Sáng 13/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT chủ trì họp phiên thứ 6 của Ban Chỉ đạo nhằm kiểm tra, đôn đốc các công việc sau phiên họp lần thứ 5 và bàn các giải pháp, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 đã nêu rõ yêu cầu ưu tiên hơn cho thúc đẩy tăng trưởng. Trong đó, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công để dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn vốn ngoài Nhà nước, từ đó tạo công ăn, việc làm, sinh kế cho người dân, tạo không gian, động lực phát triển mới, thúc đẩy tăng trưởng, giảm chi phí logistics, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp và hàng hóa Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc phiên họp. Ảnh: Nhật Bắc |
Theo Thủ tướng, nguồn vốn cho GTVT chiếm tỉ lệ lớn (riêng vốn Trung ương khoảng 711.000 tỷ đồng), nên các bộ, ngành, địa phương cần phát huy tinh thần trách nhiệm, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, tự lực, tự cường, "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể", "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm" để triển khai các công việc.
Không đùn đẩy, né tránh
Theo báo cáo của Bộ GTVT tại cuộc họp, thời gian qua Bộ đã thường xuyên kiểm tra hiện trường, đôn đốc, chỉ đạo các chủ đầu tư, các nhà thầu tổ chức thi công "3 ca 4 kíp", khắc phục mọi khó khăn, đẩy nhanh tiến độ để đưa vào khai thác 4 dự án thành phần (cao tốc Mai Sơn-Quốc lộ 45, Nha Trang-Cam Lâm, Vĩnh Hảo-Phan Thiết, Phan Thiết-Dầu Giây) thuộc cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 với chiều dài 312 km trong quý II/2023.
Dự kiến đến cuối năm 2023 sẽ hoàn thành 4 dự án cao tốc với tổng chiều dài 123 km, nâng tổng số đường cao tốc của cả nước lên 1.852 km.
Hiện 14 địa phương có 3 dự án cao tốc Đông-Tây và 2 đường vành đai đã triển khai GPMB đáp ứng tiến độ khởi công, trong đó một số địa phương triển khai tốt như Hà Nội, Đồng Nai, Hậu Giang và TPHCM đạt trên 85%; đang tích cực triển khai GPMB phần còn lại để hoàn thành trước 31/12/2023.
Tỉnh Đồng Nai đã bàn giao 4.860/4.946 ha (98%) diện tích của dự án Cảng hàng không Long Thành. TPHCM đã phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng để hoàn thành công tác GPMB dự án nhà ga T3 Cảng hàng không Tân Sơn Nhất.
Hà Nội và TPHCM đã hoàn chỉnh điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án đường sắt đô thị; đang triển khai thi công, phấn đấu khai thác 2 tuyến (đoạn trên cao tuyến Nhổn-ga Hà Nội; tuyến Bến Thành-Suối Tiên) vào cuối năm 2023 và đầu năm 2024.
Với khối lượng công việc lớn, Ban Chỉ đạo đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần tích cực, quyết liệt hơn nữa, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; giảm bớt các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian triển khai, kiên quyết thực hiện nguyên tắc giải quyết công việc theo đúng thẩm quyền, không đùn đẩy, không né tránh.