Cuối cùng 'Kiều' cũng tới Nga

Lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội tặng hoa nhóm dịch giả Truyện Kiều, đứng giữa là Vasili Popov. Ảnh: N.M.Hà.
Lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội tặng hoa nhóm dịch giả Truyện Kiều, đứng giữa là Vasili Popov. Ảnh: N.M.Hà.
TP - Lễ ra mắt tác phẩm Truyện Kiều dịch ra tiếng Nga diễn ra chiều 6/11 tại hội trường Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội được dịch giả Thúy Toàn miêu tả là “ngày hội”.

Quả thực, khán phòng đông nghịt. Sách được NXB Khoa học Xã hội in 5.000 bản song ngữ Việt Nga, thì 500 cuốn đã mang đến tặng khách dự lễ. Một số người tranh thủ nhét dăm cuốn vào túi, BTC lại phải bổ sung mấy thùng nữa.

Truyện Kiều từng hai lần được dịch sang tiếng Nga nhưng đều dang dở hoặc dịch nghĩa, trích đoạn phục vụ nghiên cứu, giảng dạy. Đây là lần đầu tiên Kiều được dịch trọn vẹn và xuất bản bằng tiếng Nga. Trước đó, Kiều đã được chuyển ngữ sang hơn 20 thứ tiếng, trong đó tiếng Pháp có 6 bản dịch, tiếng Trung có 3 bản dịch…

Công trình được ra mắt trong thời điểm nhiều ý nghĩa: 250 năm sinh Nguyễn Du và 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Được biết hai nước Việt - Nga đang xúc tiến chương trình trao đổi văn học và Truyện Kiều rất có thể sẽ nằm trong số những tác phẩm đại diện đầu tiên được xuất bản tại Nga.

Đội ngũ dịch giả bao gồm TS Nguyễn Huy Hoàng (chủ biên), Đoàn Tử Huyến, Vũ Thế Khôi (dịch nghĩa); phía Nga có nhà ngôn ngữ học, Việt Nam học Anatoli Socolov, nhà thơ Vasili Popov là người chuyển bản dịch nghĩa thành thơ. “Nếu Pushkin 25 tuổi đã viết Evgenii Onegin, thì Vasili Popov 30 tuổi cũng hoàn thành xuất sắc trọn vẹn trước thời hạn bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Nga”, TS Nguyễn Huy Hoàng nói. Tuy nhiên ông cũng cho rằng việc dịch thuật chắc chắn còn nhiều khiếm khuyết do được thực hiện trong quãng thời gian vẻn vẹn một năm rưỡi và hy vọng sẽ tiếp tục được hoàn thiện trong lần tái bản.

Nhà thơ V. Popov nói: “Sau khi dịch Truyện Kiều, tôi trở thành người khác. Thoạt đầu tôi tưởng là dự án của nhà nước hóa ra  là dự án của các cá nhân. Nhà nước cũng là những con người. Con người làm nên nhà nước”. Dự án “Nga hóa” Truyện Kiều nhận được sự hỗ trợ của UBND tỉnh Hà Tĩnh và sự tài trợ của doanh nhân Hoàng Xuân Vinh- Chủ tịch Hội người Việt Nam tại tỉnh Svetlov (Nga). Ông Vinh khẳng định:  “Ước mơ sâu sắc nhất trong đời tôi là Truyện Kiều được dịch sang tiếng Nga. Tôi sinh ra ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh, đồng hương với Nguyễn Du, thành đạt ở Nga. Tôi muốn các bạn Nga hiểu thêm về văn hóa Việt và Truyện Kiều chính là món quà tinh thần tặng các bạn Nga”.

Tỉnh Hà Tĩnh cho làm ba phim tài liệu về Nguyễn Du, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền trong và ngoài nước thông qua Tuần Văn hóa Nguyễn Du tại Nghi Xuân- khai mạc 28/11. Đại lễ 250 năm sinh Nguyễn Du sẽ diễn ra tại đây vào 5/12.

MỚI - NÓNG