốn góp của cổ đông) mà CTCP Giày Sài Gòn đang có, chưa kể tình hình kinh doanh của công ty vô cùng bết bát, lỗ lũy kế tính đến hết năm 2015 là 28,14 tỷ đồng.

Mới đây nhất, ngày 10/10/2016, nhằm thực hiện quyết định cưỡng chế nộp thuế trên, chi cục thuế Quận 10 đã tiếp tục gửi công văn yêu cầu CTCP Giày Sài Gòn cung cấp thông tin về tài khoản tiền gửi tại kho bạc nhà nước/ ngân hàng thương mại/ tổ chức tín dụng và sao kê các giao dịch trong vòng 3 tháng gần nhất.

Chi cục thuế quận 10 cho biết nếu trong thời hạn 3 ngày (từ ngày 10/10 đến ngày 13/10/2016), nếu CTCP Giày Sài Gòn không cung cấp thông tin đầy đủ thì cơ quan thuế sẽ thực hiện phong tỏa tài khoản của doanh nghiệp và chuẩn bị tiến hành các biện pháp cưỡng chế tiếp theo theo quy định của pháp luật.

Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016 của Giày Sài Gòn cũng đã đưa ra phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ tăng gấp đôi vốn điều lệ từ 16 tỷ lên 32 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền dự kiến thu được sẽ dành để xử lý các khoản nợ thuế nhà đất, nợ vay ngân hàng và trợ cấp mất việc, thôi việc cho người lao động.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại chỉ còn hơn 2 tháng nữa sẽ kết thúc năm tài chính 2016, kế hoạch huy động vốn của Giày Sài Gòn vẫn “bặt vô âm tín”, cơ quan thuế đã ra quyết định cưỡng chế nộp thuế.

Trước đó, đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính năm 2015 của Giày Sài Gòn đã phải đưa ra ý kiến nhấn mạnh về khoản lỗ lũy kế làm cho nguồn vốn chủ sở hữu bị âm, các chỉ số về cơ cấu nguồn vốn và khả năng thanh toán (khả năng dùng tài sản để thanh lý các khoản nợ ngắn hạn trong trường hợp giải thể công ty) đều nhỏ hơn 1.

Các vấn đề này có thể gây nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp này trong thời gian tới.

Nguy cơ phá sản là trường hợp có thể sẽ phải tính đến khi năm 2016, công ty dự kiến tiếp tục lỗ thêm 29,6 tỷ đồng, nâng mức lỗ lũy kế hết năm nay lên mức 57,8 tỷ - cao hơn cả khối tài sản mà Giày Sài Gòn đang quản lý.

Trong trường hợp xấu xảy ra, với các tỷ lệ về khả năng thanh toán đều dưới 1, tổng tài sản của Giày Sài Gòn cũng không đủ bù đắp các khoản nợ công ty đang gánh chịu.

Đứng trước tình hình trên, ban điều hành Giày Sài Gòn vẫn tiếp tục hy vọng tái cơ cấu công ty mặc dù đã ngừng các hoạt động sản xuất từ tháng 2/2016.

ĐHĐCĐ bất thường ngày 25/3/2016 đã thông qua định hướng ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh túi xách và giày nữ thời trang, thay vào đó là tăng cường cho thuê mặt bằng trống (hiện công ty đã cho thuê mặt bằng thời hạn 5 năm và tiếp tục triển khai cho thuê các phần còn lại).

Đây có thể là lối thoát duy nhất của Giày Sài Gòn trong tình thế “ngàn cân treo sợ tóc’ này nhưng một báo cáo về kết quả kiểm tra hoạt động CTCP Giày Sài Gòn của UBND quận 10 – TP Hồ Chí Minh đã gần như dập tắt “ánh sáng cuối đường hầm”.

Cụ thể, UBND quận 10 cho biết CTCP Giày Sài Gòn đã vi phạm hàng loạt quy định về cải tạo, sửa chữa công trình không phép, tự ý cho thuê tài sản gắn liền với đất được Nhà nước cho thuê thu tiền thuê đất hàng năm, vi phạm luật đất đai năm 2013 và nghị định 102/2014/NĐ-CP.

Trong đó, hoạt động của công ty TNHH Thành Bười – đối tác trong hợp đồng hợp tác kinh doanh với CTCP Giày Sài Gòn thuê lại phần đất số 419 đường Lê Hồng Phong, phường 2, quận 10 cũng là các hoạt đông vi phạm quy định nhà nước khi dùng khu đất này lập bến xe trái phép.

UBND quận 10 cho rằng  CTCP Giày Sài Gòn ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với công ty TNHH Thành Bưởi là sai với quy hoạch được phê duyệt.

UBND quận 10 đã kiến nghị UBND thành phố xem xét chấm dứt cho thuê đất, thu hồi diện tích đất 10.936 m2 cho UBND quận để xây dựng trường THCS đạt chuẩn.

Đối với quyết định cưỡng chế nộp 16,7 tỷ đồng tiền thuế của chi cục thuế quận 10, CTCP giày Sài Gòn khó có thể thực hiện nghĩa vụ đối với nhà nước khi lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng cuối năm 2015 chỉ còn chưa đầy 1,5 tỷ đồng. Tài sản nằm chủ yếu ở khoản mục nợ phải thu khách hàng, trong đó Công ty TNHH Thành Bưởi – đơn vị thuê đất trái quy định làm bến xe “dù” cũng đang nợ Giày Sài Gòn số tiền 323 triệu đồng thời điểm cuối năm 2015.

Theo Theo Pháp luật VN
MỚI - NÓNG