Cuộc tranh luận thứ 2 giữa Clinton và Trump: Tranh cãi vỉa hè

Cuộc tranh luận thứ 2 giữa Clinton và Trump: Tranh cãi vỉa hè
TP - Tranh luận lần hai giữa hai ứng viên tổng thống Mỹ ngày 10/10 (giờ Việt Nam) là cuộc cọ xát để tìm nhân tài cho cường quốc hùng mạnh nhất thế giới hay là cuộc ẩu đả ngôn từ dường như được cả hai bên đưa lên mức cao nhất có thể?

Donald Trump thực hiện một cách khá nhất quán thứ đòn mà các nhà tâm lý gọi là phóng chiếu, một cơ chế phòng vệ có thể khiến ông thất bại toàn diện về chính trị dù ông có thành tổng thống hay không. Đó là cách ông chối bỏ và ném trả lên người khác những cảm xúc hay xung năng vốn có ở trong ông mà chính mình không thể chấp nhận được.

Những người có thiện cảm với Trump luôn cầu khấn ông đừng làm một việc nhưng ông lại làm. Ông đã mang chuyện tình ái của cựu Tổng thống Bill Clinton ra để hạ nhục đối thủ. Đoạn video chết tiệt cách đây chín năm mà báo chí khui ra đúng hai hôm trước cuộc tranh luận thứ hai có nội dung đại loại Trump từng hôn phụ nữ và chạm vào bộ phận sinh dục của họ khi không được họ cho phép. Thay vì dũng cảm thừa nhận như Hillary Cliton “đó là sai lầm và tôi rất xin lỗi vì điều đó” về vụ 110.000 thư công vụ được gửi qua hộp thư điện tử cá nhân là xong, Trump chơi ngược lại. Sau mấy câu khiêm nhường kiểu như “tôi cũng không lấy gì làm tự hào với điều đó” là màn bóc mẽ. Ông lớn tiếng rằng, những gì chồng đối thủ làm với phụ nữ còn “tồi hơn nhiều” và đấy “là những điều tệ nhất trong lịch sử chính trị của đất nước này”. 

Cái võ ấy cũng được Trump thi triển khi người ta truy các lỗi khác như vụ ông trốn thuế suốt 20 năm bằng việc nại rằng số tiền ông nộp cho chính phủ vẫn nhiều hơn ông bạn Warren Buffet của bà Clinton. Đó là cơ chế phòng vệ để Trump tạm xua nỗi lo trước mắt, cho phép sự căng thẳng bên trong được chảy đi. Các xung năng thù ghét được ông phóng sang người khác đến mức có lúc ông cảm thấy mình là bị hại còn đối thủ là kẻ truy hại. Ông thậm chí dọa bỏ tù bà Clinton về vụ thư điện tử nếu ông làm tổng thống. Một người không có được cái tôi mạnh, hiểu theo nghĩa dám đương đầu và chấp nhận sai lầm, người ấy khó để người khác tin và lấy làm chỗ dựa.

Bà Clinton thì sao? Lần này hầu như vắng nụ cười. Trong khi đối thủ tận dụng tối đa cách sắp đặt bàn ghế theo kiểu phi chính thức bằng cách lúc nhún nhảy ngoáy mông, lúc tựa ngực vào thành ghế, và lúc làm dấu hiệu ngón tay, bà gần như bất động từ cách ngồi đến dáng đi. Vấn đề hóc búa nhất về quốc kế dân sinh không làm khó được bà. Vậy sao bà lại căng thẳng? Cắt nghĩa hợp lý có lẽ là chuyện khui quá khứ xấu của Bill Clinton. Đòn hiểm đó đánh vào nỗi đau chưa bao giờ mất bên trong Hillary Clinton. Người phụ nữ kiên cường và đầy lòng vị tha cuối cùng bị đẩy vào cuộc khẩu chiến mà chính bà có lẽ cũng không muốn.

Một trong những nguyên nhân của bi kịch chính là cặp đôi dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng của CNN và ABC. Họ là những người khơi mào chuyện riêng tư và xoáy vào chuyện tình ái. Quả thực, họ đã thành công về phương diện báo chí gây chú ý cho những kẻ tò mò. Tuy nhiên, họ đã khiến nhiều người hoài nghi về giá trị và văn minh Mỹ khi lôi những người chuẩn bị lãnh đạo đất nước vào việc cãi nhau bên vỉa hè.

MỚI - NÓNG